Hội đồng thẩm định “Nhà khoa học của Nhà nông” họp để thẩm định cá nhân được tôn vinh năm 2024
Bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN, Trưởng Ban Tổ chức, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có 9 thành viên của Hội đồng Thẩm định thuộc cơ quan Trung ương Hội NDVN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Hồ sơ đề nghị tôn vinh chất lượng, đúng quy định
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới, Ủy viên Hội đồng thẩm định cho biết: Tạp chí Nông thôn mới được Trung ương Hội NDVN giao tham mưu tổ chức Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông”. Trong thời gian qua, Ban Tổ chức đã nhận được 59 hồ sơ từ các tỉnh, thành, các cơ quan, đơn vị trong cả nước. Đây là năm thứ 5 sự kiện này được tổ chức, Chương trình tôn vinh này nhằm động viên, khuyến khích các “Nhà khoa học” chuyên và không chuyên tiếp tục có những phát minh, sáng chế, những sáng tạo cải tiến để phục vụ cho xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong số 59 hồ sơ gửi về Ban Tổ chức có 40 hồ sơ từ các tỉnh, thành phố đề cử, 19 hồ sơ của Bộ NN&PTNT, Liên hiệp Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Hội NDVN đề cử.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Bùi Thị Thơm cho rằng, Chương trình được triển khai đúng quy trình, chặt chẽ, nghiêm túc. 59 bộ hồ sơ gửi về Ban Tổ chức cũng đã được các hội đồng cơ sở, bộ, ngành xem xét đề cử. Ở các tỉnh, thành, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Khoa học Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh thành lập Hội đồng và tổ chức xét chọn. Ở cấp Trung ương, Hội đồng Thẩm định có trách nhiệm thẩm định các hồ sơ của Hội đồng cơ sở đề. Tại cuộc họp này, đề nghị các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu hồ sơ của các ứng viên kỹ lưỡng, công tâm, khách quan và bám sát vào quy chế, quy định của Chương trình để có ý kiến quyết định về các cá nhân được xét chọn vinh danh “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ V, năm 2024.
Trong quá trình nghiên cứu các hồ sơ được đề cử tôn vinh, các thành viên Hội đồng thẩm định đã nêu nhiều ý kiến đóng góp đề hoàn thiện thêm các tiêu chí bình chọn để chương trình ngày càng tăng thêm uy tín, giá trị.
Ông Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ gửi đến các thành viên của Hội đồng thẩm định. “Tuy nhiên, trong quá trình xem xét hồ sơ, tôi vẫn thấy còn một số tỉnh, thành chưa có đề cử, đây là một điều cần phải xem xét lại. Hội cần có sự chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nhiều người biết đến chương trình góp phần làm tăng giá trị, uy tín, phổ biến rộng rãi từ Chương trình này. Trong thực tế, có những nông dân có sáng kiến rất hữu ích, hiệu quả mà chưa viết được báo cáo thành tích thì đề nghị Hội Nông dân các cấp hỗ trợ, hướng dẫn họ làm hồ sơ, để họ được tôn vinh".
TS. Nguyễn Thanh Sơn – Nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, năm nay các hồ sơ được đề cử có chất lượng tốt, thành phần tham gia đa dạng, nhiều ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền quảng bá, truyền thông về chương trình cho nhiều người biết để tham gia; vì qua số lượng hồ sơ của chương trình thấy vẫn còn ít so với thực tế rất nhiều người có đủ điều kiện, tiêu chí tham gia chương trình nhưng họ không biết để tham gia".
Về vấn đề tiêu chí đánh giá, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Cúc – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, trong quy chế xét chọn cần nêu rõ các tiêu chí cụ thể, có đổi mới sáng tạo như thế nào? Sản phẩm khoa học đó được chuyển giao, hiệu quả ứng dụng vào thực tế ở mức nào?. Đối với cấp Trung ương tôn vinh thì cần đưa vào tiêu chí là các giải pháp phải được áp dụng ít nhất là trong phạm vi 1 tỉnh, cá nhân đó phải được khen ở cấp tỉnh chứ không thể chỉ trong phạm vi 1 huyện, xã..
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để lan tỏa Chương trình tôn vinh
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, hiện có nhiều nhà khoa học chuyên và không chuyên có rất nhiều công trình nghiên cứu rất xứng đáng được Trung ương Hội tôn vinh nhưng tại sao họ lại không làm hồ sơ, đó là do công tác truyền thông về chưa trình chưa mạnh mẽ nên họ không biết. Vì vậy, thông qua đơn vị báo chí, các cơ quan chuyên ngành, các bộ cần phổ biến thông tin đến các cá nhân nhiều hơn, liên tục để thu hút họ tham gia.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng Thẩm định, điều này đã cho thấy ý nghĩa, giá trị của chương trình, là cơ sở để mở rộng quy mô và chất lượng của Chương trình. Đồng thời cũng đánh giá cao Tạp chí Nông thôn mới – đơn vị thường trực trực tiếp thực hiện từ khâu tham mưu đến triển khai các phần việc, hoàn thiện cho Chương trình.
“Đánh giá cao các thành viên trong Hội đồng thẩm định đã dành cho Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp Nông dân tình cảm yêu mến, dành thời gian để nghiên cứu xem xét hết sức cẩn thận, chu đáo và làm tròn trách nhiệm của thành viên hội đồng ” – bà Bùi Thị Thơm khẳng định.
Bà Bùi Thị Thơm cũng cho rằng: Hồ sơ của các bộ, ngành, các tỉnh, thành đề cử thì đa phần các cá nhân đều có bề dày thành tích, có nhiều đóng góp cho nông dân, nông nghiệp, các nghiên cứu, giải phápp đều có ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, kinh doanh.
Quy chế của Chương trình được ban hành từ năm 2021, mỗi lần sử dụng đều có sự điều chỉnh, năm nay đã có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí lựa chọn giống như các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng thẩm định. Trong thời gian tới, Ban Tổ chức tham mưu đề xuất bổ sung quy định về ứng dụng sản xuất trong vòng bao lâu? để thấy được tính bền vững của các giải pháp, công trình nghiên cứu; ứng dụng rộng rãi ít nhất là trong phạm vi một tỉnh. Các quy định càng cụ thể thì Hội đồng thẩm định làm việc sẽ dễ dàng, chặt chẽ hơn.
Đối với Tạp chí Nông thôn mới, sau cuộc họp này cần tổng hợp lại kết quả, có báo cáo cụ thể để trình Thường trực Trung ương Hội NDVN. Bà Bùi Thị Thơm cũng đề nghị đẩy mạnh công tác truyền thông, để người được tôn vinh cảm thấy tự hào, lan tỏa đến nhiều người hơn; để người nông dân cảm thấy trong quá trình tham gia sản xuất, kinh doanh luôn có nhà khoa học luôn đồng hành cùng họ. Công tác tuyên truyền phải liên tục trước, trong và sau tổ chức Chương trình tôn vinh.
Tạp chí Nông thôn mới cần phối hợp với Ban Tuyên giáo, Công ty Cổ phần Truyền thôn Báo sáng thật chặt chẽ để đảm bảo công tác chuẩn bị hoàn tất các công việc trước khi diễn ra Chương trình tôn vinh để chương trình được tổ chức thành công.
- Nghệ An: Các cấp Hội cần tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, cách làm hiệu quả, kết quả ấn tượng
- Hội Nông dân huyện Diễn Châu đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, xây dựng Hội, xây dựng mô hình, điển hình
- Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp
- Tuyên truyền pháp luật đến nông dân được duy trì thường xuyên, ổn định