Những cô giáo cắm bản yêu thương học trò như con
Khuất sau những cánh rừng, điểm trường Hồng Tân (thuộc trường mầm non xã Vân An) là ngôi nhà thứ hai của hơn chục em nhỏ người DTTS. Mỗi sáng sớm, các em cùng cha mẹ đi bộ vài tiếng đồng hồ, vượt qua những triền đồi đất dốc để đến trường. Những hôm nắng ráo còn đỡ, khi mưa gió thì chuyện trượt ngã lấm lem chẳng hiếm xảy ra.
Khó khăn là vậy, nhưng nơi điểm trường cách thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) hơn 50km ấy, có 2 cô giáo vẫn “bám bản, gieo chữ”. Nhà ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, cô giáo Đỗ Thị Hường tình nguyện xung phong lên điểm trường Hồng Tân chỉ với suy nghĩ giản dị: Mình cố gắng để các em nhỏ vùng sâu, vùng xa đỡ thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa nơi thị thành. Cô Hường cho biết: Nhiều khi mưa gió, cả tuần không về thăm nhà được do đi lại khó khăn.
“May mắn là gia đình luôn ủng hộ, tạo điều kiện tối đa để tôi có thể tới trường dạy học. Điểm trường này các con cũng rất khó khăn, thiếu thốn rất nhiều. Đầu năm học thì các con đều bỡ ngỡ, rụt rè, chưa quen với các cô lắm. Nhưng qua thời gian gắn bó, gần gũi, hiện giờ các con đều chăm ngoan, nghe lời và đi học có nề nếp hơn. Không chỉ riêng tôi mà bất kì một cô giáo nào, với tình yêu nghề, yêu thương các con, chúng tôi tin rằng dù có khó khăn như thế nào cũng sẽ vượt qua được”, cô Hường nói.
Mấy năm trước, điểm trường Hồng Tân không có bán trú, cha mẹ học sinh phải đưa đón con mỗi ngày 4 lượt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều học sinh phải nghỉ học, dù các em không muốn. May mắn là từ tháng 10 vừa qua, điểm trường đã tổ chức được chỗ ăn, chỗ nghỉ cho các em. Và các cô giáo lại "kiêm" thêm công việc đầu bếp, bảo mẫu.
“Năm nay là năm đầu tiên thực hiện vừa làm cô dạy, vừa làm cô nuôi, cũng khá vất vả vì ở đây chưa có bếp ăn, đường xá xôi... Tuy nhiên mọi người đều cố gắng khắc phục, hằng ngày vẫn dùng bếp điện, bếp ga cố gắng nấu cho các con ăn những bữa ăn đảm bảo nhất”, cô giáo Hoàng Thị Hà chia sẻ.
Xã Vân An là xã vùng 3 của huyện Chi Lăng, đại đa số bà con ở đây là người Nùng, điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn, hằng ngày bà con vẫn chủ yếu lên nương làm rẫy, không có nhiều thời gian để quan tâm tới con em của mình. Vì vậy, việc các em hằng ngày được đến trường học chữ, được chăm lo đầy đủ về dinh dưỡng, đời sống tinh thần... đã giúp các bậc phụ huynh thêm yên tâm, tin tưởng hơn. Gần gũi, thân quen trong đời sống, tận tình trong việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức, các cô giáo đã trở thành người mẹ thứ 2 của các em học sinh.
“Các cô giáo ở đây đều rất nhiệt tình, chăm sóc đầy đủ đối với các con. Gia đình em nhà cũng cách xa trường, đi lại vất vả. Giờ có chương trình bán trú, được sự quan tâm của các cô đã giúp đỡ rất nhiều với gia đình, sáng đưa các con đi và chiều thì đón về thôi, không phải đi lại nhiều như ngày trước. Các con cũng được ăn uống đầy đủ hơn, ngoan, nghe lời bố mẹ, thầy cô. Em rất cảm ơn các cô giáo”, chị Mã Thị Xướng, người dân tộc Nùng tại xã Vân An vui vẻ.
Cô giáo Lý Thị Toán, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non xã Vân An cho biết: Để chăm lo cho học sinh bán trú, các cô giáo "cắm bản" phải đi chợ từ sáng sớm tinh mơ rồi về tranh thủ chế biến thức ăn cho bữa trưa của trẻ rồi mới lên lớp... Hết giờ học buổi sáng, các cô lại tất bật sửa soạn cho trẻ ăn rồi khi các con đi ngủ, các cô lại dọn dẹp và chuẩn bị cho giờ lên lớp chiều.
“Với sự nhiệt huyết, yêu nghề của mình, những giáo viên cắm bản đã rất quyết tâm cùng thực hiện với nhà trường trong công tác dạy và học, giúp các em, giúp phụ huynh rất phấn khởi. Đối với các giáo viên dạy ở những điểm trường khó khăn, chúng tôi vẫn thường xuyên động viên về mặt tinh thần trong công việc, cuộc sống; tuyên dương những đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ để đội ngũ nhà trường cùng nhau học tập, thi đua theo những gương điển hình như vậy và động viên nhau cùng cố gắng”, cô Toán cho hay.
Trường mầm non xã Vân An có 238 cháu đang theo học với 31 giáo viên. Trong bối cảnh bài toán thiếu giáo viên ở nhiều địa phương hiện nay chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều thì những tấm gương tình nguyện xung phong cắm bản vùng cao như cô giáo Hường, cô giáo Hà cần được tôn vinh nhiều hơn và nhân rộng. Mặt khác, ngành chức năng và địa phương cũng cần có những sự động viên, hỗ trợ kịp thời và thiết thực giúp các thầy giáo, cô giáo "cắm bản" yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp trồng người nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới Tổ quốc.
Theo VOV
- Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3
- Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo mới gắn với lợi ích của nông dân
- Hào hứng chào đón năm học mới tại ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm