“Nhà khoa học của Nhà nông”:
“Còn khỏe là còn cống hiến, hết lòng vì nông dân”
Nhờ sự miệt mài lao động không ngừng nghỉ, ông Vũ Hưu Lê đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng về sáng tạo khoa học, kỹ thuật, bằng khen, giấy khen của UBND các cấp, các ngành, trong đó năm 2018, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông”. Năm 2024, ông được UBND tỉnh Yên Bái đề xuất Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”.
Để có được những thành tích đó, ông Lê luôn tâm niệm làm sao để giúp nông dân vơi bớt khó khăn. Ông bảo rằng: “Chỉ nghe họ nói những lời truyền miệng “Máy cơ khí ông Lê” là tôi cảm thấy rất vui. Đó là lời động viên và tự hào để tôi quên đi mọi mệt mỏi nghiên cứu, chế tạo ra nhiều sản phẩm mang tính sáng tạo”.
Ông Vũ Hữu Lê chia sẻ: Bản thân là nông dân vùng quê Phú Thọ, may mắn, tôi đã được đi học và đào tạo tại Liên Xô trở thành kỹ sư chế tạo máy, cùng với 40 năm làm nghề cơ khí chế tạo máy đã thấu hiểu được sự nhọc nhằn và khó khăn của người nông dân. Từ khi về hưu năm 1992, tôi đã sáng lập ra Tổ hợp tác cơ khí Hồng Hà, với 5 lao động.
Thời gian đầu ông gặp rất nhiều khó khăn về vốn, công cụ, thiết bị sản xuất, nhà xưởng và thị trường tiêu thụ nên phải đi thu mua sắt vụn để làm vật liệu sản xuất. Nhưng với thế mạnh là kiến thức chế tạo cơ khí, bản thân ông Lê đã nỗ lực tổ chức sản xuất và kinh doanh nên từ việc sản xuất các công cụ thô sơ dần chuyển sang chế tạo các máy móc phục vụ cho nông, lâm nghiệp tại Yên Bái và các tỉnh xung quanh.
“Với phương châm là sản xuất từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, từ số lượng ít đến nhiều, từ chỗ chỉ có một tổ lò rèn đến trang bị được nhiều thiết bị như máy tiện, máy hàn, máy khoan…. Năm 2002, chuyển từ Tổ hợp tác thành Công ty TNHH cơ khí và xây lắp Hồng Hà với 3 tổ sản xuất, trên 26 thợ. Đến nay, Công ty đã xây dựng được nhà xưởng và trang bị nhiều thiết bị sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định thường xuyên với mức lương bình quân là 6 triệu đồng/người/tháng trở lên” - ông Lê cho hay.
Ông Vũ Hữu Lê cho biết: Tôi luôn tâm niệm là phải chế tạo nhiều máy móc, thiết bị phù hợp với túi tiền người nông dân; độ bền cao, dễ sử dụng và hợp với trình độ của họ. Chính vì thế, tôi đã nghiên cứu và lãnh đạo sản xuất hàng nghìn loại máy bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh”.
Nhiều năm qua, ông Lê đã vượt qua khó khăn của tuổi già, bệnh tật cùng với nhân viên của Công ty đi đến các vùng sâu, vùng xa như: Hoàng Su Phì, Than Uyên, Mộc Châu, Tây Côn Lĩnh, Bắc Trà My... để nghiên cứu, tìm ra những mô hình máy phù hợp cho từng nơi, từng vùng từ đó sản xuất ra nhiều máy được các doanh nghiệp và bà con nông dân tin dùng.
“Tôi đi là để nghiên cứu tình hình thực tế ở mỗi địa phương để tìm hiểu xem bà con nông dân gặp phải những khó khăn như nào trong sản xuất nông nghiệp, để từ đó có sự sáng tạo, chế tạo máy phù hợp với nông dân. Tôi rất thích làm việc với nông dân, tôi còn học hỏi ở họ được rất nhiều điều khác nữa” - ông Vũ Hữu Lê bày tỏ.
Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Trong hơn 20 năm, ông Vũ Hữu Lê đã tham gia các Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái và Trung ương, năm nào cũng đạt giải Nhất, Nhì hội thi. Nhiều giải pháp đã được cấp Bảo hộ độc quyền của Cục sở hữu trí tuệ. Đồng thời, ông thường xuyên nghiên cứu, chế tạo nhiều loại máy đáp ứng được nhu cầu thị trường và phù hợp với từng hộ dân nhỏ, đến các nhà máy và doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.
Ông Vũ Hữu Lê đã nghiên cứu, sáng tạo máy móc ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau như: Đối với cây quế có máy chế tạo nồi trưng cất tinh dầu quế, hệ thống sấy vỏ quế, máy băm cành lá quế, máy cắt phân đoạn vỏ quế ống, máy ép quế thủy lực, lò sấy nhiệt sạch...; Đối với cây chè có máy vò chè xanh, máy vò chè đen, boong sao chè, máy tạo hình chẻ, máy sấy chè, máy sàng phân loại chè, máy tách cảng chè, ống sao chủ, máy vỏ chế đa năng để vỏ được cả hai loại chè xanh và chè đen...; đối với cây dong riềng và miến dong có máy nghiền củ dong, máy rửa củ dong, máy khuấy bột dong sống và bột dong chín, lò sấy miến dong, hệ thống lọc bột dong sạch, máy ép sợi miến bán tự động....
Ngoài ra, ông Vũ Hữu Lê còn nghiên cứu sản xuất máy băm cỏ cho chăn nuôi, máy thái quả và hệ thống sấy nông sản sạch; Chế tạo giàn khay trượt nuôi tằm; lò nhiệt sạch không CO2 để sưởi ấm cho gà nuôi công nghiệp; hệ thống sấy cát khô liên tục kiểu ống phục vụ cho ngành xây dựng và làm phụ gia cho ngành sơn, sản xuất kinh, keo dán gạch…
Từ năm 2018, sau khi được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông”, ông Vũ Hữu Lê vẫn tiếp tục có những sáng chế: Giải pháp “Hệ thống lò đốt rác thải y tế và các vỏ chai nhựa, thuốc bảo vệ thực vật cho các xã nông thôn mới” đạt giải Nhì Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ VIII năm 2020; “Máy chặt cành quế theo hành trình” đạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ 9 (năm 2019 - 2020); “Máy vò chè đa năng” đạt giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ X (2021 - 2022), máy đã được ứng dụng hiệu quả tại các cơ sở chế biến chè, các HTX, doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành như: Công ty Trà Than Uyên, HTX Phúc Khoa (Lai Châu); Công ty chè Hồng Hoài (Yên Bái); Công ty chè Sông Bôi (Hòa Bình); Công ty chè Yên Sơn (Phú Thọ)….
Ông Vũ Hữu Lê tâm sự: Việc nghiên cứu, chế tạo cứ thường trực trong tâm trí, còn khỏe là còn cống hiến vì nông dân. Bằng kinh nghiệm của mình, ông đã đào tạo và truyền nghề cho nhiều lớp thợ trở thành những cán bộ vững chuyên môn nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật bậc cao. Ông Lê còn truyền cảm hứng và tư vấn, giúp đỡ các thế hệ trẻ thanh niên lập nghiệp tại huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái), huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) và TP. Hà Nội. Ông tài trợ, tư vấn hướng dẫn cho các cháu học sinh tỉnh Yên Bái thi ý tưởng sáng tạo từ đó tạo động lực và nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu, sáng tạo cho thế hệ tài năng tương lai.
Ngoài ra, ông Vũ Hữu Lê còn miễn phí trong chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và đào tạo nghề làm miến, làm nấm, chưng cất tinh dầu cho người dân mua máy của Công ty góp phần giúp người dân có việc làm, thu nhập ổn định và làm giàu; đồng thời bán máy với giá trả chậm và giảm giá thành còn 70% - 80% cho nông dân khó khăn, tạo điều kiện giúp họ tiếp cận được với công nghệ, máy móc nhiều hơn, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.