Công tác Hội

HND Nghệ An: Khẳng định được vai trò “trung tâm, nòng cốt” trong mọi phong trào

Bùi Ánh - 13:09 20/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều ngày 19/7, Hội Nông dân (HND) tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Nhìn chung, các hoạt động Hội và phong trào nông dân có nhiều dấu ấn nổi bật và được đánh giá, ghi nhận cao.

Tập trung hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Đời sống của hội viên đánh giá tính hiệu quả trong hoạt động Hội, xác định điều đó, thời gian qua, HND Nghệ An luôn luôn có những định hướng, hỗ trợ hội viên vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Trong số đó phải kể đến công tác vận động hội viên nông dân giúp nhau vượt qua khó khăn, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Ảnh: Bùi Ánh

Trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở Hội trong toàn tỉnh đã đăng ký giúp 460 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong việc hỗ trợ sinh kế cho hộ hội viên nông dân nghèo thoát nghèo bền vững như: Mô hình hỗ trợ giống gà ở thành phố Vinh; Mô hình hỗ trợ con giống (lợn, gà), vật tư, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ở huyện Đô Lương; Đề án “Ngân hàng bò” của huyện Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn;“Góp gạch xây nhà cho hộ nghèo của huyện Quỳ Châu; Hỗ trợ giống cây, hỗ trợ cải tạo vườn của huyện Thanh Chương; Mô hình chăn nuôi dê sinh sản hỗ trợ sinh kế giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững tại 02 huyện Anh Sơn và Tân Kỳ do Hội Nông dân tỉnh đầu tư hỗ trợ 160 con dê giống sinh sản cho 32 hộ nghèo và cận nghèo,…

Để hội viên có thêm vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, Hội không ngừng liên kết với các ngân hàng, phát triển và quản lý tốt nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) nhằm mang lại những thuận lợi trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay. Chỉ tính riêng nguồn vốn từ Quỹ HTND 6 tháng đầu năm tăng trưởng 6 tỷ đồng, đạt 75% chỉ tiêu giao, đưa tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh lên 84,654 tỷ đồng, triển khai cho vay ở 394 dự án, với 2.058 hộ vay.

Hỗ trợ chương trình góp gạch xây trường cho em và xây nhà ở cho hội viên nghèo, khó khăn từ HND huyện Đô Lương. Ảnh: Bùi Ánh

Song song với đó, Hội cũng tiếp tục đổi mới nội dung chương trình đào tạo kết hợp học lý thuyết, tham quan thực tế và thực hành tạị cơ sở sản xuất; phát huy kết quả đào tạo nghề với xây dựng mô hình kinh tế, xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp; kết nối hỗ trợ cung cấp nguyên liệu con giống sản xuất và giới thiệu tiêu thụ sản phẩm. Kết quả, đến 30/6/2022 các cấp Hội Nông dân đã phối hợp mở 77 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 2.312 lao động nông thôn; có trên 80% học viên sau học nghề đã tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm mới.    

Đồng thời phối hợp các cấp, các ngành tổ chức 1.276 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân. Tổ chức 5 lớp tập huấn trang bị kiến thức chăn nuôi lợn an toàn sinh học cho 175 học viên là các hộ chăn nuôi lợn có quy mô vừa trở lên tại các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn; tổ chức 8 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho 160 lượt hội viên nông dân, tổ chức 4 hội nghị truyền thông về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho 120 hộ hội viên nông thuộc các xã của huyện Thanh Chương và huyện Hưng Nguyên; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã cho 200 hội viên, nông dân thuộc huyện Nghi Lộc và huyện Hưng Nguyên.

Hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất phân bón hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp đang được HND các cấp chú trọng. Ảnh: Bùi Ánh

Nhờ đó, toàn tỉnh có 270.424 hộ hội viên nông dân đăng ký trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 103% chỉ tiêu giao. Nhìn chung, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng tăng cả về chất và lượng. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, nông sản đạt chất lượng Ocop chiếm ưu thế và chú trọng về tính an toàn vệ sinh thực phẩm

Xây dựng Nông thôn mới – trọng tâm xuyên suốt trong mọi hoạt động

Có thể nói, tập trung hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống chính là một trong những tiêu chí góp phần quan trọng để chương trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh đi đến thành công. Bởi mục tiêu cao nhất hướng đến là đời sống của người dân thay đổi cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ đó, những chỉ tiêu khác cứ thế dễ dàng đạt được khi bộ mặt đời sống được nâng lên.

Trao vật tư chống rét cho trâu bò hạn chế thiệt hại về tài sản đối với người nông dân được xem là hoạt động hỗ trợ rất kịp thời của HND tỉnh và được đánh giá cao từ chính quyền các cấp. Ảnh: Bùi Ánh

Một trong những hoạt động thể hiện được vai trò dân vận khéo của HND các cấp là vận động nông dân hiến được 104.409 m2 đất và đóng góp 106.939 ngày công lao động tham gia xây dựng và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, toàn tỉnh đến nay có 299/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 184 thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới, 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7 đơn vị cấp huyện được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Song song với đó, công tác chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng 391 vườn chuẩn nông thôn mới và 536 vườn mẫu nông dân theo hướng vườn chuẩn nông thôn mới; đồng thời tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành kế hoạch tổ chức thi vườn chuẩn nông thôn mới đẹp năm 2022, đến nay đã có 15/21 đơn vị ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi.

Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao những thành tích mà HND các cấp đã đạt được trong 6 tháng vừa qua. Ảnh: Bùi Ánh

Để môi trường nông thôn luôn xanh, sạch, đẹp, HND đã triển khai thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường như: Dự án “Tuyên truyền vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”; Mô hình “Thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp”; Đề án “Phát huy vai trò, trách nhiệm của hội nông dân trong tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, giai đoạn 2022 - 2025”; tham mưu cho UBND tỉnh để ban hành Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp giai đoạn 2022-2025”.

Ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch HND tỉnh tặng bằng khen cho 7 đơn vị huyện Hội có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng "Hàng cây nông dân ơn Bác". Ảnh: Bùi Ánh

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch HND tỉnh nhấn mạnh: Có nhiều nhiệm vụ được đặt ra trong 6 tháng cuối năm nhưng cái cần tập trung và hoàn thiện là tiếp tục nâng cao vai trò của tổ chức hội trong việc tạo môi trường giúp nông dân phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi thông qua các việc làm cụ thể như phối hợp tập huấn KHKT, tổ chức diễn đàn trao đổi kinh nghiệm sản xuất;...Hoàn thành việc triển khai xây dựng các mô hình kinh tế theo kế hoạch; Đẩy mạnh các hoạt động trung gian liên kết nông dân, doanh nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi và tích cực tư vấn, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã”.

Dịp này, HND tỉnh cũng đã tặng bằng khen cho 7 đơn vị huyện Hội có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng "Hàng cây nông dân ơn Bác" giai đoạn 2020 - 2022, gồm HND các huyện: Thanh Chương, Đô Lương, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Con Cuông.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác