Diễn đàn

Lan toả rộng hơn nữa những giá trị của “Nhà Khoa học của Nhà nông”

Nhóm tác giả - 07:32 02/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trước thềm sự kiện Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V vào ngày 3/10 tới tại Hà Nội, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã ghi lại một số ý kiến đánh giá và góp ý xây dựng với mong muốn giúp cho Chương trình này được cải tiến và ngày càng hấp dẫn, hữu ích đối với Nhà nông, Nhà Khoa học và cộng đồng.
TIN LIÊN QUAN


Ông Nguyễn Huy Anh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Sơn La:

Nên mời những nhà khoa học đã được vinh danh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân

Trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp, xây dựng nông thôn, chương trình Tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” có ý nghĩa quan trọng trong cổ vũ, động viên khích lệ những người làm khoa học, những người tham gia chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với nông dân. 

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã vinh dự có Kỹ sư Phạm Hân Hạnh, Tiến sĩ Vũ Quang Giảng, Thạc sĩ Vũ Minh Toàn… được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là “Nhà Khoa học của Nhà nông”. Đây là những gương mặt tiêu biểu của tỉnh trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được chuyển giao áp dụng có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Qua chương trình “Nhà Khoa học của Nhà nông”, nhiều nghiên cứu, sáng kiến của các nhà khoa học được lan tỏa đến các hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung. 

Trên thực tế, nông dân Sơn La đã được tiếp cận và ứng dụng khá nhiều những nội dung tiến bộ trong sản xuất của các nhà khoa học và tạo nên những kết quả lao động sản xuất ngày một năng suất hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Những tiến bộ khoa học đó đã giúp cho nông dân Sơn La cải thiện đời sống, tích tụ năng lực, tiềm lực để bứt phá, vươn lên, xóa nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình. Có thể liệt kê nhiều ứng dụng tiêu biểu: Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm; xử lý rác thải trong sản xuất, xử lý rác thải sau thu hoạch; phòng, chống bệnh cho đàn gia súc; lai tạo các cây - con giống mới cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, khả năng chống hạn, chịu gió bão cao; tạo những giống cây trái mùa, trái vụ; bí quyết nhân đàn, bí quyết tăng trưởng nhanh; các sản phẩm OCOP, VietGAP… nhằm tạo ra một thị trường nông sản hàng hóa phong phú về chủng loại, đa dạng về sản phẩm, giá thành giảm mà chất lượng ngày một cao hơn; không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu tới cả những thị trường khó tính trên thế giới.  
Chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” cũng đã có những quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện, tiêu chuẩn của các ứng viên, hướng dẫn về thủ tục xét chọn, hồ sơ tham gia…, giúp các địa phương triển khai thuận lợi, hiệu quả. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực tế ở địa phương, chúng tôi nhận thấy chương trình có một số bất cập cần cải tiến. Cụ thể như sau: Các nhà khoa học được vinh danh trong chương trình là những người đã có đóng góp lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tại các địa phương. Sau khi được chương trình “Nhà Khoa học của Nhà nông” tôn vinh, nên đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, mời những nhà khoa học đã được vinh danh chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ tới các hội viên nông dân. Điều này nên được quy định cụ thể, chi tiết trong phần “Trách nhiệm của Nhà Khoa học”. Chẳng hạn như về số lượng buổi tập huấn nhà khoa học cần tham gia tổ chức, thời gian thực hiện trách nhiệm quy định trong bao lâu sau khi được tôn vinh. Quá trình thực hiện trách nhiệm của nhà khoa học cần được một cơ quan, tổ chức ở địa phương giám sát…

Ông Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương:

“Mang lại nhiều ý nghĩa cho xã hội và sự phát triển ngành Nông nghiệp”

 Trong 4 lần tổ chức vừa qua, tỉnh Hải Dương cũng đã đóng góp vinh danh 4 nhà khoa học. Trong đó, có thể kể đến nhà khoa học TS. Đào Xuân Thảng - Viện Cây lương thực và Cây Thực phẩm đã làm chủ nhiều đề tài, đề án khoa học có giá trị. Dưới bàn tay tài tình của ông, hàng chục giống rau quả mới đã ra đời có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao như: Dưa chuột lai PC4, dưa bở vàng thơm số 1, bí xanh thiên thanh 5, cà chua VT10, VT5, đậu đũa VC2... Ông như vị “phù thủy” đã tạo ra những điều kỳ diệu trên đồng ruộng. Trong đó, giống bí xanh số 1, giống bí xanh số 2 từ công trình nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp đã được đưa vào trồng rộng rãi tại các huyện, thành phố của tỉnh Hải Dương và mang lại năng suất cao. 

Cụ thể, giống bí xanh số 1 được bà con nông dân đánh giá phát triển tốt, hầu như không xuất hiện sâu bệnh, tỷ lệ đậu quả cao, trung bình 500-700 quả/sào, vỏ quả màu xanh thẫm, thẳng, đẹp. Dự kiến một sào bí xanh số 1 sẽ có thể cho thu hoạch trung bình 1,5-2 tấn (47-50 tấn/ha). Còn giống bí xanh số 2 còn có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe trên của sản xuất tại Hải Dương nói riêng và đồng bằng sông Hồng nói chung. Giống bí xanh số 2 có năng suất cao 45- 55 tấn/ha/vụ, chất lượng tốt, quả thuôn dài 60 -75cm, vỏ xanh đậm, ít hạt, cùi phớt xanh được thị trường ưa chuộng, khả năng chống chịu sâu bệnh và khả năng thích ứng tốt, hiệu quả kinh tế cao (thu nhập 70-90 triệu đồng/ha, lãi thuần 45-55 triệu đồng/ ha) với điều kiện bất thuận ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, giống được khảo nghiệm tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng: Hải Dương, Thái Bình, Nam Định... cho năng suất cao, chất lượng tốt có thể trồng được 2 vụ/năm (vụ Đông Xuân và vụ Thu Đông).

Từ thực tiễn nói trên, đánh giá chương trình tôn vinh “Nhà Khoa học Nhà nông” đã mang lại nhiều ý nghĩa cho xã hội và sự phát triển ngành Nông nghiệp của mỗi tỉnh thành nói riêng và cả nước nói chung, nhất là đối với nông dân.

Đóp góp ý kiến cho Chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V năm 2024, ông Nguyễn Văn Thông cho hay, đối với quy trình xét chọn các nhà khoa học đã chặt chẽ và bài bản. Tuy nhiên, ông cho rằng, từ thực tiễn cho thấy, chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” cần tiếp tục đi thẳng vào thực chất vấn đề, tránh phô trương hình thức. Bởi bản thân các nhà làm khoa học họ cũng rất mộc mạc, nghiên cứu khoa học bằng cái tâm với nông dân, mong muốn được cống hiến cho sự phát triển nông nghiệp. 

Ông Lê Trung Cần - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên:

Ưu tiên hàng đầu những Nhà khoa học có sáng kiến “gần” dân

Chương trình Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” là một chương trình, sáng kiến rất hay của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhằm kịp thời vinh danh những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế… Theo tôi được biết, Chương trình tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V, năm 2024 sẽ vinh danh 56 “Nhà khoa học của Nhà nông”, nâng tổng số nhà khoa học được vinh danh từ lần thứ Nhất, năm 2018 đến nay lên con số 301 nhà khoa học, một con số không hề nhỏ.

Qua theo dõi các Chương trình tôn vinh lần trước, tôi cho rằng công tác tổ chức, xét duyệt của chương trình từ cấp cơ sở, đến cấp Trung ương được thực hiện rất bài bản, trung thực, khách quan, có trách nhiệm rất lớn của Ban Tổ chức cũng như các đơn vị, nhà khoa học được vinh danh. Đã có rất nhiều nhà khoa học tên tuổi được tôn vinh như: Cố GS. Võ Tòng Xuân, người đã gắn cả đời với nền nông nghiệp Việt Nam; GS  GS.TSKH Trần Duy Quý - Chủ tịch BCH TƯ Hội Khoa học và Phát triển nông thôn Việt Nam, Viện trưởng Viện hợp tác nghiên cứu khoa học châu Á - Thái Bình Dương, người gắn bó với công việc di truyền chọn giống trong hơn 50 năm qua, ông đã cùng các cộng sự đã chọn tạo được 27 giống lúa cùng nhiều giống đậu tương và hoa, được mệnh danh là “cha đẻ” của nhiều loại lúa lai Việt Nam. 

Trong số những “Nhà Khoa học của Nhà nông” đã được vinh danh, không thể không kể đến ông Nguyễn Hồng Chương (SN 1975, chủ cơ sở nghiên cứu, ứng dụng máy nông nghiệp Hồng Chương - tỉnh Lâm Đồng). Mặc dù trình độ văn hoá 8/12, nhưng ông Chương đã nghiên cứu, đúc kết giải pháp, sáng chế ra nhiều sản phẩm phục vụ nông nghiệp rất hữu dụng như: Cần phun thuốc trừ sâu hiệu suất cao, máy gieo hạt chân không, máy đóng bầu đất vào vỉ xốp, máy xay đất bùn, máy xay đất bùn kết hợp băng tải, máy vắt nước cho rau, máy đóng đất vào chậu tự động, máy đóng đất vào túi nilon tự động, máy gieo hạt 6 trong 1 tự động… 

Qua đó có thể khẳng định, “Nhà Khoa học của Nhà nông” bao gồm cả những nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu và những nhà khoa học thực hành, thực tế. Tôi không có ý định đánh giá hay so sánh tầm quan trọng của các nhà khoa chuyên hay không chuyên, bởi trên thực tế sự đóng góp của họ cho xã hội nói chung và nền nông nghiệp nói riêng là rất lớn. Tôi chỉ có một vài ý kiến nhìn ở góc độ nông nghiệp và thực tiễn hiện nay. Thứ nhất, cần tiếp tục phát hiện và tôn vinh nhà khoa học, những cá nhân với những công trình “gần dân”, gần thực tiễn, dễ áp dụng, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp…

Thứ hai, lĩnh vực thương mại điện tử là một lĩnh vực rất tiềm năng, có ảnh hưởng rất lớn đến ngành Nông nghiệp, tôi cho rằng ở lĩnh vực này cũng cần phát hiện, tôn vinh, khích lệ những nhà khoa học tiêu biểu.

Tôi cho rằng trước và sau khi tôn vinh các công trình phải được đưa vào áp dụng,  thì chương trình mới thực sự có ý nghĩa, mới thiết thực với người dân và ngành Nông nghiệp.

Kiều Tâm - Ngô Chức - Việt Tùng
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác