"Nhà khoa học của nhà nông" cần mẫn gieo hạt, cùng nhà nông đón mùa vàng
Say mê khảo nghiệm các giống lúa mới
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại huyện Đô Lương (Nghệ An), bà Võ Thị Nhung (1975) hiện là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn giống lúa mới năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất tại Nghệ An.
Kể từ năm 1996 khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội) bà bắt đầu về làm việc tại Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Nghệ An (Nay là Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An). Với những tâm huyết và năng lực của mình, sau một thời gian, bà được phân công phụ trách phòng kỹ thuật và bắt đầu thực hiện niềm đam mê cháy bỏng nghiên cứu, khảo nghiệm và sản xuất các loại giống cây trồng. Đến năm 2008, bà được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Giống Cây trồng Nghệ An, trực tiếp phụ trách kỹ thuật – kinh doanh. Năm 2012 bà được Chi ủy, lãnh đạo và tập thể cán bộ, viên chức, người lao động cơ quan tín nhiệm giới thiệu để Sở NN&PTNT bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An. Đây chính là khoảng thời gian bà càng có thêm điều kiện để chắp cánh ước mơ ươm trồng những giống cây trồng tốt giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hơn 20 năm trực tiếp làm công tác chọn tạo, khảo nghiệm giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa, bà am hiểu thế mạnh và nhược điểm của từng loại giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như kinh nghiệm sản xuất của bà con tỉnh Nghệ An. Trên hành trình đó, bà đã tham mưu bổ sung vào bộ giống sản xuất chính thức của tỉnh với nhiều loại giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, trong đó điển hình như: Lúa lai Kinh Sở ưu 1588, Thiên nguyên ưu 16, Thiên nguyên ưu 9; các giống lúa thuần: Sông Lam 9, Hương Thuần 8, Gia lộc 105, Khang dân cải tiến (DCG72), N25;... mang lại năng suất, chất lượng rõ rệt cho mỗi vụ mùa của tỉnh nhà như tiếp thêm sức mạnh, thổi ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết cống hiến với ngành Nông nghiệp của người cán bộ trẻ một thời. Cùng với đó, nguồn vật liệu để chọn tạo giống lúa mới do bà sưu tầm, nghiên cứu từ trước đến nay, tiêu biểu như: SL6, SL5, TT9, SL16, SL18... vẫn đang được duy trì, có rất nhiều đặc điểm ưu việt, triển vọng về năng suất, chất lượng và tính chống chịu để Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An tiếp tục kế thừa trong công tác tuyển chọn, khảo nghiệm đưa vào sản xuất tại Nghệ An.
Hồi tưởng về thời gian này, bà không khỏi xúc động khi cả tập thể cán bộ, nhân viên của Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An đã cùng sát cánh, đồng chí hướng với những công trình mới ra đời và được thử nghiệm thành công trên chính “bờ xôi ruộng mật” của bà con nông dân.
Hơn ai hết, bà Nguyễn Thị Mỹ Lương – nhân viên đã đồng hành cùng bà Nhung suốt gần 20 năm tại Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, thấu rõ: “Trong suốt quá trình làm việc, chúng tôi luôn cảm nhận được rõ sự tâm huyết, mong muốn của chị Nhung trong việc nghiên cứu, khảo nghiệm, tìm ra giống tốt cho bà con nông dân. Chị luôn băn khoăn, trăn trở mỗi khi bà con mất mùa, mỗi khi cây trồng bị sâu bệnh tàn phá, mùa vụ gặp nắng hạn, giá rét hay gãy đổ do mưa bão,… Những điều đó như thôi thúc chị, càng chịu khó kiên trì hơn trong tìm kiếm giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới, sâu sát hơn với công tác chọn tạo, khảo nghiệm tại đồng ruộng và quyết liệt hơn trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành đơn vị. Cũng bởi tất cả sự cố gắng đó của chị mà công tác nghiên cứu, khảo nghiệm giống mới của Trung tâm giống cây trồng đã đạt được những kết quả tốt như vậy, góp phần tích cực vào nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân tỉnh nhà”. Trong số đó phải kể đến các giống lúa Hương thuần 8, Sông Lam 9, Kinh sở ưu 1588,…được sử dụng nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá về giống lúa Sông Lam 9, Kinh sở ưu 1588, ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định: “Nói đến chất lượng, năng suất lúa trên địa bàn huyện Thanh Chương phải tự tin để nói rằng giống lúa Sông Lam 9, Kinh sở ưu 1588 là không phải bàn. Đây là những giống lúa có khả năng chịu nhiệt tốt, chống chịu sâu bệnh cao, năng suất nhìn thấy rõ. Vụ Hè Thu này, bà con vẫn sản xuất giống lúa Sông Lam 9 bởi những ưu điểm của nó rất phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng của địa phương. Giống lúa này nhiều năm nay được bà con địa phương ưa chuộng, thuộc vào tốp “nồi đồng cối đá” của huyện”.
Tâm huyết với nghề, khao khát nông dân xứ Nghệ có bộ giống năng suất, chất lượng cùng những vấn đề bà con nông dân gặp phải trong sản xuất đã thôi thúc lòng nhiệt huyết của bà để nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn đưa về những giống lúa mới có sản lượng cao, chất lượng tốt phù hợp. Các giống lúa này được triển khai vào thực tiễn đã thực sự cùng nông dân xây đắp những mùa vàng bội thu, đóng góp không nhỏ cho nền nông nghiệp của địa phương. Giống lúa Sông Lam 9 (LTH 31) là điểm nhấn trong cuộc đời làm giống đầy đam mê, cống hiến của bà.
Quy trình chọn tạo lâu dài
Phải nói rằng để ra đời một loại giống mang lại niềm vui sau mỗi vụ mùa là cả một quá trình thu thập vật liệu, tuyển chọn, thử nghiệm, đánh giá, chuyển giao. Ngoài nhãn quan của một nhà khoa học, lựa chọn giống nào phù hợp với hệ sinh thái của địa phương còn cần sự sát sao, tỉ mỉ “vạch lá tìm sâu” về những hạn chế, tích cực của từng loại giống.
Không lạ gì khi mỗi mùa vụ sản xuất, bà cũng như các cán bộ nhân viên dốc tổng lực trực tiếp về với bà con nông dân, cùng họ xắn tay vào đồng ruộng vừa để khảo nghiệm, đánh giá năng suất, hiệu quả của các loại cây trồng mà bà và đội ngũ nghiên cứu, khảo nghiệm và chuyển giao. Đồng thời, cùng các địa phương nghiên cứu chuẩn bị đáp ứng các loại giống cây trồng phù hợp cho vụ sản xuất sắp tới.
Để có một bộ giống chất lượng phải trải qua quá trình chọn tạo rất lâu mới ra được những tính trạng tốt, theo hướng mình yêu cầu với từng nhóm giống như: giống chất lượng, giống năng suất, giống chống chịu... Trên cơ sở đó dòng nào nổi trội, triển vọng sẽ đưa vào thực hành quy trình chọn tạo chuẩn để chọn ra giống ổn định, hội tụ các yếu tố mà mình mong muốn. Từ đó, một loại giống ít nhất phải khảo nghiệm trên 3 vụ, trải qua quy trình khảo nghiệm VCU, DUS,... rồi mới tổ chức các cuộc hội thảo đánh giá từ cấp quản lý đến nhà khoa học và địa phương, người nông dân,... để có những cái nhìn đa chiều, chính xác về đặc tính, ưu nhược điểm của giống và làm cơ sở trình công nhận tiến bộ kỹ thuật, giống mới và tham mưu đưa vào sản xuất ở những vùng sinh thái phù hợp.
