Nông dân TP.HCM gặp khó dù đưa được "chợ về với vườn"
Nông sản lên sàn điện tử không dễ
Thời gian qua, người kinh doanh nông nghiệp ở TP.HCM được đánh giá là khá nhạy bén với việc thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng qua mạng xã hội.
Từ facebook, zalo, youtube, sàn thương mại Lazada, Sendo, tiktok shop và nay là livestream… đều được tiểu thương, nông hộ, chủ thể OCOP, doanh nghiệp sớm tận dụng để đem lại liệu quả trong giao thương.
Theo ông Lưu Cẩm Hùng, chủ cơ sở trồng lan Sơn Hà, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM, việc "đưa chợ về vườn" bằng phương pháp livetream ngay tại vườn cây, cơ sở sản xuất được bà con tại TP.HCM áp dụng từ nhiều năm qua.
Là khu vực đô thị đông dân với nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng số lượng người bán hàng thành công bằng phương thức này không nhiều.
Ông Hùng cho rằng, nền tảng công nghệ thay đổi liên tục, kèm với những thay đổi chính sách của nền tảng công nghệ khiến nông dân khó bắt kịp. Bên cạnh đặc thù của một số ngành hàng như: Hoa tươi, hoa kiểng thì người nông dân livestream còn đối diện với nhiều khó khăn khác về vận chuyển logictics, lưu trữ và quản lý hàng hóa và dịch vụ…
Cùng quan điểm này, anh Nguyễn Minh Tâm, chủ nhà vườn hoa ở huyện Hóc Môn, TP.HCM chia sẻ: Livestream chốt đơn “ầm ầm” là câu chuyện có thực, bà con rất phấn khởi. Nhưng sau những đợt thuê mướn đội ngũ khá tốn kém thì nông hộ, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu giao hàng.
Điểm yếu cốt lõi hiện nay không chỉ là chất lượng, sản lượng ổn định mà năng lực logictics với những công việc như: Đóng gói, giao hàng, lưu kho, quản lý kho, xử lý đơn hàng, vận chuyển và giải quyết vấn đề trong chuỗi cung ứng… với những đơn hàng nhỏ lẻ cùng hàng ngàn địa chỉ khác nhau. Đây cũng là khó khăn mà cây kiểng, hoa tươi đang gặp phải.
Anh Tâm cho biết thêm: “Khâu vận chuyển hàng thật sự với ngành hoa tươi là vô cùng khó khăn. Như cây hoa lan sau bán cho khách thì đóng thùng giao trong vòng 7 ngày thôi. Nếu tới những địa phương của khách mà có sự cố gì, hoặc bị khách “bơm” hàng thì sản phẩm mình coi như phải bỏ đi”.
Theo chị Nguyễn Thanh Tú, Giám đốc HTX Thương mại Tâm An, huyện Củ Chi, TP.HCM, người nông dân ngoài làm ra sản phẩm thì phải học cách livestream trên những nền tảng mới và đáp ứng nhiều quy chuẩn khác để sản phẩm đến người tiêu dùng.
Thấy bà con bán hàng trên Tiktok shop chốt đơn ầm ầm, chị Thanh Tú cũng thấy chạnh lòng, bởi món gà ủ muối OCOP của HTX Thương mại Tâm An được người dân địa phương tiêu thụ rất nhiều nhưng chưa lên được sàn thương mại điện tử. Bởi, những mặt hàng sản phẩm tươi, sống xa khu vực trung tâm TP đang bị hạn chế lên sàn.
“Sản phẩm thực phẩm đồ lạnh nên những KOL, những follow lớn mới có thể kinh doanh được trên nền tảng Tiktok thôi… còn những cơ sở nhỏ thì không thể kinh doanh. Một nền tảng rộng lớn như thế mà bị khống chế như vậy cũng đáng tiếc. Sản phẩm của HTX ở ngoại thành Củ Chi nên cũng bị khống chế nhiều về khu vực hợp tác phân phối. HTX cũng từng mở shop trên Lazada, Shopee nhưng được thông báo là không thuộc khu vực phục vụ” - chị Tú nói.
Cần đầu mối hỗ trợ nông dân bán hàng
Ngoài vấn đề thích ứng với công nghệ, thích ứng với các thay đổi tiêu chí tiếp cận khách hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, thì vấn đề phát sinh trong nỗ lực "đưa chợ về tới vườn" liên quan đến truy xuất nguồn gốc, thuế, hóa đơn đầu vào, vận chuyển, liên kết kênh phân phối…
Bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM cho rằng, thương mại điện tử với vai trò của HTX làm đầu mối sẽ có nhiều thuận lợi trong việc kết nối, hỗ trợ nông hộ khắc phục điểm yếu trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa và đáp ứng các loại thủ tục giấy tờ hiện nay.
“Hợp tác xã, hoặc một đơn vị thu mua có thể tập hợp những sản phẩm của người nông dân và cũng là kênh kết nối giữa sản xuất với người tiêu dùng. Khi đó tôi nghĩ sẽ thuận lợi hơn cho bà con. Với cách này có thể giải quyết được hóa đơn đầu vào, đầu ra, phân phối và vận chuyển hàng hóa luôn cho bà con” - bà Vân cho biết.
Cũng theo bà Nguyễn Trúc Vân, người nông dân có điều kiện có thể chủ động triển khai livestream, bán hàng trên các nền tảng để tăng doanh số. Tuy nhiên ở thời điểm này cần nhất vẫn là ổn định nguồn cung, đảm bảo về chất lượng, còn việc ổn định doanh số bán hàng và phân phối có thể thông qua một đơn vị đại diện. Sau một thời gian có kinh nghiệm người nông dân có thể chủ động thực hiện với sự hỗ trợ của các HTX.
Theo VOV