Liên kết sáu nhà

Nông dân Bình Dương cần chính sách hỗ trợ, tháo gỡ để phát triển sản xuất

08:07 04/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Bình Dương không chỉ được biết đến là thủ phủ công nghiệp mà còn nổi bật với các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp thông minh. Tuy nhiên để phát triển nông nghiệp nông dân Bình Dương còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nông dân gặp khó đủ đường

Bình Dương hiện có hơn 142.000ha diện tích đất trồng trọt, trong đó hơn 7.000ha đang sản xuất ứng dụng công nghệ cao với các sản phẩm nổi tiếng như chuối U&I, dưa lưới Kim Long… Bình Dương cũng phát triển mạnh ngành chăn nuôi heo, gà với nhiều trang trại ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Cũng nhờ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên dù chỉ chiếm tỷ trọng 2,7% trong cơ cấu kinh tế nhưng nông nghiệp đóng góp trên 3% GDP của tỉnh.

Tuy vây, hiện nông dân Bình Dương vẫn gặp khó về vốn, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nông dân đang kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ.

nong dan binh duong can ho tro de khong quay lung voi san xuat hinh anh 1

Nông dân Bình Dương cần trợ lực để yên tâm sản xuất (Ảnh: ĐC)

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, nông dân xã Phú An, thị xã Bến Cát cho biết, khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn khó hơn. Hiện tại sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro, nông dân cần được hỗ trợ, đầu tư lâu dài.

“Hiện nay, có nhiều ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp của nông dân thiết thực nhưng việc tiếp cận vốn vay đang gặp khó khăn, khó tiếp cận do đó, UBND tỉnh cần có chính sách, giải pháp để giúp nông dân khởi nghiệp, sáng tạo thành công” - bà Nguyễn Thị Minh Tâm mong muốn.

Một vấn đề khác khiến nông dân lo lắng là đầu ra cho sản phẩm. Bởi thực tế, thời gian qua, không ít nông dân điêu đứng khi không có thương lái thu mua nông sản, dẫn đến ùn ứ. Gần đây nhất, nông dân phải "kêu cứu" khi hơn 1.400 tấn cam sành ở huyện Bắc Tân Uyên không có đầu ra vì thị trường phía Bắc “đóng băng”. Do vậy, nông dân Bình Dương rất cần sự hỗ trợ, liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

“Thực tế hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân còn gặp nhiều trở ngại, bấp bênh. Với tinh thần này, UBND tỉnh và các sở, ngành có định hướng, chính sách như thế nào để tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất, tạo điều kiện cho hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết cùng nông dân tạo đầu ra sản phẩm được ổn định, từ đó cho nông dân yên tâm sản xuất, phát bền vững” - ông Trịnh Minh Thành, nông dân xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên nói.

Một số nông dân đặt vấn đề cần có những giải pháp phát triển du lịch nông thôn để nông dân có cơ hội giới thiệu sản phẩm đến du khách. Nhiều nông dân lại lo lắng tương lai quỹ đất nông nghiệp biến mất nhường đất cho công nghiệp và nông dân sẽ làm gì để sống nếu không được học nghề, chuyển đổi mô hình sản xuất.

Sẽ tiếp tục trợ lực cho nông dân

Thời gian qua, Bình Dương cũng có những chính sách riêng để trợ lực cho nông dân sản xuất. Tới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp các ngành, lĩnh vực, trong đó có vốn cho nông nghiệp.

Đối với việc tìm đầu ra cho sản phẩm, Sở Công Thương thường xuyên tổ chức các hoạt động, phiên chợ Việt đưa sản phẩm nông dân đến với người tiêu dùng; giới thiệu sản phẩm nông nghiệp vào hệ thống siêu thị, nhà bán lẻ.

nong dan binh duong can ho tro de khong quay lung voi san xuat hinh anh 2

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu chính sách hỗ trợ nông dân (ảnh: TL)

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, để sản phẩm của nông dân Bình Dương được nhiều người biết đến, Sở cũng đã hỗ trợ đăng trên các sàn thương mại điện tử: “Đến nay, đã có 489 doanh nghiệp đưa hơn 2.815 sản phẩm đăng tải lên sàn thương mại điện tử của tỉnh. Sở cũng mở chuyên mục sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp thôn thôn tiêu biểu, in catalogue, sổ tay… giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu để giúp quảng bá, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà sản xuất tiêu thụ sản phẩm này”.

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Bình Dương cũng đang xây dựng các đề án phát triển du lịch làng nghề, du lịch miệt vườn để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết quy chế phối hợp với các trường đại học trong và ngoài tỉnh mở các lớp đào tạo ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, chuyển đồi sản xuất...

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chưa gắn kết chặt chẽ giữa chế biến với tiêu thụ, vốn cho đầu tư, vấn đề thị trường còn khó. Các sở, ngành phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nông dân nhiều hơn nữa để trợ lực, phát triển sản xuất.

“Các ngành trong lĩnh vực rà lại các chính sách có liên quan để tiếp tục đề xuất cho tỉnh. Còn những vấn đề ngoài thẩm quyền của tỉnh thì tham mưu cho tỉnh đề xuất Trung ương để làm sao tháo gỡ khó khăn, có những giải pháp tháo gỡ cụ thể hỗ trợ hội viên nông dân" - ông Võ Văn Minh nói.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác