Công tác Hội

Nông dân Hòa Bình bắt nhịp chuyển đổi số

07:34 05/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, nông dân tỉnh Hòa Bình đã tích cực tham gia phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Các cấp Hội Nông dân (ND) trong tỉnh phối hợp, triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ ND tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), áp dụng vào thực tiễn; đặc biệt là tuyên truyền, tập huấn cho hội viên, ND kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Qua đó, tổ chức Hội thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo thu nhập cho ND.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Nông thôn tỉnh Hòa Bình đang khoác lên mình chiếc áo mới. Khắp mọi vùng quê của tỉnh đã có những cách làm hay, mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ giúp cho các hộ ND thoát đói, giảm nghèo mà còn đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Những thay đổi ấy thể hiện nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có những đóng góp rất tích cực của tổ chức Hội ND, nhất là việc hướng dẫn, hỗ trợ ND chuyển đổi số.

Huyện Lạc Thủy hỗ trợ 90 hộ sản xuất nông nghiệp liên kết đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart.vn.
Thời gian qua, xác định vai trò của KHKT trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các cấp Hội ND trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên ND tích cực học tập, ứng dụng KHKT, chuyển đổi mô hình kinh tế... Từ việc áp dụng KHKT đã hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tiêu thụ nông sản hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Đồng thời, nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao như: Trồng dưa lưới trong nhà màng; trồng thanh long leo giàn; chăn nuôi bò sữa ở huyện Lạc Thủy; trồng cam VietGAP; chế biến các sản phẩm từ cam ở huyện Cao Phong; trồng bưởi đỏ VietGAP ở huyện Tân Lạc...
Tại huyện Lạc Thủy, gia đình anh Phí Đình Thịnh, khu Đồng Tâm, thị trấn Ba Hàng Đồi - thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đã xây dựng lại mô hình trồng thanh long bằng phương pháp cho leo giàn trên trụ hình chữ T theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2020. Anh Thịnh cho biết: Đây là kỹ thuật trồng thanh long mới. Với mô hình này, mỗi gốc chỉ trồng cách nhau 0,4m, vừa tiết kiệm diện tích, sức lao động lại tăng năng suất, lợi nhuận cũng cao hơn so với cách trồng truyền thống. Hơn nữa, trồng thanh long theo phương pháp này thuận tiện cho việc ứng dụng công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Bởi vậy, gia đình chăm sóc thanh long dễ hơn.
Cũng như gia đình anh Thịnh, nhiều hộ trồng thanh long ở thị trấn Ba Hàng Đồi dần chuyển sang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trên giàn chữ T, góp phần giúp một số diện tích thanh long của huyện đã được cấp mã số vùng trồng, từng bước hướng tới xuất khẩu. 
Chuyển đổi số giúp nông sản vươn xa
Nhờ vào các sàn thương mại điện tử, người ND Hòa Bình đã có thể dễ dàng giới thiệu và quảng cáo sản phẩm nông nghiệp của mình trực tiếp tới người tiêu dùng. Qua các ứng dụng như zalo, facebook người dân có thể thông tin chi tiết về sản phẩm và dịch vụ, đồng thời giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng.
Hợp tác xã 3T Farm (huyện Cao Phong) hiện là mô hình tiêu biểu trong xây dựng thương hiệu và chuyển đổi số, mở đường cho xu hướng trồng cam theo hướng hữu cơ. HTX đã tạo việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Có được nguồn nông sản tốt, HTX 3T Farm còn nỗ lực đa dạng đầu ra cho sản phẩm. Một trong những kênh bán hàng hiệu quả được HTX 3T Farm sử dụng là facebook, zalo thành kênh quảng bá và bán hàng chính. Mỗi lần livestream, HTX có thể chốt bán vài tạ cam, chưa kể các bài đăng lẻ, đăng trong hội nhóm, các đơn hàng do các thành viên trong HTX livestream bán hàng trên trang cá nhân. Công nghệ đã giúp kết nối những mối hàng từ Bắc vào Nam, mang tới cho HTX hàng nghìn đơn hàng. Hiện tại, HTX cơ bản chủ động về đầu ra, 70 - 80% đơn hàng được chốt qua nền tảng công nghệ, thay vì chờ thương lái đến vườn thu mua như trước kia.

Việc phát triển nông nghiệp thông minh và sản xuất an toàn theo chuỗi giúp nông dân Hòa Bình nâng cao thu nhập. 
Thời gian qua, Hội ND trong tỉnh Hòa Bình đã phối hợp, triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ ND tiếp cận tiến bộ KHKT, áp dụng vào thực tiễn; đặc biệt là công tác tuyên truyền, tập huấn cho hội viên, ND kỹ năng bán hàng trên sàn TMĐT. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo thu nhập cho ND.
Hội ND các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho hội viên. Đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm, giới thiệu đơn vị cung cấp nền tảng số để các HTX và hội viên chủ động kết nối, lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp trong trồng trọt, chăn nuôi.
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội ND trong tỉnh đã hướng dẫn hàng nghìn hội viên, ND cách thức tạo tài khoản, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn TMĐT; trên 2.970 sản phẩm nông sản đã được đưa lên sàn Postmart.vn; 284 sản phẩm được bán trên sàn Voso.vn.
Để thúc đẩy chuyển đổi số ngành Nông nghiệp toàn diện hơn nữa, thời gian tới, Hội ND tỉnh Hòa Bình tiếp tục tập trung hỗ trợ ND các địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; cũng như hỗ trợ chia sẻ các thông tin về nông nghiệp qua các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm chính xác, minh bạch, an toàn… hướng tới nền nông nghiệp số toàn cầu. 

"Từ năm 2018 - 2023, các cấp Hội ND huyện đã phối hợp với Bưu điện huyện, Viettel Post tạo các tài khoản trên sàn TMĐT Postmart.vn cho hội viên, ND. Qua đó đã hỗ trợ được 90 hộ sản xuất nông nghiệp liên kết đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart.vn; hỗ trợ 19 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại khác. Hàng năm, Hội cũng hỗ trợ các đơn vị, HTX, hộ sản xuất trong liên kết tiêu thụ sản phẩm gà Lạc Thủy, trứng gà Ngọc Hân, cam Lạc Thủy, nấm sò trắng An Bình… tại siêu thị và các tỉnh, thành phố”.
 Ông Hoàng Quốc Đạt, Chủ tịch Hội ND huyện Lạc Thủy.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác