Nông nghiệp

Nông dân Sín Chải giàu lên nhờ trồng chè Shan Tuyết

07:14 05/10/2021 GMT+7

Giữa chốn thâm sơn cùng cốc, quanh năm bao phủ bởi mây mù và hơi lạnh núi đá thuộc thôn Hấu Chua (xã Sín Chải, Tủa Chùa – Điện Biên), gia đình lão nông Hạng A Chư người dân tộc Mông mỗi năm thu đều đặn gần 300 triệu đồng bởi đang sở hữu hơn 500 gốc chè Shan Tuyết cổ thụ.

Những cô gái dân tộc Mông tại bản Hấu Chua (xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, Điện Biên) hái chè Shan Tuyết trên những cây cao cả chục mét.

Đánh thức hương vị chè cổ thụ hàng trăm năm

Xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa là nơi có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, thời tiết mát mẻ quanh năm. Chính điều kiện khí hậu đặc biệt với bốn mùa trong một ngày cùng thổ nhưỡng thích hợp của cao nguyên này giúp cây chè Shan Tuyết sinh trưởng và gắn bó với mảnh đất này tự bao đời nay.

Người dân ở bản Hấu Chua hay gọi ông Hạng A Chư là “Vua của loài cây bất tử”. Sở dĩ mọi người gọi chè Shan Tuyết là loài cây “bất tử” vì chúng có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Ông Chư cho biết, gia đình ông sinh sống ở Hấu Chua này đến đời ông đã đời thứ 9, ngay từ khi còn nhỏ ông đã thấy những cây chè cổ thụ này.

Chè Shan Tuyết thường được thu hoạch 3 – 4 vụ/năm. Vụ đầu tiên vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 – đây được xem là vụ chè ngon nhất. Vụ thứ 2 được thu hoạch khoảng tháng 5, tháng 6. Vụ thứ 3 vào tháng 8 và vụ cuối là tháng 10, 11.

Rừng chè Shan Tuyết cổ thụ này sinh trưởng tự nhiên, không cần chăm bón vẫn phát triển xanh tốt, sống sót qua hàng trăm năm. Chè Shan Tuyết cổ thụ được khách hàng đánh giá là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước.

Chè Shan Tuyết có hương thơm đặc trưng, màu nước vàng óng ánh, trà mới uống có vị hơi đắng chát của mùi lá cây rừng lâu năm. Nhưng sau khi uống thì lại có vị ngọt đặc biệt lưu lại nơi đầu lưỡi. Vào mùa thu hái chè, ông Hạng A Chư thường thực hiện kỹ thuật 2 lá 1 búp, sau đó cho búp chè vào máy sấy khô rồi để trong túi bóng to buộc kín lại để chè giữ được hương vị.

Sự khác biệt chỉ có ở những cây chè sống ở độ cao hàng nghìn mét như chè Shan Tuyết chính là cánh chè sau khi chế biến sẽ còn vương lại một lớp phấn mỏng giống như tuyết. Đồng bào nơi đây xưa nay coi thứ thức uống tinh khiết này là sự hòa quyện và tích tụ tinh túy của trời và đất. Hiện ở Sín Chải có gần 4.000 cây chè cổ thụ và là xã có nhiều cây chè cổ thụ nhất huyện Tủa Chùa.

Nhiều cây chè Shan Tuyết có tuổi đời hàng trăm năm.

Thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng chè để phát triển thương hiệu

Không chỉ chăm sóc, thu hái những cây chè của gia đình ông Hạng A Chư còn đứng ra thu mua chè và bán lại cho các nhà máy chế biến. Ngoài ra, ông có một xưởng sao chè thủ công ngay tại nhà. Mỗi vụ, gia đình ông Chư thu hoạch được hơn 3 tạ chè và thu mua của bà con trong vùng khoảng từ 7 – 8 tạ chè.

Chè Shan Tuyết cổ thụ có búp to màu trắng xám, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng nên người dân gọi nó là chè tuyết. Đồi chè của gia đình ông Chư có nhiều cây cao hơn chục mét, thân to trắng mốc, rêu bám đầy mình. Đặc biệt, có cây chè cổ thụ đường kính lên đến cả mét, tán rộng tỏa cả gian nhà… Khi hái chè, gia đình ông phải bắc thang, làm giàn giáo trèo lên cây mới với được tới những búp non. Theo ông, việc thu hái chè Shan Tuyết cổ thụ không hề đơn giản, không cẩn thận có thể mất mạng…

“Giống chè cổ thụ này, mỗi cây cho khoảng 16kg chè búp tươi một lần thu hoạch. Sau khi sơ chế biến thu được 3kg chè khô/cây. Nếu được chăm sóc tốt, đồi chè Shan Tuyết cổ thụ mỗi năm có thể thu hái từ 4 – 5 lần búp tươi, sản lượng có thể lên tới 1 tấn chè khô/năm. Với giá 300 nghìn đồng/kg chè khô, mỗi năm sau khi trừ chi phí nhân công thu hái, nhà tôi cũng còn lãi trên 200 triệu đồng” – ông Hạng A Chư chia sẻ.

Để giúp người trồng, chăm sóc chè Shan Tuyết cổ thụ có thể trao đổi kinh nghiệm và các hình thức nâng cao thu nhập hơn nữa, năm 2018 Hội Nông dân xã Sín Chải đã tổ chức thành lập Chi hội nghề nghiệp nông dân trồng chè bản Hấu Chua, tham gia Chi hội có 13 thành viên, ông Hạng A Chư được bầu làm Chi hội trưởng, cả Chi hội có 674 cây chè trên 300 tuổi và tổng số cây chè trên trăm tuổi là trên 2.000 cây. Từ đây, các hội viên thường xuyên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ nhau những lúc thu hoạch rộ, vì vậy năng suất, chất lượng chè của các hộ đều tăng lên. Chi hội phấn đấu trong năm 2021 các thành viên trong Chi hội sẽ trồng thêm 300 cây chè nữa từ giống của những cây chè cổ thụ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tủa Chùa: “Xã Sín Chải là xã đặc biệt khó khăn của huyện, bà con sống chủ yếu là nông nghiệp. Xã đã đầu tư cho bà con tập trung phát triển cây chè Shan Tuyết trở thành cây hàng hóa, nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân trong xã. Không chỉ ở Hấu Chua mà người dân ở các thôn khác trong xã có điều kiện sẽ được hỗ trợ để phát triển loại cây này”.

Cây chè Shan Tuyết càng ngày càng mang lại lợi ích cho nông dân vùng cao nơi đây, chính vì vậy Hội Nông dân xã cũng thường xuyên phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền vận động hội viên, nông dân và nhân dân chăm sóc bảo vệ, thu hái và trồng mới thêm cây chè để phát triển kinh tế, đồng thời vận động thêm số hội viên, nông dân tham gia Chi hội nghề nghiệp. Từ đó làm tiền đề cho việc thành lập Hợp tác xã trồng và chăm sóc chè cũng như xây dựng thương hiệu đặc sản chè Shan Tuyết Sín Chải thành sản phẩm OCOP của địa phương.

“Tiềm năng của cây chè Shan Tuyết cổ thụ ở Sín Chải thì đã rõ, song thực tế thì việc bảo tồn và phát triển bền vững nhằm giúp nhân dân ở xã vùng cao khó khăn này vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn như: Chưa có quy hoạch, đầu tư bảo tồn và phát triển vùng chè, khâu chế biến cũng chưa được đầu tư, sản phẩm của bà con làm ra không có nơi tiêu thụ hoặc bán giá rẻ, không tương xứng với giá trị của nó”.
Ông Mùa A Trinh, Chủ tịch UBND xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa).

Bài, ảnh: Nguyễn Tuyết

Tin cùng chuyên mục
Tin khác