Nếu không vào cuộc quyết liệt, khó đạt được mục tiêu giảm TNGT trên cả ba tiêu chí
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh yêu cầu trên trong bối cảnh tình hình TNGT 6 tháng đầu năm 2022 có điểm rất đáng chú ý là số vụ TNGT và số người bị thương đều giảm lần lượt 10,41% và 17,69% nhưng số người chết tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021.
Việc kéo giảm được 2/3 tiêu chí cho thấy nỗ lực rất lớn của các lực lượng chức năng khi đất nước mở cửa trở lại, hoạt động đi lại tăng cao, nhất là trong các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, dịp 30/4 và 1/5, nhưng con số tử vong là "hết sức đáng lo ngại".
Báo cáo của Ủy Ban An toàn giao thông quốc gia cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, có 30 địa phương giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, trong đó 10 địa phương có số người chết giảm trên 20% gồm: Thái Nguyên, Quảng Bình, Lai Châu, Sơn La, Bạc Liêu, Cà Mau, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Quảng Trị, Bình Thuận.
Tuy nhiên, còn 26 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ, trong đó 12 địa phương có số người chết tăng 10%, gồm: Bình Định, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Đà Nẵng, Điện Biên và Yên Bái.
Nhấn mạnh sự khác biệt nêu trên nằm ở sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban An toàn giao thông các tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt 26 tỉnh có số người chết tăng cần phải tổ chức đánh giá kỹ, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong 6 tháng cuối năm; yêu cầu cán bộ công nhân viên chức và người lao động tuân thủ, thực hiện đúng quy định về an toàn, nhất là đã uống rượu không được lái xe; bảo đảm lái xe, nhất là lái xe đường dài có thời gian nghỉ ngơi phù hợp; xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông.
Phó Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo các cơ quan báo chí của địa phương mình tăng cường tuyên truyền hơn nữa trong giờ vàng về nâng cao ý thức tham gia giao thông từ lái xe máy, ô tô, xe điện, học sinh, sinh viên, kể cả người đi bộ...
Các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng các giải pháp chống ùn tắc giao thông khi hoạt động kinh tế đang trở lại mạnh mẽ.
Phó Thủ tướng Thường trực giao Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tiếp tục kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chuyên đề, nhất là các chuyên đề về ma túy, nồng độ cồn, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, vi phạm tốc độ trên đường bộ, xử lý phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, cảng, bến thủy nội địa không phép.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có thể có các buổi làm việc với một số tỉnh có tỉ lệ tử vong tăng để bàn những biện pháp hỗ trợ; tổ chức hội nghị chuyên đề về trật tự an toàn giao thông; chuẩn bị công điện của Chính phủ yêu cầu các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng cuối năm; xây dựng kế hoạch an toàn giao thông cho năm 2023.
Bộ GTVT rà soát lại hệ thống văn bản, thông tư trong đó có các quy định về xe quá tải; bảo đảm chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông, chú trọng công tác bảo trì bảo đảm chất lượng; nghiên cứu bổ sung giải phân cách phù hợp; tiếp tục phối hợp kiểm soát tải trọng nhằm vừa bảo đảm an toàn giao thông vừa bảo vệ hệ thống hạ tầng giao thông; rà soát lại việc cấp phép giấy phép lái xe.
Bộ Công an chỉ đạo duy trì thường xuyên tuần tra, kiểm soát, không để tâm lý hết "cao điểm" lại tái diễn tình trạng vi phạm an toàn giao thông; hoàn thiện công tác thống kê phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Chinhphu.vn
- Quảng Nam: Mưa rất lớn gây sạt lở, ách tắc nhiều tuyến giao thông quan trọng
- Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh trở thành "di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại"
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững