Xã hội

Ngày Đại dương Thế giới 8/6: "Xúc tác hành động vì đại dương và khí hậu của chúng ta"

(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 8 tháng 6 hàng năm là ngày thế giới cùng nhau kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới. Sự kiện thường niên này đóng vai trò như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng đặc biệt của việc bảo vệ đại dương và sinh vật biển của con người.
Ngày Đại dương Thế giới không chỉ là ngày nâng cao nhận thức mà còn là lời kêu gọi hành động bảo vệ và bảo tồn đại dương.

Ngày Đại dương Thế giới năm 2024 của Liên Hợp quốc được tổ chức bởi Ban Các vấn đề Đại dương và Luật Biển của Văn phòng Pháp lý Liên Hợp quốc (DOALOS). Trong khi ngày Đại dương Thế giới được Liên Hợp quốc chỉ định chính thức là ngày 8 tháng 6 hàng năm, sự kiện năm 2024 sẽ được tổ chức vào thứ Sáu, ngày 7 tháng 6 với chủ đề “Xúc tác hành động vì đại dương và khí hậu của chúng ta”.

Ngày Đại dương Thế giới năm 2024 - “Đánh thức những chiều sâu mới”

Sau khi được Liên Hợp quốc thông qua và Dự án Đại dương của Liên Hợp quốc bắt đầu điều phối Ngày Đại dương Thế giới vào năm 2002 (do Canada đề xuất 10 năm trước tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio, Brazil năm 1992), Liên Hợp quốc coi đây là một khái niệm tuyệt vời cần được toàn cầu chú ý. Kể từ đó, Liên Hợp quốc đã ưu tiên hợp tác điều phối Ngày Đại dương Thế giới như một cơ hội để đoàn kết và tập hợp  toàn thế giới để kỷ niệm và hành động tập thể vì đại dương vào tháng 6 và trong suốt cả năm. Cùng với đó, Liên Hợp quốc cũng đặt mục tiêu phát triển phong trào bảo vệ và khôi phục đại dương, đồng thời phát triển một nhóm tình nguyện viên toàn cầu mạnh mẽ hơn để tuyên truyền, bảo vệ một đại dương trong lành và khí hậu ổn định. 

Theo Liên Hợp quốc, Ngày Đại dương Thế giới không chỉ là ngày nâng cao nhận thức mà còn là lời kêu gọi hành động. Đây là cơ hội để các cá nhân và cộng đồng trên toàn thế giới đoàn kết trong nỗ lực bảo vệ và bảo tồn đại dương của chúng ta cho các thế hệ tương lai.

Bà Inger Andersen - Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đồng thời là Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) cho rằng: Chúng ta hiện đang phải đối mặt với một trong những mối đe dọa lớn nhất từ ​​trước đến nay đối với hành tinh xanh, đó là biến đổi khí hậu. Chúng ta cần một đại dương trong lành để có khí hậu trong lành và ngược lại, đồng thời chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn ở các địa phương, quốc gia và quốc tế, kể từ lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp để “đánh thức những chiều sâu mới” của đại dương theo cả nghĩa đen và ẩn ý của nó .

Năm 2024, UNEP sẽ triển khai một chủ đề hành động dự kiến kéo dài trong nhiều năm, đó là: "Xúc tác hành động vì Đại dương và Khí hậu của chúng ta". Bằng cách phát triển phong trào thông qua hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức, UNEP mong muốn không chỉ tạo ra một hành tinh xanh lành mạnh mà còn là một xã hội công bằng, bình đẳng và bền vững hơn.  

Bà Inger Andersen - Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đồng thời là Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) cho rằng: "Chúng ta cần một đại dương trong lành để có khí hậu trong lành và ngược lại".

“Cùng nhau, chúng ta có thể thuyết phục các nhà lập pháp quốc gia và lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đúng lời hứa của họ, cụ thể là: Tận dụng tốt nhất tất cả các giải pháp khí hậu hiện có; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng sang năng lượng sạch và tái tạo; ngừng khai thác nhiên liệu hóa thạch, bao gồm dầu, khí đốt và than đá; loại bỏ dần hoạt động sản xuất hiện tại, bao gồm cả nhựa sử dụng một lần; hợp tác và lan tỏa tiếng nói của các nhà lãnh đạo các quốc gia đang nỗ lực thực hiện hành động trong cộng đồng của họ… 

Bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên ven biển và đại dương (và trên đất liền) bằng cách tạo ra các khu vực được bảo vệ mạnh mẽ, bao phủ ít nhất 30% diện tích đất và nước của chúng ta vào năm 2030 và tiếp tục tạo ra nhiều giải pháp hơn nữa ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế dựa trên cơ sở khoa học tốt nhất. Bằng cách hợp tác theo những cách mang tính thay đổi, chúng ta có thể tạo ra một tương lai lành mạnh và phong phú hơn cho tất cả mọi người”, bà Inger Andersen nhấn mạnh.

Liên Hợp quốc kêu gọi các quốc gia bảo vệ các loài cá đang bị săn bắt quá mức như cá mập. Trong ảnh: Các nhà khoa học theo dõi, bảo vệ một con cá mập bị đa chấn thương do hoạt động săn bắt của ngư dân.

Ngày Đại dương Thế giới năm 2024, cần trả lời câu hỏi: Đánh cá bền vững là gì?

Theo Liên Hợp quốc, đánh bắt cá bền vững có nghĩa là đánh bắt cá một cách có trách nhiệm nhằm ngăn chặn việc đánh bắt quá mức , giảm thiểu việc đánh bắt nhầm và duy trì đa dạng sinh học biển. Một phần ba quần thể cá hoang dã trên toàn cầu đang bị đánh bắt quá mức và 60% bị đánh bắt đến giới hạn sinh học. Đánh bắt quá mức có nghĩa là chúng ta không phải lúc nào cũng để lại đủ cá cho các thế hệ mai sau. Cá cần thời gian để phát triển và sinh sản và hoạt động đánh bắt bền vững sẽ giúp điều này được duy trì. 

Tiêu chuẩn Nghề cá MSC (Marine Stewardship Council) do Hội đồng quản lý biển - một tổ chức quốc tế phi chính phủ thành lập. Mục đích ban hành tiêu chuẩn này nhằm khuyến khích khai thác biển hợp lý, thực hiện hành nghề cá có trách nhiệm. Tiêu chuẩn đưa ra các giải pháp thị trường dài hạn giúp người hoạt động nghề cá vừa có thể đạt được mục tiêu thương mại vừa có thể bảo vệ môi trường. 

Logo xanh lam MSC đầy uy tín của Hội đồng quản lý biển.

Trên thế giới, MSC hiện nay được đánh giá là nhãn hiệu sinh thái biển nổi tiếng, được áp dụng rộng rãi trên nhiều quốc gia. Đối với Việt Nam, MSC như tấm giấy thông hành giúp nền thủy sản an toàn và phát triển bền vững.

Theo đó, khi bạn chọn mặt hàng hải sản đánh bắt tự nhiên có dán logo xanh lam MSC của Hội đồng quản lý biển, điều đó cho biết hải sản đó đã được chứng nhận được đánh bắt từ các quần thể cá hoang dã, khỏe mạnh và hợp pháp.

Để được chứng nhận là bền vững, các nhóm nhà khoa học biển thuộc Hội đồng quản lý biển sẽ xem xét nghề cá của một khu vực, một quốc gia để đánh giá xem cá có được đánh bắt đúng mức và đúng cách hay không. Các quốc gia có nghề cá tham gia vào quá trình này có thể được chứng nhận độc lập là bền vững theo Tiêu chuẩn Nghề cá của MSC. Quá trình này thường mất 12-18 tháng và được xem xét kỹ lưỡng bởi nhiều bên liên quan, với các chứng chỉ có thời hạn lên đến 5 năm.

Thông thường các quốc gia có nghề cá được yêu cầu phải cải tiến liên tục để đạt được và duy trì chứng nhận. Nếu không đáp ứng được những cải tiến, nghề cá có thể bị thu hồi chứng chỉ. Những cải tiến có thể bao gồm các biện pháp giảm thiểu đánh bắt không mong muốn các loài động vật biển như cá voi và chim biển, cũng như để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu đối với đại dương.

Đánh bắt bền vững theo Tiêu chuẩn Nghề cá của MSC có nghĩa là phải tuân thủ các tiêu chuẩn: Đánh bắt ở vùng có quần thể cá khỏe mạnh; Giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái; Quản lý có trách nhiệm và hiệu quả hoạt động đánh bắt. Việc đánh bắt bền vững có thể được xác định bằng cách sử dụng Tiêu chuẩn nghề cá của MSC áp dụng với bất kể quy mô, địa lý hoặc phương pháp đánh bắt được ngư dân sử dụng.

Khi nghề cá được đánh giá độc lập theo Tiêu chuẩn Nghề cá của MSC, ba nguyên tắc chính sẽ được xem xét gồm: Nguồn cá bền vững; Giảm thiểu tác động môi trường; Quản lý nghề cá hiệu quả. Các nghề cá đạt được chứng nhận sẽ được kiểm toán hàng năm và có thể được yêu cầu cải tiến hơn nữa các hoạt động của mình để bảo vệ tài nguyên biển cho thế hệ tương lai.

Một con cá voi lưng gù Thái Bình Dương, Baja California, Mexico với chiếc phao vướng vào đuôi đã bị phân hủy và chết dần trong đau đớn. Một sự phản ánh rõ ràng về cái chết từ từ và đau đớn mà chúng ta đang gây ra cho đại dương, hành tinh của chúng ta Nguồn ảnh @mekanphzeriay

Theo Liên Hợp quốc, đại dương của chúng ta đang chịu áp lực rất lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm và đánh bắt quá mức, bao gồm cả vấn đề đánh bắt không mong muốn. Đánh bắt cá bền vững là một cách để giải quyết vấn đề đánh bắt quá mức, để đảm bảo chúng ta có những đại dương tràn đầy sự sống. Hải sản là nguồn cung cấp protein chính cho hàng triệu người và việc đánh bắt cá rất quan trọng đối với nhiều sinh kế và cộng đồng.

Đánh bắt cá bền vững rất quan trọng nhằm bảo vệ đa dạng sinh học đại dương để đảm bảo một đại dương khỏe mạnh và kiên cường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, ngăn chặn sự dịch chuyển nhu cầu protein trên đất liền và từ đó gây thêm nạn phá rừng đồng thời bảo vệ sinh kế và cộng đồng phụ thuộc vào đánh bắt cá và hải sản.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác