Nâng cao năng lực chế biến và phát triển thị trường nông sản trong bối cảnh hậu Covid-19
Ngày 17/10, tại tỉnh Đắk Lắk, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo: Cùng nỗ lực, vượt thách thức, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp Đắk Lắk, miền Trung Tây Nguyên và cả nước sau đại dịch Covid-19.
Đến dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Tấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; Y Giang Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; Nguyễn Khắc Toàn, Trưởng Ban Kinh tế – Xã hội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, cùng đại diện Hội Nông dân một số tỉnh, thành phố, các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các nhà khoa học, nông dân trong và ngoài tỉnh tham dự.
Tây Nguyên có diện tích khoảng 54.700 km2, đất nông nghiệp chiếm 36% là vùng có điều kiện thuận lợi để chuyên canh nhiều cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng… Cây cà phê chiếm vị trí kinh tế quan trọng và có hiệu quả trong các chương trình kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, tạo công ăn việc làm cho lao động miền núi. Là mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng với sản lượng ước tính 1.623 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, thời gian qua đã vượt qua Braxin vươn lên thành quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Thời gian qua, đối với nông sản không tiêu thụ được trong đại dịch Covid-19, tỉnh đã chỉ đạo phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp triển khai một số cách thức hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, giảm thiểu tình trạng trắng tay. Cơ bản số lượng nông sản trên được tiêu thụ hết. Hiện nay tỉnh có 91.408 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp với mức thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm.
Ý kiến của một số đại biểu tham dự đã đề nghị các cơ quan chức năng nên quản lý siết chặt việc việc cung cấp, bán cây giống cho nông dân, vì nhiều cây giống mua về trồng ra không đúng như đơn vị cung cấp cam kết. Đồng thời, siết chặt việc mua bán phân bón chống phân bón giả và phân bón kém chất lượng giúp nông dân tháo gỡ khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk có 15 huyện, thị và thành Hội, 184 cơ sở Hội, 2.478 chi hội và 3.427 tổ hội, có 224.738 hội viên nông dân, chiếm 74% so với tổng số hộ nông nghiệp. Tuy nhiên, thị trường nông thôn và nền sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, chưa gắn chặt với sản xuất khiến việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Hàng hóa nông sản yếu thế cạnh tranh, nhiều mặt hàng có chất lượng thấp. Vai trò của Hợp tác xã, thương nhân ở địa bàn nông thôn mới chưa phát huy được ở khâu tiêu thụ nông sản và mở kênh phân phối… Thời gian tới sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân phục hồi và ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nông sản có chất lượng cao xuất khẩu phù hợp, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; tập trung phối hợp với ngành Nông nghiệp và các doanh nghiệp liên quan hỗ trợ nông dân phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản, đa dạng hóa tránh phụ thuộc vào một thị trường cả xuất khẩu và nhập khẩu. Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nông sản thông qua các chương trình liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp. Đẩy mạnh, phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ nông dân phát triển công nghệ số, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Đề xuất cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm xây dựng và phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng và địa phương; hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Muốn nông nghiệp phát triển bền vững, giá trị nông sản càng nâng cao và xuất khẩu đi được nhiều nước trên thế giới thì rất cần sự liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân, Hợp tác xã. Tỉnh luôn lắng nghe và đồng hành cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân để bổ sung quy định và phát huy hơn nữa thế mạnh của tỉnh, khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ kinh tế của tỉnh Đắk Lắk. Tôi luôn trăn trở về vấn đề nông nghiệp của tỉnh nói chung và cây cà phê nói riêng, vì hiện nay chỉ xuất khẩu được ở dạng thô chiếm 80% sản lượng xuất khẩu. Tỉnh luôn có giải pháp giúp nông dân áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất và cố gắng trong thời gian ngắn sẽ đưa xuất khẩu cà phê với giá trị gia tăng cao hơn thời gian qua, tỷ trọng xuất khẩu cao hơn và mang tính bền vững”.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Phan Việt Hà, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên chia sẻ: Sản xuất giống cây cà phê bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, cây giống có nhiều điểm vượt trội về sinh trưởng và mức độ đồng đều; hệ số nhân của cây cao hơn rất nhiều lần so với các phương pháp nhân giống truyền thống; tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đồng đều trong thời gian ngắn. Đảm bảo đúng nguồn gốc của giống, cây giống không bị sâu bệnh, đây là tiêu chí quan trọng trong tái canh cà phê. Bên cạnh việc áp dụng các giống mới, địa phương nên thực hiện có hiệu quả các biện pháp kỹ thuật áp dụng trong tái canh và canh tác cà phê theo đúng quy trình tái canh ca phê vối; quy trình tái canh cà phê chè; quy trình trồng xen canh cây hồ tiêu, cây bơ, cây sầu riêng trong vườn cà phê vối; quy trình tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê; tài liệu canh tác bền vững cho cây cà phê…
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Trưởng Ban Kinh tế – Xã hội, Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm đẩy mạnh nâng cao năng lực chế biến và phát triển thị trường trong bối cảnh hậu Covid-19. Đề xuất những cơ chế chính sách hỗ trợ hỗ trợ nông dân vươn lên làm giàu từ nông nghiệp, phát triển toàn diện ngành kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng bền vững. Nông nghiệp Tây Nguyên hiện bước đầu đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung cao về một số loại nông sản có thế mạnh trên thị trường trong nước và thế giới như cà phê với sản lượng 1,3 triệu tấn, chiếm 94% sản lượng của cả nước, riêng cà phê Robusta gấp 3 lần năng suất bình quân của thế giới; hồ tiêu 93 ngàn tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước; sắn 2,6 triệu tấn, chiếm 26% sản lượng cả nước; ngô 1,3 triệu tấn, chiếm 25% sản lượng cả nước; chè 228 ngàn tấn, chiếm 24% sản lượng cả nước; hạt điều 56 ngàn tấn, chiếm 22% sản lượng cả nước; cao su chiếm 27% diện tích và 18% sản lượng cả nước. Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo đã giúp cho các cơ quan kiến nghị với Bộ NN&PTNT về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chúng ta hiện có khoảng 18,5 triệu lao động trong nông nghiệp, là lực lượng lớn góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp đất nước. Việc xây dựng những con chim đầu đàn, để dẫn dắt, hỗ trợ các người khác làm theo, tăng cường sản xuất theo hướng hữu cơ và việc trí thức hóa nông dân đang được Hội Nông dân Việt Nam đẩy mạnh.
Vân Nguyễn
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân