Tiêu điểm

Vì vậy, thị trường carbon được xem là một công cụ quan trọng để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26). Đây không chỉ là một công cụ kinh tế để kiểm soát, quản lý phát thải khí nhà kính, mà còn tạo ra một nguồn lực tài chính vô cùng lớn nhằm thực hiện thêm các dự án phát triển và thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Ông Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) và ông Mai Bắc Mỹ (ngoài cùng bên phải - Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế,
Giám đốc Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) thăm không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm của các tổ chức sản xuất Rừng và trang trại trong nước và quốc tế.

Hiện nay, trên thế giới đã có 39 quốc gia và 33 vùng lãnh thổ đã áp dụng các công cụ định giá carbon, để tạo ra thị trường carbon. Tuy nhiên, thị trường tín chỉ carbon vẫn là một chủ đề rất mới, Việt Nam mới chỉ thực sự đẩy mạnh phát triển thị trường này trong vài năm trở lại đây. Việc xây dựng, hoàn thiện thị trường tín chỉ carbon trong nước tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là, nhận thức và hiểu biết của các chủ thể tham gia vào thị trường này (có nhiều cấp, nhiều ngành, đoàn thể, tổ chức và các cá nhân) về thị trường carbon còn rất hạn chế. Do đó để đưa thị trường này thực sự đi vào hoạt động và trở thành một công cụ hiệu quả trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, cần có sự nỗ lực to lớn, sự xây dựng tích cực về hành lang pháp lý và chuẩn bị kỹ lưỡng về  nhân lực nhằm phát triển thị trường carbon đúng so với tiềm năng mà Việt Nam đang có.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Việt Nam được đánh giá là địa chỉ có tiềm năng to lớn trong cung ứng và phát triển thị trường carbon, trong bước chuyển tích cực hướng tới một nền kinh tế xanh, một nền nông nghiệp xanh và một xã hội nông thôn tiêu dùng xanh để bảo đảm bền vững các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Có thể nói, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ đang khởi động và phát triển mạnh mẽ trong tương lai không chỉ đem lại lợi ích cho bà con nông dân, doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực nông nghiệp khi tham gia thị trường tín chỉ carbon mà còn đóng góp rất lớn vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế. Theo đó, Nhà nước ta cần có những chính sách, hướng dẫn cụ thể để đưa thị trường carbon đến gần hơn với nông dân và chắc chắn nông dân mà Hội Nông dân đóng vai trò trung tâm và nòng cốt sẽ vượt qua thách thức, tiếp cận và tham gia có hiệu quả vào thị trường carbon.

Thuật ngữ thị trường carbon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto 1997 của Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo Điều 17 Nghị định thư Kyoto 1997 thì thị trường carbon được hiểu là các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu đã cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện một loại hàng hóa mới được tạo ra dưới dạng chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbonic (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon.

Thị trường carbon có 2 loại: Thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện. Thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà trong đó việc mua bán hạn ngạch và tín chỉ carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc Cơ chế đồng thực hiện. Thị trường carbon tự nguyện là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp và giảm dấu chân carbon (là tổng lượng mức độ của khí thải nhà kính xuất phát từ quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp hoặc dịch vụ của con người và cũng là vòng đời cuối cùng của một sản phẩm hoặc dịch vụ đó), và vì là thị trường tự nguyện nên giá của tín chỉ carbon sẽ theo quy luật cung - cầu của thị trường và mức giá sẽ do các bên đối tác thỏa thuận.

Những mô hình phát triển sinh kế từ rừng do Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ hội viên nông dân tại 5 tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên.

Việt Nam hiện nay chưa có thị trường carbon bắt buộc ở trong nước, mà các giao dịch liên quan đến hạn ngạch và tín chỉ carbon đều trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đàm phán song phương hoặc đa phương giữa các bên (đối tác của Việt Nam là các quốc gia, tổ chức quốc tế), nhằm phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh trước công chúng và tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon trong nước. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và các quy định liên quan đến thị trường carbon bắt buộc trong nước, lộ trình như sau: 1) Đến năm 2025, thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; 2) Đến hết năm 2027: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; 3) Đến năm 2028: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới (quy định tại Điều 17 Nghị định 06/2022/NĐ-CP).

Nông dân Việt Nam tranh thủ thuận lợi trong tham gia thị trường carbon

Việt Nam có tiềm năng tài nguyên thiên nhiên đa dạng và có ưu thế về tài nguyên rừng với trên 14,7 triệu hecta rừng, tỷ lệ che phủ 42,02%. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu hecta, rừng trồng hơn 4,5 triệu hecta; nếu phân theo mục đích sử dụng thì rừng đặc dụng chiếm hơn 2,1 triệu hecta, trong đó 94.940 ha là rừng trồng; rừng phòng hộ hơn 4,6 triệu hecta, trong đó 626.124 hecta là rừng trồng; rừng sản xuất trên 7,8 triệu hecta, trong đó hơn 3,8 triệu hecta là rừng trồng (Bộ NN&PTNT, 2022). Ước tính con số hấp thụ carbon bình quân mỗi năm là khoảng 69,8 triệu tấn CO2, tức là Việt Nam mỗi năm có thể tạo ra 69,8 triệu tín chỉ carbon từ rừng, đem lại một nguồn thu đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ cũng như nâng cao thu nhập cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, từ đó thúc đẩy nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ rừng. Trong tương lai, khi thị trường tín chỉ carbon hình thành tại Việt Nam, người trồng và bảo vệ rừng sẽ còn được hưởng lợi nhiều hơn nữa từ sự cải thiện cảnh quan nhờ trồng rừng, chi trả khoán bảo vệ rừng (quy định cụ thể tại Nghị định 107/2022/NĐ-CP) và bán tín chỉ carbon.

Trong tương lai, khi thị trường tín chỉ carbon hình thành tại Việt Nam, người trồng và bảo vệ rừng sẽ còn được hưởng lợi nhiều hơn nữa từ chi trả khoán bảo vệ rừng và bán tín chỉ carbon.

Trong năm 2023, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của khu vực Đông Nam Á đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính của 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ (ERPA) từ năm 2018-2024, được ký giữa Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) – thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng), trong đó, WB đã thanh toán tiền ERPA đợt một cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng), tức 80% kết quả giảm phát thải theo hợp đồng mua bán đã ký. Số tiền còn lại 10,3 triệu USD sẽ được thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2 còn lại. Số tiền nhận được từ việc bán tín chỉ carbon cho Ngân hàng Thế giới sẽ được chia sẻ cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của 6 tỉnh (bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), các cộng đồng dân cư, hộ gia đình và các đối tượng được hưởng lợi khác được quy định tại Khoản 2, Điều 5 Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ. Ngoài ra, 95% lượng giảm phát thải này sẽ được chuyển giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sử dụng cho Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC). Dự kiến trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đàm phán chuyển nhượng cho tổ chức LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022-2026, với giá tối thiểu 10 USD một tấn CO2, tương đương tổng giá trị hợp đồng là 51,5 triệu USD (1.277 tỷ đồng).

Trong năm 2023, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của khu vực Đông Nam Á đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2).

Một trong những thuận lợi cơ bản là Nhà nước Việt Nam đang xây dựng và ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp với carbon thấp nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Quyết định số 150-QĐ/TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/04/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí metan) đến năm 2030, định hướng đến năm 2050;…). Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, nông nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: Trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e), chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e, chiếm 13%. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính là 121,9 triệu tấn CO2tđ (không bao gồm lượng giảm phát thải khí nhà kính từ sử dụng năng lượng trong sản xuất), trong đó, lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) giảm tối thiểu là 42,85 triệu tấn CO2tđ, lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất giảm tối thiểu là 79,1 triệu tấn CO2tđ; tổng lượng phát thải mê-tan không vượt quá 45,9 triệu tấn CO2tđ, giảm 30% so với mức phát thải năm 2020. Nếu như có thể thực hiện được những mục tiêu trên vào năm 2030, lợi nhuận từ việc áp dụng đồng bộ các biện pháp, kỹ thuật nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cụ thể như các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện môi trường (tưới ướt khô xen kẽ, giảm sử dụng phân bón hoá học, không đốt rơm rạ…), các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn… qua đó tạo ra tín chỉ carbon và bán trên thị trường carbon là rất lớn.

Ở Việt Nam, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo nói chung và trong nông nghiệp nói riêng đang được quan tâm thực hiện. Chiến lược quốc gia đầu tiên về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế carbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược xác định cần giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo nhằm từng bước gia tăng tỷ trọng của các nguồn năng lượng sạch trong sản xuất, tiêu thụ năng lượng của quốc gia. Thực tế cho thấy, các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng nước, năng lượng mặt trời, tận dụng nguồn năng lượng sinh khối từ phế thải nông nghiệp nếu được sử dụng hiệu quả có thể giúp tiết kiệm một nguồn chi phí đáng kể, giảm thiểu lượng khí thải và chất thải sinh ra trong quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Có thể thấy, thúc đẩy phát triển xanh, năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp có tiềm năng rất lớn, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân khi tham gia vào thị trường carbon, đóng góp lớn vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia và cam kết quốc tế, thúc đẩy nông dân tiếp tục triển khai các mô hình về kinh doanh và sản xuất hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững.

Nông dân Việt Nam vượt qua thử thách trong tham gia thị trường carbon

Các hội viên và cấp Hội ND rất cần có báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Tổng mức hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tỷ lệ hạn ngạch dự trữ và đấu giá cho giai đoạn 2026-2030 và giai đoạn sau 2030 (báo cáo thực hiện hằng năm) trình Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào báo cáo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có cơ sở dữ liệu tổng thể để có văn bản ban hành định mức phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức giai đoạn 2026-2030 và giai đoạn sau 2030 (khoản 1, khoản 2, Điều 12 Nghị định 06/2022/NĐ-CP), song đồng thời đặt ra thử thách lớn mà nông dân và Hội Nông dân Việt Nam phải vượt qua. Việc kiểm kê khí nhà kính là một thách thức đối với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có các hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đa số vẫn còn lúng túng và bỡ ngỡ với việc kiểm kê khí nhà kính, khi Việt Nam chưa có một hướng dẫn cụ thể nào về hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính đối với từng lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Còn nữa, trong Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg) cũng chưa có quy định cụ thể nào về việc các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh và sản xuất nông nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính (trừ những hộ kinh doanh sản xuất quy mô lớn, có mức phát thải khí nhà kính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên theo quy định tại khoản 1, điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP), nên công tác kiểm kê khí nhà kính chủ yếu mới chỉ dừng lại ở cấp độ các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô chứ chưa tiếp cận được đến với nông dân, hộ sản xuất quy mô vừa và nhỏ, dẫn đến nhận thức của bà con nông dân về vấn đề này còn rất hạn chế mà các cấp Hội ND phải ý thức được sớm.

Chi phí cho việc kiểm kê khí nhà kính đối với lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung còn ở mức cao. Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, chi phí kiểm kê khí nhà kính mỗi năm cho một cơ sở chăn nuôi là vào khoảng 100 đến 150 triệu đồng. Trong bối cảnh hầu hết các hộ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay còn nghèo và mức thu nhập thấp, đây là một trở ngại lớn và cần có chính sách hỗ trợ cho họ nhằm vận động nông dân chủ động, tích cực tham gia kiểm kê khí nhà kính. Việc kiểm tra, giám sát, thẩm định kết quả đo đạc và số liệu về kiểm kê khí nhà kính tại cơ sở cũng là một thách thức lớn, khi mà việc ghi chép số liệu từ dưới các hộ nông dân còn hạn chế, khó đảm bảo được tính chính xác trong số liệu thực tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, việc trao đổi mua bán tín chỉ carbon chủ yếu đến từ những đối tượng tạo ra được tín chỉ carbon với các đối tác trên thị trường quốc tế với phương thức giao dịch thỏa thuận, đàm phán giữa các bên.

Hiện nay, việc trao đổi mua bán tín chỉ carbon chủ yếu đến từ những đối tượng tạo ra được tín chỉ carbon với các đối tác trên thị trường quốc tế với phương thức giao dịch thỏa thuận, đàm phán giữa các bên. Vậy nên, tín chỉ carbon có thể giao dịch trên các thị trường quốc tế phải bảo đảm các tiêu chuẩn của quốc tế. Dĩ nhiên, hiện nay trên thế giới có rất nhiều tiêu chuẩn về tín chỉ carbon, mà mỗi một tiêu chuẩn lại có quy định và mức độ nghiêm ngặt riêng, khiến nhiều người tham gia vào thị trường carbon gặp nhiều sự phức tạp và khó khăn, đòi hỏi Việt Nam phải nghiên cứu kỹ và tham khảo nghiêm túc trong xây dựng tiêu chuẩn của ta vì có quá nhiều các tiêu chuẩn về tín chỉ carbon sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận, kết nối giữa người mua với người bán trên thị trường. Đối với nông dân, thách thức đó càng lớn hơn, khi mà mức độ tiếp cận thông tin của nông dân hạn chế, chưa biết phải tạo ra tín chỉ carbon thế nào để đảm bảo đúng tiêu chuẩn có thể bán ra… Để có thể bán được tín chỉ carbon, các bên cung ứng tín chỉ carbon ngoài phải tuân thủ theo các tiêu chí chuẩn của thị trường tự nguyện, tùy thuộc vào loại hình, địa điểm, tiêu chí đánh giá, thì tất cả các các tiêu chí và chuẩn mực này đều yêu cầu bằng chứng rằng dự án đã giảm phát thải, tạo tính bổ sung, có thể đo đếm và thẩm định được bởi một bên thứ Ba. Do đó, chi phí để tiến hành thẩm định tín chỉ carbon thường cao và các hộ nông dân khó có thể đáp ứng là thử thách mới mẻ và phải vượt qua.

Vì các đối tượng được tham gia vào tín chỉ carbon mới chỉ là các chương trình, dự án theo cơ chế bù trừ hoặc là các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được Nhà nước giao rừng, quản lý và bảo vệ rừng, nên đối với ngành Nông nghiệp, đối tượng nông dân được từ tín chỉ carbon mới chỉ là những người đang làm trong lĩnh vực lâm nghiệp, trồng rừng và bảo vệ rừng (những đối tượng có thể tạo tín chỉ carbon từ rừng: 1) Trồng rừng mới trên đất không quy hoạch là đất rừng; 2) Tái trồng rừng trên diện tích đất được quy hoạch là đất rừng, với điều kiện là đất ở đó không có rừng trong vòng 5-20 năm trở về trước; 3) Hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng carbon trên khu rừng hiện có, với điều kiện phải có số liệu hấp thụ carbon tại khu rừng đó mỗi 5 năm 1 lần), vì hiện tại nguồn cung tín chỉ carbon chủ yếu là các hoạt động có thể hấp thụ khí nhà kính và các dự án có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính (được xác nhận, cấp phép bởi Bộ Tài Nguyên và Môi trường). Trong khi đó, trong các lĩnh vực khác về nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt, canh tác lúa, v.v, việc tạo tín chỉ carbon đến từ việc giảm phát thải khí nhà kính xuống dưới hạn ngạch được phân bổ, mà để làm được điều này thì vẫn còn phải chờ những quy định về kiểm kê, phân bổ hạn ngạch và công tác đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ khí nhà kính, nên việc tiếp cận những thông tin, quy định, mức độ tham gia và hưởng lợi của những nông dân này vào thị trường carbon sẽ cần phải chờ đợi đến khi hoàn thiện hành lang pháp lý, có các quy định cụ thể và khi thị trường carbon bắt đầu thí điểm vào năm 2025.

Được sự hỗ trợ từ Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhiều HTX, Tổ hợp tác, hội viên nông dân được tập huấn khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh , phát triển kinh tế rừng.

Đồng thời với những thử thách trên, việc tiếp cận của nông dân với thị trường carbon còn hạn chế còn do nhận thức của các cán bộ, công chức trực tiếp tham gia hoạch định, tham mưu xây dựng chính sách, thiết lập khuôn khổ pháp lý về thị trường carbon vẫn còn trong quá trình học hỏi và tiếp cận những kiến thức mới, chưa có chuyên môn sâu và công tác tuyên truyền thực hiện Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ chưa sâu rộng. Cũng vì thế, nguồn nhân lực có thể đào tạo cho các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh và nông dân sản xuất nông nghiệp – những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp từ việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa được chăm lo đúng mức, thiếu hướng dẫn viên chuyên sâu, ảnh hưởng đến sự lan tỏa thông tin của thị trường carbon đến rộng rãi với nông dân. Cơ chế thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nông nghiệp để xây dựng các mô hình sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng tham gia thị trường tín chỉ carbon còn hạn chế. Thực tế, vẫn còn nhiều nông dân chưa được tiếp cận với những phương thức sản xuất mới theo hướng bền vững hơn, thiếu sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật cho nông dân có thể áp dụng các biện pháp canh tác xanh, xử lý chất thải trong nông nghiệp hiệu quả.

Tập trung thể chế, cụ thể hóa và tuyên truyền thực hiện tốt Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp về Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân, trong đó, “phải gắn công tác tuyên truyền, vận động với giải quyết lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân trong hoạt động của hội, nhất là sinh hoạt chi hội, tổ hội, câu lạc bộ ở cơ sở. Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế… gắn với chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương”. Vai trò của các cấp Hội NDVN là phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân về phát triển nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, các công cụ được áp dụng nhằm giảm phát thải khí nhà kính, trong đó cụ thể là thị trường carbon, phổ biến các kiến thức và tiềm năng phát triển to lớn của nông nghiệp ở thị trường carbon tại Việt Nam là một nội dung quan trọng, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Hội NDVN, đóng góp quan trọng vào lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước đến năm 2028 của Chính phủ.

Vai trò của các cấp Hội NDVN là phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân về phát triển nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường.
Trong ảnh: Ông Mai Bắc Mỹ (thứ 2 từ trái sang - Giám đốc Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) Trung ương) cùng hội viên nông dân tham gia trồng rừng tại tỉnh Bắc Kạn. 

Thực hiện chủ trương của Đảng ta, Hội NDVN phải phát huy cao nhất vai trò trung tâm và nòng cốt trong việc hỗ trợ, vận động nông dân chủ động, tích cực học tập, tiếp thu kiến thức về tham gia vào thị trường carbon, qua đó hội viên, nông dân sẽ đóng góp quan trọng vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế. Để thị trường carbon có thể vận hành hiệu quả, đảm bảo tính công khai, minh bạch và bảo vệ lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường này, thì rất cần sự phối hợp của các bên liên quan trong việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, quy định cụ thể về các công cụ định giá carbon, cơ chế tạo ra tín chỉ carbon và vận hành thị trường carbon trong nước, trong đó có vai trò và sự tham gia, đóng góp xây dựng chính sách của các cấp Hội NDVN. Nông nghiệp có tiềm năng tạo ra nguồn cung tín chỉ carbon rất lớn, từ đó cải thiện thu nhập đáng kể cho bà con nông dân.

Hội Nông dân Việt Nam cần vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong lĩnh vực lâm nghiệp tích cực tham gia các hoạt động mở rộng quy mô diện tích trồng rừng mới, áp dụng các biện pháp chống mất rừng và suy thoái rừng, phát triển nông lâm nghiệp bền vững, qua đó hưởng lợi từ việc hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và bán tín chỉ carbon rừng. Đồng thời, Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu, nghiên cứu về việc mở rộng quy mô thí điểm trao đổi kết quả giảm phát thải khí nhà kính từ rừng trên quy mô cả nước, những vùng đang có rừng che phủ và các hộ nông dân đang sinh sống nhờ rừng, từ đó có thể thu được nguồn lợi nhuận tối đa về việc bán tín chỉ carbon rừng dựa trên diện tích rừng mà Việt Nam đang có, cũng như có thể lan tỏa lợi ích của thị trường carbon đến nhiều vùng hộ dân sinh sống nhờ rừng hơn (hiện nay mới chỉ có một số thỏa thuận vẫn đang được Việt Nam đàm phán tại một số vùng nhất định với các đối tác nước ngoài, trong đó chỉ có duy nhất thỏa thuận chi trả kết quả giảm phát thải ở khu vực Bắc Trung Bộ đã được ký).

Hội NDVN tích cực trao đổi, phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, chính sách và quy định về thị trường carbon. Trong đó, Hội NDVN tham gia đề xuất, đóng góp một số quy định, chính sách về: Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội viên, nông dân trong tham gia thị trường carbon; quy định về kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp và phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp có phát thải khí nhà kính (đề xuất cập nhật thêm danh mục các cơ sở, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính); cơ chế tạo tín chỉ carbon trong lĩnh vực nông nghiệp và quyền sở hữu tín chỉ carbon; xây dựng hệ thống chuyển nhượng, trao đổi, giao dịch tín chỉ carbon một cách minh bạch, hiệu quả và thân thiện với nông dân; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn tín chỉ carbon một cách thống nhất, cụ thể, đảm bảo tín chỉ carbon của nông dân có thể giao dịch trên thị trường; chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận với các đối tác có nhu cầu mua tín chỉ carbon (là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hay từ chính các hộ nông dân khác có mức phát thải vượt quá mức hạn ngạch được phân bổ) từ nông dân; quy trình kiểm tra, đo đạc, thẩm định về mức giảm phát thải khí nhà kính thực tế ở các hộ nông dân làm cơ sở cấp tín chỉ carbon.

Hội NDVN sẽ phải tích cực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, cho hội viên, nông dân về thị trường carbon và tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân về những lợi ích khi áp dụng các biện pháp canh tác nông nghiệp carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính và tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán tín chỉ carbon, từ đó thúc đẩy hội viên, nông dân hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững. Để làm được điều đó, cán bộ Hội Nông dân các cấp cần có sự chủ động, tích cực nghiên cứu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về các quy định pháp lý, chính sách của Việt Nam về các công cụ định giá carbon (bao gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon) và cơ chế vận hành thị trường carbon, để từ đó các cán bộ Hội sẽ trực tiếp đào tạo, tham gia vận động tuyên truyền về thị trường carbon cho bà con nông dân.

Hội NDVN sẽ cần hỗ trợ cho hội viên, nông dân về vốn, kỹ thuật, kiến thức về áp dụng các biện pháp sản xuất nhằm giảm phát thải khí nhà kính hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững.
Trong ảnh: Chương trình Hỗ trợ Rừng và trang trại (FFF), Trung ương Hội NDVN tổ chức các Hội nghị tập huấn, hỗ trợ hội viên, nông dân về kỹ thuật sản xuất, phát triển kinh tế từ rừng bền vững.

Hội NDVN sẽ cần hỗ trợ cho hội viên, nông dân về vốn, kỹ thuật, kiến thức về áp dụng các biện pháp sản xuất nhằm giảm phát thải khí nhà kính hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững cùng các hoạt động liên quan đến việc tham gia vào thị trường carbon như kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, thẩm định kết quả giảm phát thải khí nhà kính (những hoạt động này có mức chi phí cao nên cần sự hỗ trợ về vốn từ các nguồn đầu tư nước ngoài, Quỹ Hỗ trợ Nông dân…).

Hội NDVN cần cổ vũ, động viên và khuyến khích có thể thúc đẩy hội viên, nông dân tham gia vào thị trường carbon tự nguyện thông qua việc đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trong xây dựng các chương trình, dự án về tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất hướng tới phát triển nông nghiệp carbon thấp, áp dụng các biện pháp sản xuất, canh tác thân thiện với môi trường, có thể giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra tín chỉ carbon. Các chương trình, dự án này sẽ được xây dựng theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, có thể tính toán, đánh giá và xác minh được mức giảm phát thải khí nhà kính tiềm năng. Các chương trình, dự án sẽ được đăng ký, xét duyệt bởi Bộ Tài Nguyên và Môi trường (Điều 20 Nghị định 06/2022/NĐ-CP). Nếu các chương trình, dự án này được thông qua, các hoạt động sản xuất kinh doanh của hội viên, nông dân làm giảm phát thải khí nhà kính và được cấp tín chỉ carbon (theo tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế) thì có thể được bán trên thị trường carbon quốc tế, giúp tăng lợi nhuận và thu nhập cho nông dân, vì mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác