Nông nghiệp

Người trồng chè Lai Châu vượt khó trong đại dịch

Khắc Kiên - 07:02 06/12/2021 GMT+7
Thời gian gần đây, ngành sản xuất chế biến chè cả nước đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng với sự bất ổn chính trị tại Trung Đông đang khiến việc xuất khẩu chè bị ngưng trệ. Tuy nhiên, tại tỉnh Lai Châu, người trồng chè vẫn yên tâm thu hoạch nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất chè để duy trì hoạt động thu mua, chế biến.
Dù thị trường tiêu thụ khó khăn nhưng hoạt động thu hái chè ở Lai Châu vẫn được duy trì.

Vẫn duy trì hoạt động thu hái

Trên nương chè tại bản Thành Công (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) từ cuối tháng 8 đến nay người trồng chè vẫn tích cực lên nương thu hái, cắt chè. Đây là một trong những lứa chè chính vụ trong năm, có sản lượng chè búp tươi được dự báo sẽ tăng khoảng 30% so với lứa chè trước. Được doanh nghiệp tạo điều kiện thu mua sau nhiều ngày tạm dừng, nên bà con rất hăng hái thu hoạch.

Chị Nguyễn Thị Thủy, người trồng chè ở bản Thành Công, xã San Thàng chia sẻ: Gia đình chị có 5 nhân khẩu, sống phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập từ hơn 1,5ha chè. Do doanh nghiệp thu mua gặp khó khăn về xuất khẩu chè khô, nên giá chè búp tươi có giảm so với thời điểm đầu năm, nhưng doanh nghiệp cứ thu mua là bà con còn có thu nhập. Mong doanh nghiệp sẽ đứng vững trước dịch bệnh, chè búp tươi cũng được giữ giá để bà con ổn định cuộc sống.

“Trước tình hình dịch bệnh rất phức tạp hiện nay, việc tiêu thụ chè của người trồng chè chúng tôi rất khó khăn. Nếu mà Công ty không thu mua thì chè đến lứa là chúng tôi cũng phải bỏ đi. Công ty cũng đã thông báo là chè hiện nay tiêu thụ rất chậm, bởi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Giờ sản xuất ra cũng chủ yếu là để lưu kho, vì vậy bà con rất chia sẻ với những khó khăn của Công ty và cũng rất mong muốn Công ty tiếp tục đồng hành để tiêu thụ chè cho bà con như hiện nay” - chị Nguyễn Thị Thủy nói.

Ngoài hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, qua đó, đảm bảo việc làm thường xuyên cho công nhân để mọi người có thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Điệp, công nhân Công ty Cổ phần chè Tam Đường cho biết: Từ đầu mùa dịch đến nay, việc làm, lương và thu nhập tăng thêm của công nhân vẫn được Công ty duy trì ổn định. Thời gian này nguyên liệu chè về nhà máy nhiều hơn trước, nên vừa qua, Công ty cũng đã tuyển thêm lao động để đảm bảo sản xuất. Dù là công nhân chính thức hay lao động thời vụ thì với mức thu nhập từ 7 - 9 triệu/tháng, đời sống của người lao động vẫn được đảm bảo.

“Công việc chúng tôi vẫn được làm đều, lương và thu nhập thêm vẫn được nhận đầy đủ hàng tháng. Với mức lương của chúng tôi Công ty vẫn trả đều như thế thì về cuộc sống gia đình cũng tạm ổn. Trong mùa dịch có nhiều vấn đề phức tạp, vì vậy, Công ty không chỉ hỗ trợ về việc làm mà còn hỗ trợ cả về thiết bị y tế, khám bệnh, tiêm, rồi test Covid-19...”, chị Nguyễn Thị Điệp nói.

Sơ chế chè búp tươi sau khi thu mua từ người dân.

Cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo

Tỉnh Lai Châu hiện có trên 7.500ha chè, trong đó có khoảng 4.500ha chè kinh doanh đang áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP.. Tổng sản lượng chè búp tươi hàng năm khoảng trên 31.000 tấn. Chè được coi là cây chiến lược trong xóa đói giảm nghèo của chính quyền địa phương, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn.

Bà Trương Thị Nhàn - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Chỉ tính riêng vụ trồng chè năm 2020, toàn tỉnh đã trồng mới được 760ha, vượt 26,67% kế hoạch đề ra với các giống chủ yếu là PH8, Kim Tuyên… Các hộ dân đăng ký diện tích trồng chè mới sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, phân bón lót, kỹ thuật, 15 triệu đồng/ha chuyển đổi đất, khai hoang và làm đất.

Có được kết quả đó, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động cho người dân thấy được hiệu quả từ cây chè, đặc biệt những khu vực mới phát triển trồng chè tại các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ; kiểm tra, rà soát diện tích, thực hiện chuyển đổi đất đáp ứng yêu cầu trồng chè; hướng dẫn nông dân làm đất, trồng chè đảm bảo kế hoạch giao; đôn đốc các Công ty sản xuất giống trên địa bàn kiểm định vườn giống để đảm bảo chất lượng theo quy định. 

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, đôn đốc công tác trồng chè tại các địa phương; tham mưu kịp thời những thay đổi về diện tích so với kế hoạch để điều chỉnh cho phù hợp; kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng cây giống phục vụ mùa trồng chè mới. 

Sự vào cuộc của doanh nghiệp nhằm đảm bảo tiêu thụ chè búp cho người dân giúp người trồng chè yên tâm gắn bó với cây chè. Theo bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường cho biết: Hiện Công ty có 4 nhà máy sản xuất, đang tạo việc làm cho hơn 100 công nhân. Với 2.000ha chè đã ký kết với với bà con nông dân hiện nay, nếu Công ty ngừng thu mua thì sẽ có khoảng 8.000 người nông dân mất việc làm. Vì thế, dù sản phẩm tiêu thụ có chậm, thậm chí đang tồn kho hơn 600 tấn chè khô, nhưng công ty vẫn đang cố gắng khắc phục để thu mua chè búp tươi cho bà con.

“Với quy mô Công ty đã đầu tư về hạ tầng, máy móc thiết bị, đặc biệt là giữa doanh nghiệp và người dân đã có những mối liên kết thì Công ty chúng tôi vẫn tìm các giải pháp. Trong năm 2021 vẫn tổ chức các cuộc họp để tuyên truyền, vận động, rồi lắng nghe ý kiến của bà con nông dân. Thứ hai là Công ty cam kết tạm ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con nông dân, đến thời điểm này là trên 10 tỷ đồng; cam kết bao tiêu hết sản phẩm cho bà con nông dân với giá bình ổn bằng giá của năm 2019” - bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ.

Chè là cây trồng có giá trị kinh tế cao mang lại thu nhập ổn định cho người trồng. Việc cam kết tiêu thụ chè búp trong bối cảnh Covid-19 còn phức tạp của doanh nghiệp giúp người trồng chè Lai Châu yên tâm. Vì vậy, người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực mở rộng diện tích trồng chè mới, đẩy mạnh việc chăm sóc diện tích chè đã có, diện tích chè trồng mới để cây chè cho năng suất, chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập. 

Tỉnh Lai Châu hiện có trên 7.500ha chè, trong đó có khoảng 4.500ha chè kinh doanh đang áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP... Tổng sản lượng chè búp tươi hàng năm khoảng trên 31.000 tấn.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác