Ninh Thuận: Dùng gốm Chăm làm quà tặng đối với các đại biểu khi đến thăm, làm việc tại địa phương
Nghề thủ công đầu tiên của Việt Nam được Unesco vinh danh
Gốm Chăm hiện nay còn hiện diện chủ yếu ở hai làng là Ligok (Trì Đức, tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận). Trong số đó, Làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ xưa và có tuổi đời lâu nhất tại khu vực Đông Nam Á và vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Bàu Trúc theo tiếng Chăm cổ gọi là Paley Hamu Trok, có nghĩa là “làng trũng, nhô ra cuối triền sông”. Làng Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, nằm giữa quốc lộ 1A ở phía Đông, tuyến đường sắt Bắc – Nam ở phía Tây; phía Bắc là dòng Kênh Nam xanh trong, cung cấp nguồn nước dồi dào cho sinh hoạt và sản xuất của làng.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm tại Ninh Thuận được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp
Truyền thuyết người Chăm kể rằng, ông tổ nghề gốm Bàu Trúc là Po K’long Chank là một người bạn thân, đồng thời cũng là quan cận thần của vua Po K’long Giarai (1151-1205). Gần ngàn năm trước chính Po K’long Chank đã dạy người dân Bàu Trúc cách lấy đất, nặn rồi nung thành những vật gia dụng. Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa. Khác với công nghệ chế tác gốm của các làng gốm Việt Nam như Bát Tràng (Hà Nội); Chu Đậu (Hải Dương); Biên Hòa – Đồng Nai … sử dụng dùng bàn xoay để nặn sản phẩm, men để trang trí hay dùng công nghệ nung trong lò sử dụng điện, ga… thì người thợ gốm làng Bàu Trúc vẫn duy trì cách làm gốm mà cha ông gần ngàn năm nay đã làm. Những sản phẩm Bàu Trúc được tạo ra bằng kỹ thuật độc đáo, “làm bằng tay, xoay bằng mông”. Khi tạo tác sản phẩm, người thợ gốm đi giật lùi, tay “bắt” từng lọn đất. tay trong thì ép, tay ngoài xoa biến những khối đất vô tri, vô giác thành sản phẩm. Cách làm hoàn toàn thủ công này đã tạo nên những sản phẩm gốm độc đáo, không sản phẩm nào giống hệt sản phẩm nào và mang đậm nét văn hóa Chăm. Một trong những phương thức sản xuất tạo nên sự độc đáo của gốm Bàu Trúc đó là nung gốm. Các sản phẩm gốm Bàu Trúc vẫn sử dụng cách nung cách đây hàng ngàn năm, nung lộ thiên bằng củi, rơm, trấu…
Lò nung lộ thiên của người Chăm tạo ra những sản phẩm "độc bản", độc đáo như tổ tiên đã làm cách đây hàng ngàn năm
Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, nhưng gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, giữ được hồn tinh túy và giữ được vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm.
Theo kịp bước đi của thời đại, gốm Chăm bây giờ không chỉ sản xuất bình, lọ, vại, nồi… các đồ gia dụng xưa mà đã bổ sung thêm gốm mỹ nghệ. Sản phẩm gốm mỹ nghệ Bàu Trúc đa dạng về mẫu mã từ các loại bình hoa, bộ ấm chén uống trà, tháp Chăm, tượng mô phỏng các vị thần của tôn giáo Balamon như Brahma, Vinus, Shiva… hay tượng nữ thần Apsara độc đáo. Kích thước sản phẩm phù hợp với mọi nhu cầu của khách, thì từ nhỏ như ngón tay, tới các phù điêu lớn để trang trí trên các công trình kiến trúc ngoài trời. Mặc dù được chế tác thủ công, nhưng tất cả đều mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc. Hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc hay đắp nổi mang đậm nét văn hóa Chăm Pa, nhưng người thợ hầu như không cần bản vẽ, họ tự do phóng khoáng gửi tâm hồn mình vào trong từng nét khắc hoa văn… Gốm Chăm truyền thống có màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, xen lẫn những vệt nâu, đen xám, đấy là những màu đặc trưng kết tinh từ đất, nước qua lửa nung từ rơm, rạ ngoài trời. Bạn sẽ ngỡ ngàng phát hiện ra, hai chiếc bình cùng một người làm, cùng nung một mẻ nhưng màu sắc, hình dáng khác hẳn nhau. Tính “độc bản” do nghề thủ công đem lại là như vậy.
Khi chính quyền chung tay nâng tầm thương hiệu gốm Chăm
Nhận thức được tầm quan trọng của gốm Chăm trong bảo tồn các giá trị văn hóa, đồng thời cũng là một hướng làm kinh tế tốt cho địa phương. UBND tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều hoạt động thiết thực để giới thiệu gốm Chăm Bàu Trúc đến với tất cả người dân, tỉnh thành trên cả nước. Mới đây nhất, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Công văn số 1527/UBND-VXNV về việc sử dụng sản phẩm gốm Chăm làm quà tặng đối với các đại biểu khi đến thăm, làm việc tại địa phương.
Một số sản phẩm UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất làm quà tặng cho đại biểu, khách mời tham gia các sự kiện quan trọng của cơ quan, đơn vị, địa phương
Theo đó, UBND tỉnh đã đề xuất 6 sản phẩm cho các sở, ban, ngành, UBND các cấp lựa chọn đó là: Thần may mắn Ganesha; bình gốm đã được họa sĩ trang trí mỹ thuật; tượng Apsara; quần thể tháp Pô Klong Garai với 3 tháp: Tháp chính, tháp cổng, tháp lửa; tháp Pô Klong Garai; bình hai quai. Theo đó, UBND tỉnh khuyến khích các cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh; các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố quan tâm lựa chọn, sử dụng các mẫu sản phẩm gốm Chăm để làm quà tặng đại biểu, khách mời tham gia các sự kiện quan trọng của cơ quan, đơn vị, địa phương mình nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNSECO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu kế hoạch tổ chức cuộc thi các sản phẩm gốm Chăm. Qua đó, tiếp tục lựa chọn những sản phẩm đảm bảo các yếu tố đặc trưng văn hóa, nghệ thuật dân tộc Chăm, có điểm khác biệt với các sản phẩm ngoài thị trường, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm làm quà tặng của tỉnh.