Nhiều tranh luận về nguồn gốc kiến trúc bí ẩn dưới đáy biển Quy Nhơn
Điểm nhấn thu hút khách du lịch
Đoạn “tường thành” đầu tiên nối liền vách đá thôn Hải Nam (xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn) ra đến đảo Hòn Khô của thôn Hải Đông. Bề mặt tường thành phẳng, rộng hơn 10m nhưng độ cao chưa xác định được. Một ngư dân thôn Hải Nam cho biết, không rõ các tường thành ở đây có từ bao giờ, khi ông còn nhỏ (khoảng hơn 40 năm trước) đã nhìn thấy khi thủy triều xuống. Mỗi tháng, chỉ có một vài ngày nước cạn, tường thành mới lộ rõ, thường là vào mùng 1 và ngày rằm (âm lịch).
Đoạn “tường thành” đầu tiên nối liền vách đá thôn Hải Nam với hòn Khô thôn Hải Đông
Đoạn tường thành thứ hai cách đó khoảng 5km thuộc địa bàn thôn Hải Giang. Cũng như khối kiến trúc phía thôn Hải Nam, đoạn “bờ thành” này cũng chìm dưới mặt nước biển. Khi thủy triều xuống, du khách sẽ nhìn thấy đoạn thành dài hơn 3 km. Người dân địa phương gọi khối kiến trúc này là Rạng Cầu. Hai đoạn bờ thành này có kết cấu giống nhau, nên nhiều người cho rằng đó là một tường thành kéo dài. Tuy nhiên, không ai tính chính xác tường thành này dài đến đâu và được xây dựng từ thời nào.
Khi thủy triều xuống, du khách sẽ nhìn thấy đoạn thành nổi lên trên mặt biển
Đến nay, có rất nhiều đơn vị đã đến khảo sát và tìm hiểu về tường thành, nhưng vẫn chưa có kết luận về nguồn gốc. Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định thì đơn vị đã lấy nhiều mẫu ở tường thành này để nghiên cứu, hiện vẫn chưa có kết quả. Cho tới nay vẫn không có bất kỳ tài liệu nào nói về nguồn gốc của tường thành này. Để có thể chắc chắn về nguồn gốc phải gửi mẫu ra nước ngoài giám định, nhưng kinh phí rất lớn nên chưa thực hiện được.
Nhiều ngư dân ở địa phương khẳng định tường thành này không xây bằng đá hoặc gạch, mà bằng hồ vữa đặc nguyên khối. Tuy nhiên, ở góc độ khoa học, cần những bằng chứng được các cơ quan, tổ chức uy tín giám định. Nhưng có nhiều luồng ý kiến nghiêng giả thiết cho rằng, đây là một kiến trúc tự nhiên. Bởi lẽ, nếu nó là công trình nhân tạo thì phải phục vụ cho một mục đích cụ thể và xung quanh nó, phải có các công trình kiến trúc khác. Hơn nữa, vị trí các kiến trúc giống như tường thành này nằm ở một vị trí không hợp lý cho sự tồn tại của một công trình phòng thủ đích thực.
Vịnh biển tuyệt đẹp của xã Nhơn Hải luôn là điểm đến du lịch, khám phá của du khách trong và ngoài nước
Tuy nhiên, dù đó là "do con người tạo ra" hay tự nhiên hình thành thì nó cũng đã và đang thu hút một lượng du khách đông đảo đến với kỳ quan hùng vĩ này, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
Một trường hợp tương tự ở Nhật Bản
Những tranh luận về các kiến trúc giống như nhân tạo không phải là hiếm trên thế giới. Gần đây nhất là năm 1985, thợ lặn Kihachiro Aratake khi đang chụp ảnh cá mập ở ngoài khơi đảo Yonaguni, Nhật Bản thì phát hiện một kiến trúc khổng lồ. mà về sau người Nhật gọi đó là Đài tưởng niệm Yonaguni. Kiến trúc này bao gồm một loạt các khối sa thạch khổng lồ tạo thành hình dạng giống như kim tự tháp. Nó dài khoảng 50m, rộng 20m, cao tới 45m và nằm ở độ sâu khoảng 26m. Một số khối cự thạch có cạnh thẳng, góc vuông và bề mặt phẳng, trong khi những khối khác có hình dạng cong và rãnh giống như được con người chạm khắc.
Kiến trúc khổng lồ nghi là nhân tạo ngoài khơi đảo Yonaguni, Nhật Bản
40 năm đã trôi qua nhưng cuộc tranh luận “Đài tưởng niệm Yonaguni” là tự nhiên hay nhân tạo vẫn chưa có hồi kết. Những người ủng hộ lý thuyết "do con người tạo ra" chỉ ra các đặc điểm hình học, sự hiện diện của "bậc thang" và "đoạn dốc", các hình chạm khắc và sự liên kết của tượng đài với các hướng chính và điểm chí là bằng chứng của thiết kế thông minh. Còn những người ủng hộ lý thuyết nguồi gốc tự nhiên thì cho rằng đây là sự hình thành tự nhiên được hình thành bởi sự xói mòn và chuyển động kiến tạo trong hàng triệu năm. Họ chỉ ra đặc điểm địa chất độc đáo của khu vực, nơi các mảng kiến tạo va chạm nhau và các dòng chảy mạnh dưới nước tạo nên những hình dạng kỳ lạ vào nền đá sa thạch. Họ cho rằng các hình dạng hình học thông thường chỉ đơn giản là kết quả ngẫu nhiên của các vết nứt tự nhiên và mô hình xói mòn dọc theo các khớp nối và đứt gãy tự nhiên.
Chính phủ Nhật Bản trên thực tế vẫn không công nhận nó là một hiện vật văn hóa và chưa tiến hành bất kỳ công việc nghiên cứu hay bảo tồn chính thức nào về nó.