Phong trào nông dân

Nông dân Sơn La bắt nhịp với chuyển đổi số

Thùy Dương - 07:29 09/02/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hội viên ND tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Khẳng định vai trò người nông dân thời kỳ mới 
Năm 2023, các cấp Hội ND tỉnh Sơn La tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động ND sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ nhiều nhà máy chế biến trên địa bàn. Hội thực hiện tốt tư vấn, dịch vụ hỗ trợ ND về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản cho ND.

Nông dân Sơn La thi hái mận tại Ngày hội hái quả mận hậu Mộc Châu năm 2023 - một sự kiện quảng bá sản phẩm địa phương. Ảnh báo Sơn La

Năm qua, có hơn 58.400 hộ đăng ký danh hiệu hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; hơn 30.000 hộ đạt danh hiệu; vận động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi hỗ trợ các hộ khó khăn về sản xuất kinh doanh với tổng trị hơn 5,1 tỷ đồng; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hơn 25.500 người, tạo việc làm cho 12.900 người; hỗ trợ xây dựng được 392 mô hình phát triển sản xuất kinh doanh; 1.000 hộ được hỗ trợ về sản xuất kinh doanh… Các cấp Hội vận động và hỗ trợ tham gia xây dựng nông thôn mới bằng việc đóng góp gần 3.800 ngày công lao động, giúp đỡ 46 hộ thoát nghèo.
 Hộii ND tỉnh Sơn La đã tuyên truyền, vận động ND ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt như: Từ phát triển các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng, gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc trách nhiệm, minh bạch, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị.
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Sơn La mới được thành lập cuối năm 2021, với gần 30 thành viên là những kỹ sư nông nghiệp trẻ, đầy nhiệt huyết và mong muốn phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Không chỉ sản xuất theo hướng tuần hoàn khép kín, HTX còn tích cực áp dụng chuyển đổi số từ quy trình sản xuất, nuôi trồng, truy xuất nguồn gốc và bán hàng.
Hiện nay, HTX có 4 trang trại chăn nuôi tại xã Cò Nòi và Chiềng Mung (huyện Mai Sơn), nuôi 900 con bò 3B thương phẩm, 300 con bò sinh sản. Công nhân đều là người địa phương, được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò và ghi sổ nhật ký điện tử. HTX nông nghiệp Sơn La đã thực hiện gắn mã QR Code cho từng con bò và từng diện tích nuôi giun quế. Tuy mới thành lập nhưng việc áp dụng công nghệ số đã bước đầu đạt hiệu quả. Hầu hết thành viên đều sử dụng thành thạo các phần mềm. Chuyển đổi số không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình theo dõi các trang trại, mà còn giúp HTX kịp thời hướng dẫn thành viên trong quá trình chăn nuôi để đàn bò và giun quế phát triển tốt nhất.
Ông Trần Đức Miền, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Sơn La, khẳng định: “Chúng tôi đã áp dụng chuyển đổi số, quản lý bằng mã QR và nhật ký điện tử, giảm thiểu được sổ sách và nâng cao tính chính xác. Toàn bộ cơ sở của chúng tôi được kết nối thành một hệ thống và được điều hành thông qua phần mềm, giúp công nhân biết được mình phải làm việc gì mỗi ngày”.
Hình thành những nông dân số
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Sơn La có hơn 72.800 hộ nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số và tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử; có 846 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử. Thông tin từ mạng xã hội và các nguồn trên internet đã giúp người ND thay đổi tư duy, thói quen, lối sống, góp phần phát triển kinh tế số và nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp.
Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội ND tỉnh Sơn La cho biết: Thời gian qua, Hội ND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố rà soát, thống kê diện tích cây trồng đã cho thu hoạch và dự kiến sản lượng. Thông tin đến các hội viên, HTX chủ động phân loại nông sản theo các nhóm chất lượng; báo giá sớm để gửi cho các đối tác, bạn hàng. 

Trong năm 2023 Hội Nông dân Sơn La đã hướng dẫn được 11.136 hộ nông dân biết đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh đã chủ động liên hệ, kết nối với các thị trường truyền thống tại các thành phố lớn trên cả nước cùng một số tỉnh phía Nam triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho ND.  Hội cũng liên kết với Hội ND các tỉnh hỗ trợ tỉnh Sơn La mở các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đã được công nhận VietGAP, sản phẩm an toàn, có mã số vùng trồng; kết nối cho các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử Postmart, đưa các sản phẩm nông sản lên sàn Postmart.vn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, liên kết với các doanh nghiệp kết nối đưa trên 155 ngàn tấn nông sản các loại qua thị trường tiêu thụ xuất khẩu đi Trung Quốc và thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các cấp Hội ND trong tỉnh cũng hỗ trợ ND xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị, tạo ra sức lan tỏa đến các vùng nông thôn, phối hợp hướng dẫn hội viên ND tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; tổ chức tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu... Qua đó, góp phần giúp hội viên ND ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương Sơn La ngày càng văn minh giàu đẹp.
 Có thể thấy bằng nhiều biện pháp đã triển khai, nhận thức cũng như năng lực ứng dụng về thương mại điện tử, của các doanh nghiệp, HTX, người tiêu dùng và trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Các sản phẩm, nông sản hàng hóa của Sơn La đã có mặt tại hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn trong nước. Hoạt động của các trang thương mại điện tử của tỉnh cũng như các doanh nghiệp, HTX đã góp phần đa dạng hóa các kênh kết nối tiêu thụ hàng hóa, tạo được môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi, từng bước đưa hoạt động thương mại điện tử của tỉnh hội nhập với trong nước và quốc tế. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác