An ninh nông thôn

Những chiếc bẫy “đổi đời” ở bên kia biên giới

15:29 02/07/2022 GMT+7
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có nhiều trường hợp là công dân Việt Nam, thông qua mạng xã hội bị các đối tượng dụ dỗ xuất cảnh trái phép qua Campuchia để lao động.

Sự thật là đa số những người này khi qua đến Campuchia đều bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động, buộc phải làm việc 11 giờ/ngày, bị ngược đãi, đánh đập thậm chí bị chủ công ty mua bán sang công ty khác,... đến khi phát hiện thì chỉ còn trông chờ gia đình gửi tiền sang chuộc thân về Việt Nam.

Công an Tây Ninh làm việc với gia đình các nạn nhân (ảnh CTV)

Những cuộc điện thoại kêu cứu từ bên kia biên giới

Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình là công dân trên địa bàn tỉnh có người thân bị lừa sang Campuchia lao động, bị bóc lột, cưỡng bức. Những lao động này nếu muốn trở về Việt Nam thì phải đưa tiền chuộc cho các đối tượng.

Theo một số gia đình, con em của họ đã trốn gia đình, tự đăng kí làm thủ tục qua Campuchia làm việc cho Công ty Thiên Đường trò chơi. Gia đình chỉ có thể liên lạc qua điện thoại và biết là nơi con mình làm việc có chỗ ăn ở, còn chi tiết cuộc sống ra sao thì không rõ. Lo lắng, bất an là tâm trạng chung của các bậc phụ huynh khi tiếp nhận những cuộc điện thoại kêu cứu của con từ bên kia biên giới.

Chị Hồng, ngụ huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, thấy mẹ vất vả, con gái lớn của chị năm nay chỉ mới 17 tuổi, lén tự mình làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia làm việc với mong muốn kiếm tiền phụ giúp mẹ. Thế nhưng, tiền lương của con đâu chưa thấy, chỉ thấy người mẹ giờ phải chạy đôn chạy đáo chuẩn bị tiền để chuộc con về.

“Mới đây nó thấy bạn nó bị đánh chích điện bán đi chỗ này, chỗ kia nên nó hoảng loạn, gọi điện về cầu cứu để về Việt Nam sớm. Tôi có một mình, ba nó mất sớm, tôi không quản nổi và cũng bận đi làm”, chị Hồng kể.

Được biết, thời gian gần đây tình trạng người dân xuất cảnh trái phép qua Campuchia diễn biến phức tạp do nhu cầu tìm người làm việc cho các casino ở Campuchia tăng. Thông qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, Wechat, Instagram... các đối tượng ở Campuchia đã đăng tải thông tin tuyển dụng với mức lương rất cao và mọi chi phí đi lại được người ở Campuchia chi trả trước.

Trong khi đó, hiện nay số lượng lớn thanh thiếu niên Việt Nam lại đang tìm việc làm, nên khi thấy những lời mời chào đó đã dễ dàng chấp thuận. Khi người tìm việc đồng ý thì các đối tượng này móc nối với các đối tượng ở Việt Nam để tổ chức thành đường dây sắp xếp, hướng dẫn đưa lao động xuất cảnh bằng đường tiểu ngạch trái phép sang Campuchia.

“Tiền lương làm ra thì nói là trừ tiền ăn tiền ở gì tùm lum hết, tháng đâu mười mấy triệu gì đó mà giam lại không cho nhận. Con tôi nó nói làm game làm gì mà bắt làm từ 10h sáng tới 10h đêm, nhiều khi nước không có uống nữa”, anh Tùng trú tại huyện Gò Dầu, có con đang lao động tại Campuchia lo lắng.

“Điện thoại cũng đòi về, nó kêu mẹ chuẩn bị tiền đi chuộc con về, vì có đứa bạn của nó vừa qua là bị bán đi liền, 31 hay 34 triệu trong vòng 2,3 ngày là về được thôi. Nó kêu chuẩn bị 30 đến 40 chục triệu vậy, chứ không biết là bao nhiêu”, chị Sen cùng ngụ huyện Gò Dầu, có con đang lao động tại Campuchia nói.

Công an Tây Ninh khuyến cáo người dân không nghe theo lời dụ dỗ (ảnh CTV)

Bên trong những chiếc bẫy “đổi đời”

Qua tìm hiểu, khi nạn nhân qua Campuchia, nếu chủ công ty thấy người lao động không đúng yêu cầu của họ thì họ sẽ bán nạn nhân cho những chủ công ty khác với giá cao hơn giá mua trước đó. Nếu nạn nhân muốn trở về Việt Nam thì liên hệ với gia đình để chuyển tiền sang chuộc. Các đối tượng thông báo số tiền 1.800 USD (tương đương 40 triệu đồng) để chuộc người về Việt Nam, còn không sẽ bán tiếp cho các công ty khác, lúc đó tiền chuộc sẽ tăng lên.

Hiện nay, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Tây Ninh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền đến người dân cảnh báo việc: thông qua mạng xã hội các đối tượng mời chào nhiều hình thức hấp dẫn về việc nhẹ, lương cao làm việc tại Campuchia, với thu nhập ổn định, hơn 20 triệu đồng/tháng; không tốn chi phí, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần biết đánh máy... Đây thật sự là những thông tin làm nhiều người đang tìm việc mong “đổi đời” rồi tìm đến những cái bẫy đã giăng sẵn.

Còn theo phòng An ninh đối ngoại Công an Tây Ninh, từ tháng 9/2021 đến nay, lực lượng chức năng của Campuchia cung cấp đã có 9 trường hợp tự tử, nhảy lầu, treo cổ, một số trường hợp mất tích không rõ nguyên nhân...

Liên quan tội phạm xuất nhập cảnh trái phép, từ ngày 1/1 đến 1/4/2022, Công an tỉnh Tây Ninh thụ lý 17 vụ với 38 bị can (có một số vụ từ năm 2021 chuyển sang), truy tố 9 vụ, 16 bị can; đang điều tra 7 vụ, 22 bị can. Từ đầu năm đến nay, có 59 công dân Việt Nam được Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia trao trả về và thời gian tới đây sẽ có thêm 14 trường hợp.

Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo, người dân không nghe theo lời lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Campuchia tìm việc làm. Đồng thời không tiếp tay cho các đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép. Khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu đưa người xuất cảnh trái phép, phải thông báo cho cơ quan công an gần nhất.

“Công an Tây Ninh khuyến cáo người dân không nghe lời dụ dỗ việc nhẹ lương cao nơi đất khách. Mong rằng bà con tìm đến những nơi được cơ quan chức năng nhà nước cấp phép tìm việc làm và được hỗ trợ, bảo vệ quyền công dân”, Thượng tá Trần Minh Kiệt, Phó trưởng Phòng An ninh đối ngoại Công an Tây Ninh cho biết.

Rõ ràng, nhu cầu tìm việc làm là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, người dân cũng cần tỉnh táo để không rơi vào những chiếc bẫy, trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Điều này cũng sẽ góp phần ổn định trật tự xã hội tại địa phương./.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác