Những danh nhân nước Việt tuổi Dần
Tuổi Giáp Dần
* TRẦN THỦ ĐỘ (1194-1264): Đại danh thần thời Trần, quê Thái Bình. Sắc xảo, quyết đoán lại giỏi ứng biến, nhiều mưu lược, phò giúp triều Lý chống dẹp các cuộc phản loạn và tạo dựng việc vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh ngày 10/01/1226, lập nên nhà Trần. Bằng tài năng chính trị và quân sự xuất chúng, ông xử lý sâu sắc, thấu đáo mọi quan hệ, vụ việc, tạo được uy phong lừng lẫy, năm 1234 thăng tới Thống quốc Thái sư (Tể tướng), trở thành trụ cột triều Trần và lãnh đạo nhân dân toàn thắng trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1258.
* LƯƠNG VĂN CAN (1854-1927): Chí sĩ cận đại, quê Hà Nội. Nho nhã, thông tuệ, tân tiến, năm 20 tuổi đỗ cử nhân, mở trường Đông Kinh nghĩa thục và khởi xướng phong trào Duy Tân yêu nước. Giặc khủng bố, lưu đày ông 7 năm sang Campuchia. Cuối năm 1921, ông trở về Hà Nội, tiếp tục hoạt động chính trị, xã hội và dạy học, viết sách. Ông để lại nhiều công trình giá trị về luân lý, lịch sử và ngôn ngữ.
* NGUYỄN CHÍ THANH (1914-1967): Đại tướng, quê Thừa Thiên-Huế. Gan dạ, kiên trung, nhiệt thành yêu nước, từ năm 17 tuổi đã đấu tranh chống chính quyền bảo hộ, rồi tham gia phong trào bình dân, tích cực hoạt động cách mạng. Đến năm 1937, là thành viên chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương và làm Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên năm 1945-1946. Trong kháng chiến chống Pháp, làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và năm 1950 được phong quân hàm Đại tướng khi mới 36 tuổi. Trong kháng chiến chống Mỹ, làm Bí thư Trung ương cục miền Nam một thời gian dài. Với nghị lực, tài năng và những chiến lược táo bạo, hiệu quả, ông lập nhiều chiến tích vẻ vang, góp phần quan trọng làm nên sự toàn thắng trong công cuộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Tuổi Bính Dần
* LƯU ĐÌNH CHẮT (1566-1627): Danh thần thời Lê Trung Hưng, quê Thanh Hóa. Năng động, nhiệt tình, mẫn cảm, đỗ Tiến sĩ năm 1607, từng làm Chánh sứ sang nhà Minh (Trung Quốc) rồi thăng tới Thượng thư (Bộ trưởng) Bộ Hộ và Tham tụng (tương đương Tể tướng). Nổi tiếng trọng pháp, nghiêm minh, ông dám dũng cảm can ngăn vua Lê chúa Trịnh làm những việc sai trái, lộng quyền.
* NGÔ THÌ NHẬM (1746-1803): Danh sĩ thời Lê Mạt và Tây Sơn, quê Hà Nội. Đa tài, nhanh nhạy, thạo việc chính trị, quân sự và ngoại giao, năm 1775 đỗ Tiến sĩ, làm quan thăng tới Hữu Thị lang Bộ Công. Đến thời Tây Sơn, được vua Quang Trung trọng dụng, trao nhiều việc lớn và phong tới Tả Thị lang Bộ lại. Ông còn là tác giả của nhiều công trình giá trị về chính sự, đối ngoại, lịch sử, văn thơ và tôn giáo.
* TRẦN CAO VÂN (1866-1916): Thủ lĩnh kháng Pháp, quê Quảng Nam. Năng động, khí phách, quyết tâm chống Pháp, năm 1886 vào tu tại chùa Cổ Lâm rồi ra mở trường dạy học nhằm chiêu tập chiến hữu và làm cố vấn cho cuộc khởi nghĩa Võ Trứ. Năm 1898, bị địch bắt giam đến năm 1907. Sau khi ra tù, tham gia và lãnh đạo phong trào Duy Tân nên lại bị đày ra Côn Đảo đến năm 1914. Năm 1915 cùng các đồng chí thành lập Hội Quang phục Việt Nam và tổ chức cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, ông bị bắt và hy sinh giữa năm 1916.
Tuổi Mậu Dần
* TRẦN CẢNH (1218-1277): Vị vua mở nghiệp nhà Trần, hiệu Thái Tông, quê Thái Bình. Nhân hậu, thông minh, bản lĩnh, được vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho khi mới 8 tuổi. Dưới triều đại ông, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa và tôn giáo đều phát triển cực thịnh. Ông cũng để lại một số tác phẩm giá trị về pháp chế, giáo dục và Phật học.
* ĐỖ THÚC TỊNH (1818-1862): Danh tướng thời Nguyễn, quê Quảng Nam. Mưu lược, dũng cảm, văn võ song toàn, năm 1848 đỗ Tiến sĩ, làm quan thăng đến Biện lý Bộ Binh. Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ, ông nhận chức Khâm sai Quân vụ, hiệu triệu và lãnh đạo quân dân đoàn kết chống giặc, trợ giúp đắc lực các cuộc khởi nghĩa. Ông được mến trọng, cảm phục bởi có công lớn trong khai hoang lập ấp tại các tỉnh miền Nam và những chiến tích trong chống Pháp.
* NGÔ VĂN CHIÊU (1878-1932): Giáo chủ, người sáng lập đạo Cao Đài, quê Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh). Sinh trưởng trong một gia đình nghèo nhưng rất thông minh, mẫn cảm, nhân ái, ông được cấp học bổng vào học trường Nguyễn Đình Chiểu tại Mỹ Tho. Năm 1899, tốt nghiệp bằng thành chung, thi đỗ ngạch thư ký và làm việc ở Sở Tân đáo Sài Gòn. Năm 1921, xin thôi việc nhà nước, dốc sức tạo lập và phát triển đạo Cao Đài. Đạo Cao Đài được chính thức hình thành từ năm 1926, ngoài lĩnh vực tâm linh, phổ độ, hướng thiện, còn tích cực tham gia các hoạt động chính trị và xã hội, trở thành một tôn giáo lớn (hiện có hơn 3 triệu tín đồ) trong cộng đồng tôn giáo Việt Nam.
Tuổi Canh Dần
* LÊ VĂN HƯU (1230-1322): Danh sĩ, sử gia thời Trần, quê Thanh Hóa. Nổi tiếng uyên thâm và giàu chí tiến thủ, đỗ bảng nhãn năm 17 tuổi, làm quan hình rồi thăng tới Thượng thư Bộ Binh. Đến đời Trần Thánh Tông, được sung chức Học sĩ Viện Hàn lâm kiêm Giám tu viện Quốc sử, đảm trách biên soạn bộ Đại Việt sử ký đồ sộ (gồm 30 quyển về lịch sử nước ta trước đó và được soạn xong vào năm 1272). Ông còn là người thầy uy tín, dạy học nhiều hoàng thân, tướng lĩnh nhà Trần.
* NGUYỄN NHƯỢC THỊ BÍCH (1830-1909): Nữ học sĩ thời Nguyễn, quê Ninh Thuận. Xinh đẹp, tài hoa, giỏi thơ văn, sành âm nhạc, năm 18 tuổi được tuyển vào cung, phong làm Tài nhân, Quý nhân rồi Bí thư, phục vụ Thái hậu. Từ năm 1868, là Tiệp dư, dạy các hoàng tử (trong đó có 3 người sau này trở thành vua: Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh) và năm 1892 được thăng tới Tam giai Lễ tần. Bà để lại tác phẩm Hạnh thục ca danh tiếng, gồm 1018 câu thơ lục bát ghi lại cảnh đương thời, có giá trị lớn về lịch sử và văn học.
* Nguyễn Ái Quốc (1890-1969): Lãnh tụ cách mạng, Chủ tịch nước, Danh nhân Văn hóa Thế giới, quê Nghệ An. Bản lĩnh, thông minh, nặng lòng ái quốc, theo học ở Huế, dạy học ở Phan Thiết rồi năm 1911 xuất dương, tìm đường cứu nước. Qua nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Á, làm nhiều nghề, tham gia các tổ chức tiến bộ ở Pháp, Nga, Trung Quốc và Quốc tế Cộng sản với mục đích giác ngộ, lãnh đạo cách mạng, đấu tranh cho độc lập, tự do của Việt Nam. Ngày 03/02/1930, thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1941, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Khu giải phóng Việt Bắc. Tháng 8/1945, chỉ đạo tổng khởi nghĩa toàn quốc. Ngày 02/9/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trở thành Chủ tịch nước đến khi qua đời năm 1969. Bằng tài năng lãnh đạo phi thường kết hợp với lối sống nhân văn, giản dị, gần gũi, Bác được toàn dân mến trọng, ngưỡng mộ và là người có công lớn nhất trong sự nghiệp giành độc lập, xây dựng và phát triển nước Việt Nam hiện đại. Không chỉ là lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, Chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên, Bác còn là nhà thơ, nhà báo, nhà tư tưởng lớn và năm 1987 được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa Thế giới.
Tuổi Nhâm Dần
* LÊ TÁN TƯƠNG (1482-1549): Văn thần thời Lê sơ, quê Thanh Hóa. Học rộng tài cao, mới 17 tuổi đã đỗ Tiến sĩ, làm quan thăng tới Thượng thư Bộ Công. Ông được sĩ phu đương thời trọng vọng bởi bản tính cương trực, khí tiết và lối sống thanh liêm, tao nhã.
* PHAN HUY CHÚ (1782-1840): Danh sĩ thời Nguyễn, quê Hà Tĩnh. Thông tuệ, hiếu học, giỏi ứng đối, làm Biên tu ở Viện Hàn lâm rồi thăng tới Tư vụ Bộ Công. Thời kỳ 1824-1833, nhiều lần được cử đi sứ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Là một học giả và nhà ngoại giao lớn, ông để lại những công trình giá trị về lịch sử, địa lý, văn hóa, đối ngoại, quân sự, luật lệ. Đặc biệt, bộ Lịch triều hiến chương loại chí gồm 49 quyển của ông soạn xong năm 1821 được coi như bộ bách khoa toàn thư đầu tiên ở Việt Nam.
* ĐINH CÔNG TRÁNG (1842-1887): Danh tướng kháng Pháp, quê Hà Nam. Khảng khái, dũng cảm mà nhẫn nại, mưu lược, năm 1884 chiêu tập nghĩa quân, xây dựng chiến khu Ba Đình (Thanh Hóa), kiên cường chống Pháp, lập nhiều chiến công vang dội khiến địch thất điên bát đảo. Bị đàn áp mạnh, thành lũy vỡ, ông rút vào Nghệ An và hy sinh ngày 05/10/1887.
Đông Hải (sưu tầm)
- Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương, chế độ và trợ cấp theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và Nghị định 73/2024/NĐ-CP
- Bài 3: Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
- Bài 2: Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi
- Bài 1: Hỗ trợ sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước