Nông thôn mới

Nghệ An có 113 sản phẩm được phân hạng OCOP

Bùi Ánh - 13:55 11/11/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đặt mục tiêu đến năm 2025, Nghệ An phấn đấu có ít nhất 300 sản phẩm OCOP, tiếp tục phát triển mới ít nhất 86 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP và có 5 đến 8 sản phẩm đạt hạng 5 sao có thể xuất khẩu sang thị trường các nước.
TIN LIÊN QUAN

Chiều 10/11, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị "Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) giai đoạn 2019 - 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 và những năm tiếp theo". Tham dự hội nghị có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương và chủ thể OCOP của các huyện, thành thị.

Sản phẩm OCOP đang ngày một phát huy được thế mạnh.

Sau thời gian thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 113 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 87 sản phẩm được công nhận 3 sao và 26 sản phẩm được công nhận 4 sao.

Để khuyến khích và tạo điều kiện cho các chủ thể triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã có một số chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; trong đó, có 4 nội dung hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, gồm máy móc thiết bị, nhãn mác, bao bì, điểm giới thiệu quảng bá và bán hàng, tiền thưởng.

Trao chứng nhận các sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.

Đến nay, Nghệ An đã có 16/21 huyện, thành, thị tổ chức đánh giá, phân hạng và có sản phẩm đạt hạng sao nhờ đó, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới, hiện toàn tỉnh đã có 318/411 xã đạt tiêu chí số 10 về Thu nhập (chiếm 77,4%), có 280/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 68,1%.

Trong 2 năm 2019-2020, số lượng chủ thể đăng ký tham gia Chương trình là 106 chủ thể, trong đó có 75 chủ thể có sản phẩm đạt hạng 3 sao đến 4 sao gồm: 27 HTX; 21 doanh nghiệp; 6 cơ sở sản xuất; 9 tổ hợp tác; 12 hộ sản xuất kinh doanh; Trong đó, khu vực đồng bằng có 40 chủ thể/72 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên; khu vực miền núi có 35 chủ thể/41 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên.

Trao chứng nhận các sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao.

Chính Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP như: Các làng nghề truyền thống ở Yên Thành, Diễn châu, Quỳnh Lưu, TP. Vinh, Thanh Chương đã có 5 sản phẩm OCOP gắn với khai thác vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như: Cam Vinh, gừng Kỳ Sơn; gà đồi Thanh Chương, gạo Vĩnh Hòa, lạc Diễn Châu

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP .

 Cùng với đó, Chương trình cũng đã góp phần không nhỏ trong vấn đề tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; đặc biệt là phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, điển hình như: Sản phẩm dệt Thổ cẩm gắn với các Làng du lịch cộng đồng (Homstay) bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê) huyện Con Cuông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 150 hộ với 205 lao động, thu nhập bình quân 3,8 - 4,2 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.

Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu; mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng doanh thu của nhiều chủ thể trong năm 2020 vẫn tăng từ 10-15%.

Một trong những sản phẩm OCOP của TP. Vinh.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kết quả và chất lượng triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại các địa phương. Tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa sản xuất của người dân, đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng, góp phần bảo tồn, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái.Tập trung đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác...

Những sản phẩm chế biến từ sen của Hợp tác xã Sen quê Bác ở Nam Đàn đạt chất lượng 3 sao, 4 sao.

Cũng tại Hội nghị đã có 10 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2020 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới  Trung ương.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác