Nông dân Gia Lai lao đao vì dưa hấu rớt giá
Bước vào thời gian cao điểm của vụ thu hoạch năm 2021, giá dưa hấu đột ngột giảm sâu xuống còn dưới 3.000 đồng/1kg. Điều này khiến nhiều nông dân trồng dưa hấu ở Gia Lai bị lỗ công, lỗ vốn đầu tư.
15 năm thuê đất trồng dưa hấu ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai, ông Bùi Hữu Phước (46 tuổi, ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cho biết, hiếm khi nào giá dưa hấu thấp như vụ này. Năm nay, giá phân bón và vật tư nông nghiệp tăng cao, để đầu tư 2ha dưa hấu, ông bỏ vốn 100 triệu, vay thêm ngân hàng 60 triệu đồng. Đầu vụ, giá dưa là 7.000 đồng/1kg, thì dưa của ông chưa thể thu hoạch. Giữa vụ, giá sụt giảm đột ngột xuống 3.000 đồng/1kg, cầm chắc lỗ vốn, ông Phước phân vân chưa hái.
Thế nhưng, giá chưa kịp lên, mưa trái vụ làm dưa trên ruộng bị nứt, ông đành chấp nhận bán tháo với giá 2.500 đồng/1kg: “Được 7.000 đồng/1kg là đầu vụ. Bây giờ Trung Quốc đóng cửa khẩu, không xuất khẩu được là tụt xuống 2.500 đồng/1kg. 1 sào mình lỗ 6 triệu. Lỗ nên không có tiền xoay sở vụ sau”.
Đồng cảnh với ông Phước, 3 tháng qua, vợ chồng chị Văn Thị Toán (39 tuổi) cũng gửi 2 con ở quê nhà Bình Định, lên xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai thuê đất, trồng dưa. Tới kỳ thu hoạch để trở về ăn Tết với gia đình, thế nhưng vợ chồng chị Toán lại rầu rĩ vì giá dưa hấu sụt giảm quá sâu: “Tôi chi ra 1ha là 160 triệu. Công lao động bữa nay cũng cao, nhà vườn thu 3.000 đồng/1kg là lỗ, hao 40 triệu/1ha. Lỗ công vợ chồng, con cái bỏ ở nhà, vợ chồng lên đây mà thu nhập không có”.
Hiện nay, ở tỉnh Gia Lai có trên 1000ha dưa hấu, tập trung tại các huyện Krông Pa, Phú Thiện, Ia Pa, Chư Prông… Vụ dưa hấu thường gói gọn trong 3 tháng cuối năm, nông dân phải dựng chòi ăn ở tại ruộng để chăm bón rất vất vả. Năm nay, giá dưa giảm sâu, khiến nỗi nhọc nhằn ấy đã không được đền đáp xứng đáng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh- Phó Chủ tịch ubnd xã Ia Mơr, huyện Chư Prông cho biết: “Giá như năm ngoái từ 6.000 đồng đến 7.000 đồng/ 1kg thì bà con mới có lời. Đến giờ giá khoảng 2.500 đến 3.000 đồng/1 kg thì bà con bỏ chi phí nhiều, thì 1ha bị lỗ mấy chục triệu. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho bà con, mong sẽ có chính sách hỗ trợ bà con phần nào”./.
Theo VOV
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân