Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trên cả nước; các nhà báo, phóng viên đại diện các cơ quan báo chí và các bạn sinh viên đang theo học chuyên ngành báo chí.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đánh giá về các khóa bồi dưỡng của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), những điểm mạnh và những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đồng thời, đề xuất những kỹ năng cần thiết mà các cấp Hội Nhà báo, cơ quan báo chí mong muốn bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh báo chí hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho biết: Từ năm 2020 đến hết năm 2022, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã phối hợp với các Chi hội Nhà báo trên cả nước để tổ chức 333 hoạt động cho hơn 10.000 lượt hội viên. Đặc biệt, thời gian qua, Trung tâm đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho các lớp học trực tuyến tại các địa bàn bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công chúng, những người làm báo cần phải thay đổi tư duy, cách làm, áp dụng công nghệ thông tin để có được những sản phẩm phù hợp cho độc giả.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Đức Lợi, ông Hoàng Ngọc Sỹ - Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị cho rằng: Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong làm báo là rất quan trọng, vì vậy Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần đẩy mạnh các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin như: Chat GPT, phát triển các sản phẩm báo chí trên các nền tảng Tiktok, Facebook…
Bà Nguyễn Thị Thương - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: Hiện nay ở Thanh Hoá có gần 400 phóng viên, nhà báo trực thuộc chi Hội Nhà báo Thanh Hoá, vì vậy nhu cầu đào tạo nâng cao nghiệp vụ báo chí là rất lớn, các lớp đào tạo cần gắn liền với thực tiễn cần có các chuyên gia làm truyền thông số, an ninh, kinh tế, pháp luật... có như vậy thì các lớp tập huấn mới phát huy được hiệu quả và giúp cho đội ngũ phóng viên, nhà báo áp dụng được ngay vào thực tiễn công việc hàng ngày.
Ông Nguyễn Công Đán - Chủ tịch Hội nhà báo Hưng Yên kiến nghị: Cần phải đào tạo, bồi dưỡng thêm về mặt nghiệp vụ cho các phóng viên báo đài ở tỉnh khi đi làm tin về hội nghị. Bởi vì, hiện nay phóng viên đi làm tin hội nghị không sinh động, không mới mẻ, khô khan, không hấp dẫn và thường đưa quá nhiều tin tức về lãnh đạo.
Ông Nguyễn Bảo Lâm – Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Thái Nguyên thì cho rằng: Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần quan tâm nhiều hơn để mở các lớp đào tạo cho đội ngũ phóng viên báo chí ở miền núi phía bắc, các vùng còn nhiều khó khăn. Về nội dung đào tạo các lớp cần gắn với chủ đề đạo đức nghề nghiệp nhà báo, đào tạo ngoại ngữ.
Còn bà Phó Cẩm Hoa - Phó Trưởng Ban đối Ngoại Đài tiếng nói Việt Nam thì cho rằng: Cần đào tạo có nhiều lớp dành cho các nhà báo, các trưởng phòng và phó phòng; thậm chí cả lãnh đạo, các phó giám đốc, giám đốc đài. Đối với những lớp đào tạo trưởng phòng nên tập trung vào nội dung chuyên môn sâu hơn. Còn lãnh đạo tầm cao, đào tạo theo xu hướng phát triển tương lai và về mặt công tác quản lý.