Vì thế “cơ duyên” ra đời của dòng lúa Sông Lam 9 cũng chiếm một khoảng thời gian khá dài. Bà Nhung cho hay: Khởi nguồn nảy sinh ý tưởng này bắt nguồn từ việc tiếp cận nguồn vật liệu của một người bạn ở Viện cây lương thực (lúc bấy giờ là Trung tâm nghiên cứu lúa thuần). Khi có nguồn nguyện liệu này, năm 2011 bắt đầu cho khảo nghiệm, đánh giá để lựa chọn giống phù hợp nhất với điều kiện khí hậu đặc thù của tỉnh Nghệ An. Đến năm 2014 giống lúa này được công nhận sáng kiến kỹ thuật. Mãi đến năm 2017 mới bắt đầu được công nhận sản xuất thử. Trải qua nhiều vụ sản xuất thử, bà đã tiếp tục chọn lọc, đánh giá, cải tiến những đặc tính chưa tốt để tuyển chọn được giống lúa chính thức Sông Lam 9 phát triển ổn định, với nhiều đặc điểm ưu việt để công nhận giống chính thức. Đến tháng 4/2020 mới công nhận chính thức và trở thành giống lúa nằm trong cơ cấu giống chính thức của tỉnh nhiều năm qua và được bà con nhiều địa phương đăng ký để thực hiện chính sách hỗ trợ giống lúa thuần trên địa bàn tỉnh.
Song song với giống lúa Sông Lam 9, Hương thuần 8 hiện đang được bà con nhiều huyện đưa vào sử dụng, tiêu biểu như tại huyện Kỳ Sơn sản xuất vụ Đông Xuân, với ưu điểm chống đổ tốt, khả năng thâm canh cao, ít nhiễm bệnh, gạo dẻo, thơm, vị đậm. Do điều kiện địa hình miền núi đặc thù nên năng suất sẽ không trụ hạng được so với vùng đồng bằng nhưng so với các giống lúa khác, nhưng giống lúa Hương thuần 8 vừa chất lượng, vừa cho năng suất khá cao trên địa bàn, dao động từ 45 đến 50 tạ/ ha. Đặc biệt, đây là loại giống thích ứng tốt với biến đổi khí hậu của địa phương, ông Nguyễn Xuân Trường – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn cho biết.
Bên cạnh sự ra đời của các giống lúa mới mang thương hiệu Việt, bà Võ Thị Nhung cũng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp tỉnh như: “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất rau hữu cơ tại Nghệ An”; “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình chuỗi giá trị sản xuất Bưởi đỏ tại Nghệ An”; Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất, sử dụng chế phẩm VSV cải tạo đất sản xuất lạc theo hướng bền vững ở tỉnh Nghệ An”;... Riêng đề tài khoa học “Ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lạc L23 đạt năng suất cao trên một số vùng sinh thái Nghệ An” do bà làm chủ nhiệm, được hội đồng khoa học nghiệm thu đánh giá rất cao và dự án “Đầu tư sản xuất hạt lại F1 tổ hợp LC25”- được đánh giá là một trong số ít những đơn vị thành công đạt năng suất sản xuất lúa F1 cao nhất trên địa bàn tỉnh.
Những sáng tạo, nỗ lực không ngưng nghỉ đó của bà đã được nhận nhiều danh hiệu thi đua cùng khen thưởng của Tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động, Thủ tướng Chính phủ,...Năm 2022 bà Võ Thị Nhung vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba.
Đặc biệt, trong ngày 3/10/2024, bà Võ Thị Nhung là người vinh dự đón nhận danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” và Lễ tôn vinh được tổ chức vào ngày 03/10/2024 tại Hà Nội. Đây là Chương trình nhằm tôn vinh những cống hiến của các nhà khoa học có công trình nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả có nhiều sáng kiến, giải pháp, quy trình kỹ thuật công nghệ được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân và địa phương.