Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Nông dân Cao Bằng mạnh dạn chuyển đổi nhiều loại cây trồng theo hướng nông nghiệp sạch

Anh Vũ - 10:05 29/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Trước những biến đổi bất thường của khí hậu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang được ngành chuyên môn và người nông dân quan tâm. Nhiều mô hình canh tác theo hình thức đầu tư nhà lưới, nhà màng có hệ thống tưới tiêu tự động từng bước giúp các hộ dân chủ động trong sản xuất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao phục vụ thị trường.

Nông dân rất hưởng ứng với mô hình nhà lưới, nhà màng

Chị Đàm Thị Thảo, xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng là một trong nông dân đầu tiên của huyện được hưởng dự án chương trình hỗ trợ nông dân triển khai mô hình sản phẩm nông nghiệp sạch. Chỉ sau 1 năm tham gia dự án trồng dưa trong nhà màng, chị trồng thành công, gối vụ hơn 4.000 cây dưa hấu, dưa lê, dưa lưới, dưa chuột. Hiện nay, gia đình đang thu hoạch vụ dưa thứ 3, sản lượng thu hoạch khoảng hơn 3 tấn dưa các loại. Trung bình mỗi vụ, gia đình chị thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Chị Đàm Thị Thảo, xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà (Hà Quảng) trồng dưa theo mô hình nhà lưới, nhà màng cho thu hoạch trung bình 100 triệu đồng mỗi vụ

 Chị Thảo cho hay, khi được chọn tham gia dự án tại xã, chị đã bàn với gia đình đầu tư 100 triệu đồng cải tạo lại khu đất rộng hơn 1.000m2 được gia đình chị dùng để trồng lúa và ngô để xây dựng nhà màng trồng các loại dưa theo phương pháp sạch.

Vụ đầu tiên, gia đình chị trồng thử nghiệm 2.000 cây dưa hấu, dưa lê, dưa lưới và trồng gối vụ thứ hai 2.000 cây dưa chuột. Sau 2 vụ, các loại cây phát triển rất tốt, cây ra hoa đều và trái to, tỷ lệ đậu quả đạt trên 95%, sản lượng thu về khoảng 2 tấn quả. Chị Thảo chia sẻ: “So với trồng ngô, trồng lúa trước đây, hiệu quả kinh tế từ trồng các loại dưa sạch trong nhà màng đem lại cao hơn rất nhiều. Dự kiến sau 3 vụ thì gia đình chúng tôi sẽ thu hồi lại vốn. Cho đến thời điểm hiện tại, đầu ra cũng ổn định nên gia đình cũng mong muốn phát triển thêm mô hình để đem lại thu nhập cao hơn".

Bên cạnh việc trồng cây trong nhà lưới thì gia đình chị Thảo cũng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt công nghệ cao giúp cây trồng tránh tác động của thiên tai và ngăn côn trùng xâm nhập. Hệ thống tưới nhỏ giọt cũng chủ động được lượng nước tưới, phân tưới.

Từ thu nhập của mô hình trồng dưa trong nhà màng, gia đình chị Thảo đã mua sắm được các thiết bị hiện đại, đồ dùng, phương tiện đi lại phục vụ đời sống, sinh hoạt.

Từ những kết quả tích cực mà mô hình điểm của gia đình chị Thảo  đạt được, nhiều hộ dân tại xã Trường Hà và các xã khác trong huyện đến học hỏi, mạnh dạn đầu tư, với sự hỗ trợ của chính quyền để chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng hiện đại, bắt kịp với xu hướng và nhu cầu của thị trường hiện nay.

Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm

Hiện nay, huyện Hà Quảng đã mở rộng được 5 mô hình phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao tại xã Trường Hà, Ngọc Đào và Ngọc Động. Ngoài những chủ trương, chính sách đồng hành, hỗ trợ về nguồn vốn, huyện cũng đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật về quy trình chăm sóc và sử dụng công nghệ tưới.

Theo nhận định của ngành chuyên môn, nhà lưới, nhà màng có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Cây được trồng trong nhà lưới, nhà màng có môi trường sinh trưởng và phát triển ổn định; cho sản lượng, chất lượng cao; giảm thiểu những rủi ro tác động từ các điều kiện thời tiết, môi trường hay dịch bệnh.
Trồng cây trong nhà lưới, nhà màng giúp người sản xuất theo dõi được lượng phân bón sử dụng; kiểm soát lượng nước tưới phù hợp; giảm thiểu việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật khi canh tác trái vụ; hạn chế thấp nhất tình trạng cỏ dại mọc; đất luôn tơi xốp không bị mất công sức cải tạo sau mỗi vụ gieo trồng. Ngoài ra, nhà lưới, nhà màng rất thích hợp trồng cây ăn quả ngắn ngày, người sản xuất chủ động được thời gian xuống giống, theo dõi, giám sát quá trình sinh trưởng và phát triển của cây; áp dụng tốt khoa học kỹ thuật để cây ra hoa, quả đồng đều, màu sắc đẹp, chất lượng đảm bảo, thời gian thu hái tập trung, thuận tiện cho việc bảo quản sản phẩm. 

Ông Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng cho biết: Trước đây, huyện hỗ trợ bà con về sản xuất nhưng lại ít chú trọng đến yếu tố thị trường, yếu tố tiêu thụ sản phẩm. Giờ huyện có đưa ra chủ trương là sẽ sử dụng các mạng xã hội, các kênh truyền thông chính thức và phi chính thức để quảng bá, hỗ trợ cho người dân tiêu thụ được sản phẩm; người tiêu dùng sẽ có thêm thông tin về sản phẩm nông nghiệp sạch của huyện Hà Quảng. Nhờ có thêm thông tin sản phẩm, người dân sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường nhiều hơn. Đấy cũng là một cách huyện Hà Quảng đang nỗ lực giúp đỡ người dân.

Đồng thời, thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030, thời gian tới, UBND huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát quy hoạch, cơ cấu các loại cây trồng chủ lực, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường; Tiếp tục xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện hằng năm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; chú trọng vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật. Thời gian tới, huyện có các chính sách liên kết phát triển, hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; có lộ trình xây dựng các sản phẩm nông nghiệp thông minh đạt tiêu chuẩn OCOP. Từng bước tăng quy mô sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ, hạ tầng kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác