Hỗ trợ nông dân

Nhiều giải pháp tư vấn, hỗ trợ dịch vụ, giúp nông dân phát triển kinh tế

07:18 15/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, hoạt động củaTrung tâm Hỗ trợ Nông dân, Nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) và các Trung tâm Hỗ trợ Nông dân trong cả nước đã góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân; phát huy vai trò, vị thế và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, qua đó tập hợp, thu hút đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội.

Cùng với những kết quả đạt được, hoạt động tư vấn, hỗ trợ dịch vụ giúp nông dân còn có những khó khăn, hạn chế. Để làm rõ thêm về các nội dung này, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới có cuộc trao đổi với ông Trương Xuân Quý - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam).
Thưa ông, ông có thể giới thiệu cho bạn đọc vài nét về chức năng và nhiệm vụ và hệ thống của Trung tâm Hỗ trợ Nông dân? 
Hiện nay, Trung ương Hội có Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn và Hội Nông dân các tỉnh, thành phố có 50 Trung tâm với nhiều tên gọi khác nhau (sau đây gọi chung là Trung tâm Hỗ trợ Nông dân). Trung tâm Hỗ trợ Nông dân là đơn vị sự nghiệp công, có tư cách pháp nhân và tự chủ tài chính. Trung tâm chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nông dân cùng cấp. Trung tâm được giao xây dựng các mô hình liên kết, phát triển kinh tế để đánh giá và nhân rộng trong tổ chức Hội; trực tiếp tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân. Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn Trung ương Hội còn có nhiệm vụ nắm bắt tình hình và là cầu nối trong hoạt động với Trung tâm Hỗ trợ Nông dân các tỉnh, thành phố; chủ trì, kết nối thực hiện các nhiệm vụ trong hệ thống Trung tâm Hỗ trợ Nông dân các tỉnh, thành phố trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.


Lãnh đạo Trung ương Hội cắt băng Khai trương Điểm trưng bày, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Trong giai đoạn 2018-2023, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, Nông thôn đã tham mưu và tổ chức được những hoạt động nổi bật nào, thưa ông? 
Với chức năng và nhiệm vụ như đã nêu trên, trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn Trung ương Hội đã đạt được một số kết quả nổi bật như:
Trung tâm đã xây dựng và trình Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá hoạt động của các Trung tâm Hỗ trợ Nông dân trong hệ thống Hội giai đoạn 2018-2022. Qua đó, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã ban hành Kết luận số 454-KL/HNDTW ngày 06/7/2022 về một số nhiệm vụ trọng tâm của các Trung tâm Hỗ trợ Nông dân trong thời gian tới. Đây là văn bản rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để các cấp Hội tiếp tục quan tâm hơn đến hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ; quan tâm kiện toàn bộ máy, cơ sở vật chất và tạo điều kiện để các Trung tâm Hỗ trợ Nông dân hoạt động tốt hơn. Trung tâm đã tham mưu để Trung ương Hội tổ chức Hội nghị với Hội Nông dân và Trung tâm Hỗ trợ Nông dân 63 tỉnh, thành phố để nắm bắt tình hình, định hướng hoạt động và từng bước tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các Trung tâm Hỗ trợ Nông dân.
Trung tâm đã trình Ban Thường vụ Trung ương Hội phê duyệt Đề án chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và biên chế của đơn vị phù hợp trong giai đoạn tới; đang tham mưu để Trung ương Hội phê duyệt phương án tự chủ tài chính làm cơ sở cho Trung tâm chủ động và năng động hơn trong hoạt động; Đề xuất và được Thường trực Trung ương Hội giao tổ chức để Trung ương Hội tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiêu biểu từng năm giai đoạn 2013-2018; tham mưu để Trung ương Hội Nông dân ký chương trình phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phối hợp với Bưu điện các tỉnh, thành phố tạo trên 5 triệu tài khoản của  nông dân trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Lễ Ký kết Chương trình phối hợp với Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông giai đoạn 2022-2027.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã đề xuất với Trung ương Hội hàng năm tổ chức các Festival; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các lớp tập huấn, tổ chức các hội chợ quảng bá, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Nổi bật là tham mưu để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức thành công Festival Trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam gắn với Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 với quy mô hơn 400 gian hàng trực tiếp và 65 gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Postmart của 63 tỉnh, thành phố.
Trung tâm đã kết nối thông tin để đề xuất với Thường trực Trung ương Hội chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi có hiện tượng ùn ứ, nguy cơ không tiêu thụ được. Trung tâm Hỗ trợ Nông dân Trung ương Hội chủ động phối hợp với Hội Nông dân và Trung tâm Hỗ trợ Nông dân các tỉnh, thành phố kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các tỉnh, thành phố khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Nổi bật là các hoạt động trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố không chỉ hỗ trợ tiêu thụ cho các tỉnh, thành khác mà còn hỗ trợ tiêu thụ giữa các quận, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Kết quả riêng năm 2021 đã hỗ trợ tiêu thụ được trên 200.000 tấn nông sản các loại. Tại Cơ quan Trung ương Hội, Trung tâm đã đề xuất và được Thường trực Trung ương Hội giao cho Trung tâm đầu tư và quản lý Điểm trưng bày - kết nối - hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Trung tâm đã chủ động phối hợp với Công đoàn, Đoàn thanh niên Cơ quan Trung ương Hội tổ chức một số hoạt động hỗ trợ tiêu thụ một số nông sản cho nông dân như: Hành tím Sóc Trăng; vải Bắc Giang, Hưng Yên; bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh...
Việc trực tiếp thực hiện dự án hoặc phối hợp với các bên như một “cầu nối” kết nối các nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh đã được Trung tâm thực hiện như thế nào?
Trung tâm đã phối hợp với Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông và Hội Nông dân các tỉnh Thanh Hóa, Tuyên Quang, Bắc Giang cung ứng nguồn phân bón đảm bảo chất lượng cho hội viên dưới hình thức trả chậm 6 tháng. Từ năm 2017 đến nay Trung tâm đã phối hợp với Công ty và Hội Nông dân các tỉnh Thanh Hóa, Tuyên Quang, Bắc Giang đã cung ứng được trên 88.000 tấn, giá trị đạt trên 610 tỷ đồng. Công ty Tiến Nông đã hỗ trợ cho Hội Nông dân các tỉnh, thành Hội hàng trăm tấn phân bón để xây dựng mô hình trình diễn sử dụng phân bón cho cây trồng và phối hợp tuyên truyền về chất lượng và dịch vụ của Công ty; phối hợp với cán bộ Công ty Tiến Nông phụ trách địa bàn trực tiếp xuống chi, tổ Hội để tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ cho hàng trăm nghìn lượt hội viên, nông dân về kỹ thuật sử dụng phân bón Tiến Nông cho các loại cây trồng, giúp cho nông dân thay đổi nhận thức từ tập quán bón phân riêng rẽ đạm, lân, kali sang bón phân NPK đúng cách, đúng thời kỳ, đúng chủng loại và liều lượng các chất dinh dưỡng theo yêu cầu của cây trồng; phối hợp với Công ty Cổ phần Bóng đèn và phích nước Rạng Đông sử dụng công nghệ chiếu sáng trên cây thanh long và cây hoa cúc; Phối hợp với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam trao tặng 70 chiếc máy cày cho nông dân tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Trung tâm trực tiếp thực hiện Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ nuôi cá chiên bằng lồng trên sông” tại 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, tạo ra hiệu quả ban đầu cho các hộ thực hiện; tổ chức thực hiện các lớp tập huấn, mô hình sản xuất, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Hội ND tỉnh Bắc Giang phối hợp với công ty TNHH MTV Máy kéo và máy nông nghệp tổ chức trình diễn máy cấy tại thôn Kiểu, xã Bích Sơn, Việt Yên.

Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức được 33 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 990 học viên là cán bộ UBND, Hội Nông dân xã, cán bộ quản lý hợp tác xã, hội viên nông dân về các chuyên đề: Tổ chức và liên kết sản xuất; kiến thức thị trường, kỹ năng bán hàng và phát triển thương hiệu sản phẩm; khuyến nông; nông thôn mới; kỹ thuật trong sản xuất một số cây trồng, vật nuôi; tưới tiết kiệm nước.
Xin ông cho biết những khó khăn, hạn chế trong quá trình hoạt động của Trung tâm?
Cùng với những kết quả đạt được, hoạt động của nhiều Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất, định hướng chung hoạt động của các Trung tâm. Một số hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, hội nghị, hội thảo, tập huấn, xây dựng mô hình, chuyển giao khoa học công nghệ chưa giao cho các Trung tâm thực hiện để khai thác cơ sở vật chất được đầu tư. Hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân ở một số nơi còn yếu, hiệu quả thấp. Hoạt động đào tạo nghề và giới thiệu việc làm gặp nhiều khó khăn. Sự phối hợp giữa các Trung tâm với nhau, giữa các Trung tâm với các đối tác, nhất là các doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Nhiều Trung tâm được quan tâm đầu tư, xây dựng, nâng cấp nhưng tiến độ chậm; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu đồng bộ và đang xuống cấp. Việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở vật chất được giao của nhiều Trung tâm hiệu quả chưa cao.
Để thực hiện có hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ cho nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, trong thời gian tới, Trung tâm đã có những giải pháp nào, thưa ông?
Để khắc phục những hạn chế trong thời gian qua và thực hiện hiệu quả hơn hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ cho nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp trong trong thời gian tới, Trung tâm xác định một số giải pháp chủ yếu sau:
Về việc đề xuất và phối hợp với các ban của Trung ương Hội tham mưu với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Trung ương Hội: Chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để các cấp ủy, các ban, ngành hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và hoạt động của hệ thống các Trung tâm. Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Hội về hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân để mỗi cán bộ Hội phải hiểu và thực hiện tốt cả nhiệm vụ chính trị và xã hội.

Ký biên bản ghi nhớ với Cục phát triển HTX  (Bộ Kế hoạch đầu tư).

Trung tâm đề xuất để Ban Chấp hành Trung ương Hội tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ và thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đặc biệt là cung ứng cho hội viên các sản phẩm, dịch vụ đầu vào trong sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ tiêu thụ nông sản; tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên đề cho đội ngũ cán bộ làm công tác dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, nhất là cán bộ đang làm việc tại các Trung tâm Hỗ trợ nông dân; phối hợp với một số doanh nghiệp lớn, đủ mạnh để cung ứng sản phẩm, dịch vụ đầu vào đảm bảo chất lượng, giá thành thấp hơn thị trường thông qua hệ thống các Trung tâm Hỗ trợ nông dân và đội ngũ cán bộ Hội làm công tác dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ; Tập trung các nguồn lực, dự án để giao cho các Trung tâm thực hiện các mô hình kinh tế nông nghiệp qua đó chuyển giao khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh hoạt động cung ứng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
Về phía Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn: Xây dựng và trình Trung ương Hội phê duyệt Đề án quản lý và sử dụng tài sản công làm cơ sở để tự đảm bảo một phần chi thường xuyên trong tự chủ tài chính; Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ; Tiếp tục tìm kiếm đối tác mở thêm một số dịch vụ để khai thác hiệu quả cơ sở vật chất được giao, từng bước nâng cao mức tự đảm bảo chi thường xuyên tiến tới tự đảm bảo 100% chi thường xuyên của đơn vị; Nắm chắc tình hình hoạt động của các Trung tâm Hỗ trợ Nông dân các tỉnh, thành phố để kịp thời đề xuất với Trung ương Hội chỉ đạo và định hướng tổ chức các hoạt động đồng thời làm tốt hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Trân trọng cảm ơn ông!

Hải Quỳnh (thực hiện)
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác