Xã hội

Ngành Chăn nuôi Nghệ An tiếp tục tái cơ cấu theo hướng tập trung, kiểm soát dịch bệnh

Bùi Ánh - 17:12 22/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 21/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về tình hình sản xuất nông nghiệp, công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh, công tác tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y…

Ngành Chăn nuôi góp phần giữ nhịp tăng trưởng chung

Gần một năm qua do nhiều nguyên nhân khách quan có tác động không nhỏ đến tình hình phát triển chung của tỉnh như: Thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhiệt độ xuống thấp gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân. Bên cạnh đó đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, trong đó có sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đặc biệt giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp đầu vào như: Giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu… thời gian qua tăng mạnh, ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất của người dân; tư tưởng chủ quan sản xuất dựa vào kinh nghiệm, sản xuất theo hướng tự cung, tự cấp ở một số vùng; lực lượng lao động nông nghiệp ngày càng già hóa...

Kiểm soát tốt dịch bệnh trong nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản giảm thiểu đáng kể thiệt hại cho người dân. Ảnh: Bùi Ánh

Tuy nhiên, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm của tỉnh Nghệ An đã từng bước phục hồi và đạt được những kết quả quan trọng. Riêng tốc độ tăng trưởng của quý 3 đạt 11,68%. Trong 10 tháng qua, giá trị sản xuất nông, lâm ngư nghiệp ước đạt hơn 39.887 tỷ đồng, tăng 4,69%.

Cụ thể, vụ Đông Xuân 2021 – 2022, vụ Hè Thu được mùa, năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng tăng khá, năng suất lúa vụ Xuân đạt 66,37 tạ/ha, vụ Hè Thu ước đạt 51,67 tạ/ha; sản lượng gỗ khai thác, thủy sản tăng khá..., nên giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp (GRDP) ước đạt 20.385,179 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 4,77%, trong đó nông nghiệp tăng 4,47%; lâm nghiệp tăng 7,46% và thủy sản tăng 4,62%.

Trong số đó, chăn nuôi đóng một vai trò hết sức quan trọng trong nhịp tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp tỉnh Nghệ An. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã đánh giá cao những nỗ lực mà ngành Chăn nuôi thú y đã làm được và góp phần không nhỏ vào đà phát triển chung. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh “ngành Chăn nuôi Nghệ An cần tái cơ cấu chăn nuôi trang trại tăng lên và giảm chăn nuôi nhỏ lẻ. Có đưa vào quy mô lớn như thế mới dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra vùng nguyên liệu đồng bộ. Chính chăn nuôi tập trung theo các trang trại lớn khi đó mới kiểm soát được tiêu chí, công khai minh bạch thông tin mới chuyển đổi số được, mới truy xuất nguồn gốc được, mới tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu được…”

Ngành Chăn nuôi giữ vị trí khá quan trọng trong tiến trình phát triển chung của ngành. Ảnh: Bùi Ánh

Điều này được chứng thực qua con số cụ thể về tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 230 nghìn tấn tăng 5,26% so với cùng kỳ, sản lượng sữa 235 nghìn tấn. Dự kiến cả năm sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 282 nghìn tấn/ kế hoạch đạt 282 nghìn tấn, sản lượng sữa tươi đạt 265 nghìn tấn /kế hoạch 265 nghìn tấn.

Mặc dù ngành Chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi, bệnh dại, cúm gia cầm, dịch bệnh thủy sản...) nhưng bằng nỗ lực của cả hệ thống từng bước khắc phục mọi trở ngại đưa ngành Chăn nuôi của tỉnh giữ một vị trí quan trọng trong tình hình phát triển chung.

Tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi

Hiện nay, ngành Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng Đề án tái cơ cấu ngành: Tiếp tục cơ cấu lại chăn nuôi theo vùng nuôi và vật nuôi, trong đó trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng quy mô đàn trâu, bò ở miền Tây, nhất là bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tăng sản lượng thịt hơi xuất chuồng.

Đồng thời cơ cấu lại phương thức tổ chức sản xuất chăn nuôi: Từng bước cơ cấu lại sản xuất theo hướng chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi công nghiệp, trang trại và ứng dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 941 trang trại chăn nuôi theo quy mô, trong đó 438 trang trại lợn, 21 trang trại bò, 482 trang trại gia cầm.

Ứng dụng công nghệ cao và chăn nuôi tập trung mang lại nhiều lợi thế cho ngành Chăn nuôi của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Bùi Ánh

Trong thời gian qua, tình hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi tiếp tục phát triển ở hầu hết các loại vật nuôi như bò sữa, lợn, gia cầm. Nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, giải pháp công nghệ đã góp phần tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm chăn nuôi. Chăn nuôi ứng dụng công nghệ, công nghệ cao phát triển với nhiều trang trại quy mô lớn được đầu tư tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao như chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH, Vinamilk, chăn nuôi lợn của Công ty Masan, Công ty chăn nuôi CP, Công ty TNHH Thành Đô, Công ty Darby CJ Genetics,....

Tại các trang trại quy mô đều có ứng dụng quy trình kỹ thuật công nghệ trong chăn nuôi như: Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong cho ăn, công nghệ chuồng lạnh trong chăn nuôi lợn, gà; công nghệ chuồng trại có khả năng bức xạ nhiệt mặt trời làm giảm nhiệt độ chuồng nuôi; các công nghệ chế biến thức ăn...

Ngành Chăn nuôi đang dần kiện toàn hệ thống thú y các cấp nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi

Để công tác phòng chống dịch bệnh được đảm bảo, ngành Chăn nuôi tiếp tục kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp. Hiện nay, đã có 377 phường, xã bố trí chức danh thú y, đạt tỷ lệ 82%; Có 7 huyện đã bố trí đầy đủ thú y xã gồm: Thành phố Vinh, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, Nghĩa Đàn nhằm kịp thời có các biện pháp cấp bách để chỉ đạo xử lý dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác