Những ai nên làm xét nghiệm lao
Bệnh lao là gì?
Bệnh lao là một bệnh thuộc bệnh lý bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh thường ảnh hưởng chủ yếu đến phổi, đôi khi lây lan sang các cơ quan khác và mức độ thường nặng nề.
Vi khuẩn gây bệnh lao lây lan từ người này sang người khác qua những giọt nhỏ li ti thoát ra không khí qua ho và hắt hơi. Khi một người bình thường mắc phải, trên cơ địa suy yếu sức đề kháng, vi trùng sẽ tăng sinh và gây bệnh. Sự tổn thương các cơ quan do lao là không phục hồi. Tại phổi, dù việc điều trị kiểm soát và tiêu diệt được vi trùng, nhu mô phổi và màng phổi vẫn có thể bị di chứng kéo dài, khiến người bệnh gặp khó thở, thở mệt, ho khạc đàm.
Ở các đất nước không là vùng dịch tễ, các đối tượng di dân luôn phải tầm soát lao. Ngược lại, ở nơi dịch tễ, bất kỳ một tổn thương phổi bất kỳ hay có các triệu chứng hô hấp, chẩn đoán lao phổi cần được xác định hay loại trừ.
Khi đã được chẩn đoán lao, việc điều trị cần tuân thủ đúng theo phác đồ và kiểm tra định kì. Khi thực hiện được như vậy, khả năng kiểm soát lao sẽ thành công cũng như giảm thiểu nguy cơ lây lan cho người trong gia đình cũng như cộng đồng.
Các xét nghiệm lao được thực hiện như thế nào?
Có rất nhiều xét nghiệm lao được sử dụng để chẩn đoán bệnh lao, tùy thuộc đối tượng đang được nhân định mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh. Chính vì thế, việc lựa chọn thực hiện xét nghiệm nào là tùy thuộc vào quyết định và thăm khám của bác sĩ.
Xét nghiệm chẩn đoán lao phổi
Bác sĩ sẽ nghi ngờ vi trùng lao gây bệnh lao tại phổi – cơ quan thường gặp nhất – là khi người bệnh đi khám vì các triệu chứng hô hấp kéo dài.
Việc chẩn đoán lao phổi đầu tiên là dựa vào phim chụp X-quang ngực để tìm kiếm những tổn thương trong nhu mô phổi có gợi ý do vi trùng lao gây ra.
Bên cạnh đó, các mẫu đờm thu thập cùng lúc hay qua nhiều ngày cũng sẽ được sử dụng để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn lao.
Những xét nghiệm này rất quan trọng trong việc giúp xác định chẩn đoán, quyết định phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh cũng như lập kế hoạch phòng chống lây nhiễm cho gia đình người bệnh và cộng đồng.
Xét nghiệm chẩn đoán lao ngoài phổi
Một số xét nghiệm có thể được sử dụng để xác nhận khi có nghi ngờ lao ngoài phổi, như lao màng phổi, lao màng tim, lao màng não, lao xương khớp và các tạng trong ổ bụng, cơ quan sinh sản.
Những xét nghiệm này bao gồm:
· Chụp hình cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hoặc siêu âm phần cơ thể bị ảnh hưởng
· Nội soi kiểm tra các khoang bên trong cơ thể bằng một ống dài, mỏng với nguồn ánh sáng và máy thu hình gắn ở đầu ống. Ống nội soi có thể được đưa vào qua một lỗ mở tự nhiên như miệng hay hậu môn hoặc qua một vết cắt nhỏ trên thành bụng.
· Xét nghiệm nước tiểu
· Xét nghiệm máu
· Chọc dịch não tủy
· Sinh thiết để lấy một mẫu mô nhỏ hoặc bệnh phẩm lấy từ cơ quan bị ảnh hưởng và xét nghiệm tìm vi khuẩn lao
Xét nghiệm chẩn đoán lao tiềm ẩn
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần phải làm xét nghiệm để kiểm tra bệnh lao tiềm ẩn – khi đã bị nhiễm vi khuẩn lao nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào.
Xét nghiệm chẩn đoán lao tiềm ẩn bằng cách thực hiện xét nghiệm Mantoux hay cũng được gọi là xét nghiệm da tuberculin. Người bệnh sẽ được tiêm một lượng nhỏ PPD tuberculin vào vùng da mặt trong cánh tay. Nếu một người bị nhiễm trùng lao tiềm ẩn, làn da sẽ nhạy cảm với PPD tuberculin và vết tiêm sẽ trở nên sưng nhỏ, phù nề trong vòng 48 đến 72 giờ sau khi thử nghiệm. Trong trường hợp người bệnh có phản ứng da rất mạnh, bác sĩ cần chụp X-quang ngực để xác nhận xem đã có bị bệnh lao hoạt động hay không.
Ngược lại, nếu làn da không cho thấy có phản ứng gì với xét nghiệm Mantoux thì người bệnh chưa từng nhiễm vi trùng lao. Tuy nhiên, trên những người đã từng tiêm vắc-xin BCG, vết tiêm cũng có thể có phản ứng da nhẹ với xét nghiệm Mantoux. Mặc dù vậy, điều này không nhất thiết là đã bị bệnh lao tiềm ẩn.
Bên cạnh đó, chẩn đoán lao tiềm ẩn bằng xét nghiệm gamma Interferon trong máu đang dần thay thế cho xét nghiệm Mantoux và trở nên phổ biến rộng rãi hơn. Xét nghiệm này có thể được sử dụng để giúp củng cố thêm chẩn đoán bệnh lao tiềm ẩn khi:
· Đã có xét nghiệm Mantoux dương tính
· Đã từng tiêm vắc-xin BCG và xét nghiệm Mantoux có thể không đáng tin cậy trong những trường hợp này
· Là một phần trong sàng lọc lao tiềm ẩn của người di cư từ vùng dịch tễ đến vùng không dịch tễ của lao
· Là một phần của kiểm tra sức khỏe ban đầu
· Khi có chỉ định điều trị với thuốc ức chế hệ thống miễn dịch vì những bệnh lý khác
· Là nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe định kỳ
Những ai nên làm xét nghiệm lao?
Nhằm ngăn chặn bệnh lý nhiễm trùng này lây lan trong cộng đồng cũng như mức độ tổn thương của nó, có một số đối tượng nhất định nên được chủ động xét nghiệm nhiễm lao vì có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn lao cao hơn dân số chung, bao gồm:
· Những người đã chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh lao
· Những người đến từ các quốc gia là dịch tễ của bệnh lao như Mỹ Latinh, Caribbean, Châu Phi, Châu Á, Đông Âu và Nga.
· Những người sống hoặc làm việc trong môi trường rủi ro cao như cơ sở cải huấn, cơ sở chăm sóc dài hạn, viện dưỡng lão hay nhà tạm trú vô gia cư...
· Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh lao
· Trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên tiếp xúc với người lớn có nguy cơ nhiễm bệnh lao tiềm ẩn hoặc bệnh lao thực sự.
Hầu hết người bị nhiễm lao tiềm ẩn có tỷ lệ rất thấp phát triển bệnh lao. Tuy nhiên, có một số người bị nhiễm lao tiềm ẩn lại có khả năng mắc bệnh lao hơn những người khác, bao gồm:
· Người nhiễm HIV
· Những người bị nhiễm vi khuẩn lao trong 2 năm qua
· Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
· Những người tiêm chích ma túy
· Những người bị suy yếu hệ thống miễn dịch
· Người cao tuổi
· Những người không được điều trị đầy đủ bệnh lao từng mắc trước đây
Tóm lại, với những xét nghiệm lao hiện đang được thực hiện, khả năng kiểm soát dịch tễ lao trong cộng đồng ngày càng được nâng cao. Đồng thời, mọi người cần hiểu biết về việc ai nên làm xét nghiệm lao để chủ động đi tầm soát cho chính mình và người thân, trước khi vi trùng lao gây tổn thương các cơ quan và để lại di chứng không hồi phục.
Theo Bác sỹ Võ Trang (BV Tràng An)