Tiêu điểm
07:06 24/09/2023 GMT+7

Sự phát triển nền nông nghiệp ở ĐBSCL có thể khái quát thành ba giai đoạn chính:

Trước 1975, chủ yếu là canh tác một vụ lúa mùa theo cách truyền thống, không hoặc ít sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Khoảng năm 1966-1974, lúa hai vụ đã dần dần được phát triển nhờ các giống lúa ngắn ngày, còn gọi là lúa Thần Nông như IR5, IR8 từ Viện lúa quốc tế (IRRI).

Cuối những năm 1970 - thập niên 1980, sau khi đất nước thống nhất, cả nước thiếu lương thực nên ĐBSCL đóng vai trò đảm bảo lương thực. Nhiều vùng đất hoang được khai phá để mở rộng diện tích canh tác. Điển hình của giai đoạn này là chương trình khai phá Đồng Tháp Mười với phong trào làm thủy lợi đào kênh dẫn nước ngọt, rửa phèn bằng một hệ thống kênh đào rộng khắp. Đến năm 1987, vùng này đã trồng được hơn 300.000ha lúa. Giai đoạn này canh tác chủ yếu 2 vụ lúa mỗi năm. Đến năm 1989, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo. Đây là một cột mốc quan trọng. ĐBSCL đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành một nước có dư để xuất khẩu và thu nhập ngoại tệ. Điều này tạo sự phấn khích lớn để nền nông nghiệp chuyển sang giai đoạn kế tiếp.

 

Giai đoạn từ sau năm 1989 đến nay, khi không còn diện tích để mở rộng canh tác, nền nông nghiệp ĐBSCL bắt đầu đi vào thâm canh tăng vụ. Để canh tác được ba vụ lúa mỗi năm ở vùng ngập lũ sâu hàng năm như vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười thì cần hệ thống ô đê bao khép kín để không bị ngập sâu vào mùa lũ. Hệ thống đê bao khép kín đã được dần dần xây dựng ở Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, khoảng 130.000ha mỗi bên. Ở vùng nước lợ ven biển với chế độ nước luân phiên ngọt lợ theo mùa thì để canh tác lúa quanh năm, những đê bao đã được xây dựng để ngọt hóa vùng này. Nhiều dự án ngọt hóa khổng lồ đã được hình thành như Gò Công, Nam Măng Thít, Long Phú - Tiếp Nhật, bán đảo Cà Mau. Giai đoạn này mang lại sự thành công vượt bậc về sản lượng lúa gạo. Đến 1998, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ Hai thế giới.

Tuy nhiên, mặt trái của “tấm huy chương” thâm canh lúa để tối đa hóa sản lượng là hàng loạt những vấn đề về môi trường, sinh thái của toàn vùng. Ở hai vùng trũng đầu nguồn, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, đê bao khép kín không cho nước lũ vào nên đồng ruộng không được rửa độc chất, không nhận được phù sa nên dinh dưỡng đất ngày càng cạn kiệt làm tăng sự phụ thuộc vào phân bón, thuốc trừ sâu. Dù năng suất không giảm, nhờ phân bón, nhưng chi phí canh tác tăng dần qua thời gian, làm cho lợi nhuận ngày càng giảm. Dù sản lượng lúa gạo rất cao, nhưng việc canh tác ba vụ lúa mỗi năm không giúp người dân thoát nghèo. Nước lũ không tràn đồng được thì gây ngập nơi khác, nhất là vùng cây trái ở vùng giữa đồng bằng làm kích hoạt cuộc đua đê bao ở vùng giữa để bảo vệ vườn cây ăn trái. Trong đê bao không nhận được phù sa, cây ăn trái ở vùng giữa đồng bằng cũng sống nhờ phân bón. Vì không gian lan tỏa bị thu hẹp, nước lũ tuôn ra biển trong mùa nước. Đến mùa khô khi dòng chảy sông Mekong yếu, không có nguồn nước bổ sung từ các vùng trũng như trước đây thì mặn xâm lấn sâu hơn vào đất liền bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu và sự vận hành các đập thủy điện Mekong.

Ở các vùng ngọt hóa, vào mùa khô hệ thống cống đồng loạt đóng để ngăn mặn trữ ngọt làm cho nước bên trong tù đọng, ô nhiễm nặng nề. Các cống ngăn mặn cắt đứt sự liên lạc sinh thái giữa biển và sông ngòi nên tài nguyên thủy sản biển cũng dần cạn kiệt. Sự tổn thất sinh thái biển này không được hạch toán vào chi phí sản xuất lúa gạo trong đất liền, nên bài toán kinh tế nông nghiệp chưa toàn diện. Trong bối cảnh ngày nay với tình hình xâm nhập mặn sâu hơn do biến đổi khí hậu thượng nguồn, sự vận hành các đập thủy điện Mekong, nước biển dâng thì các vùng ngọt hóa đã trở nên mong manh hơn và không còn khả năng kháng cự trong những năm khô hạn cực đoan.

Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 với tinh thần “thuận thiên” tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chuyến hướng nền nông nghiệp từ thuần túy sản xuất chạy theo số lượng sang hướng chất lượng và chuỗi giá trị; thay đổi trật tự ưu tiên từ lúa - cây trồng khác - thủy sản sang thủy sản - cây trồng khác - lúa.

Tháng 6/2022, Thủ tướng đã công bố Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2022-2030 tầm nhìn 2050 được soạn thảo theo tinh thần của Nghị quyết 120. Cụ thể, Quy hoạch chia ĐBSCL thành 3 vùng chính: Vùng lõi an toàn nước ngọt được lùi vào trong; kế tiếp là vùng ngọt - lợ với chế độ nước luân phiên ngọt trong mùa mưa và lợ trong mùa khô; và vùng mặn sát ven biển. Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, tôn trọng quy luật tự nhiên.

Có thể thấy rõ rằng nền nông nghiệp hiện tại của ĐBSCL cần phải được chuyển hướng sang một nền nông nghiệp ít thâm canh hơn, sạch hơn, giá trị cao hơn.

Nông nghiệp sinh thái bao hàm nông nghiệp hữu cơ nhưng là một bước cao hơn nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp sinh thái không chỉ là các kỹ thuật canh tác hữu cơ mà phải tính đến tính toàn vẹn của toàn bộ hệ sinh thái trên bình diện đồng bằng trong đó đất đai, sông ngòi, biển là những hợp phần không thể tách rời của một cơ thể sống.

Nông nghiệp sinh thái không nhắm tới tối đa hóa sản lượng mà nhắm tới sản phẩm giá trị cao, lành mạnh cho sức khỏe con người, sức khỏe hệ sinh thái. Vì vậy, đối với ĐBSCL, nông nghiệp sinh thái cần đảm bảo rằng chức năng sinh thái của đất đai, sông ngòi, và biển cần được phục hồi, lưu thông vận hành theo quy luật tự nhiên, tránh những hành động can thiệp thô bạo vào tự nhiên.

Ở ĐBSCL cũng đã có những mô hình có thể xem là nông nghiệp sinh thái nhưng khó tồn tại lâu dài vì các mô hình này như những “ốc đảo” trong bối cảnh ô nhiễm chung của cả đồng bằng. Ví dụ tôm - rừng ở Cà Mau, mấy mươi năm trước người dân chỉ cần lấy nước biển vào, trong nước biển đã có sẵn con giống tôm tự nhiên. Ngày nay nước ven biển cũng ô nhiễm, không còn con giống tự nhiên. Dịch vụ của hệ sinh thái cung cấp miễn phí con giống tự nhiên đã không còn nên ngày nay người dân phải thả tôm giống nhân tạo.

Nông nghiệp sinh thái phải tự nó tồn tại được về kinh tế và lợi nhuận phải là lợi nhuận thật, chứ không phải nhờ hỗ trợ mà có. Hệ thống canh tác lúa thâm canh ba vụ trong thời gian qua dựa vào hệ thống công trình đê chống lũ với kinh phí khổng lồ chi từ ngân sách quốc gia hoặc địa phương mà không có hạch toán vào chi phí sản xuất nên lợi nhuận của hệ thống canh tác lúa thâm canh chưa phải là lợi nhuận thật.

Sự phát triển nông nghiệp sinh thái ở ĐBSCL sẽ gặp một số trở ngại, thách thức ở 3 cấp: Tư duy, chính sách, và thực địa.

Ở cấp tư duy, để phát triển nông nghiệp sinh thái đúng nghĩa, chúng ta cần phát triển tư duy sinh thái nhìn trên bình diện đồng bằng như một cơ thể sống, chứ không phải chỉ áp dụng các kỹ thuật canh tác hữu cơ một vài nơi và gọi đó là nông nghiệp sinh thái. Ngoài ra, chúng ta cần xem lại một vài vấn đề then chốt.

Về an ninh lương thực, lâu nay chúng ta đồng hóa an ninh lương thực với tối đa hóa sản lượng lúa gạo. Nhưng nhìn kỹ hơn, mỗi năm ĐBSCL sản xuất khoảng 25 triệu tấn thóc, tức khoảng 12,5 triệu tấn gạo và xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn, tức hơn 50%. Chúng ta cần nhìn nhận rằng số gạo xuất khẩu là để kiếm tiền. Nhưng cách kiếm tiền này là lỗ vì nhiều chi phí “vô hình” đã không được tính toán vào chi phí sản xuất. Đê bao khép kín làm cho cạn kiệt thủy sản sông ngòi, làm gia tăng ngập nơi khác, làm thất thoát nước trong mùa lũ dẫn tới gia tăng xâm nhập mặn vào mùa khô trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Công trình ngọt hóa (tức là công trình “xâm nhập ngọt” vào vùng mặn) cắt đứt liên lạc sông biển, làm suy thoái thủy sản biển, sự tổn thất này chưa được tính toán trong bài toán kinh tế nông nghiệp. Một nghiên cứu (1) đã chỉ ra với 1ha đất canh tác lúa 3 vụ liên tục trong 15 năm thì lợi nhuận cho xã hội là âm 47,3 triệu đồng nếu tính cả tiền xây đê bao khép kín, tổn thất thủy sản tự nhiên, thiếu hụt nguồn phù sa vào ruộng đồng. Hay nói cách khác càng làm lúa thâm canh ba vụ trong đê bao khép kín, quốc gia càng nghèo thêm.

Trên bảng xếp hạng an ninh lương thực thế giới năm 2022 của GFSI (Tổ chức Sáng kiến an toàn thực phẩm toàn cầu), Việt Nam dù là quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng xếp hạng 46/113 quốc gia, thua xa một quốc gia Đông Nam Á khác là Singapore có xếp hạng 28, trong khi Singapore gần như không có nông nghiệp. Điều này cho thấy chúng ta cần xem xét lại việc đồng hóa an ninh lương thực với tối đa hóa sản lượng.

Về gánh nặng GDP của ngành Nông nghiệp, chúng ta cũng thường vui mừng khi nào ngành Nông nghiệp có đóng góp lớn vào GDP của cả nền kinh tế. Vì vậy, ngành Nông nghiệp thay vì đóng đúng vai trò của mình là đảm bảo dinh dưỡng, mang lại sức khỏe thì nó được giao nhiệm vụ gánh vác GDP dù là phải vắt kiệt sức của đất đai. Trong những lúc nền kinh tế chung gặp khó khăn, nông thôn là nơi tạm lui về của lực lượng công nhân mất việc làm ở thành thị, nông thôn có là “bệ đỡ” hay không chính là nhờ sự lành mạnh của đất đai, sông ngòi, tôm cá. Một vùng quê sông ngòi ô nhiễm không tôm cá, đất đai cạn kiệt, chỉ có nông nghiệp thâm canh với nhiều hóa chất, lợi nhuận thấp, mọi thứ đều phải mua như ở thành thị thì không còn là nơi lui về an toàn. Tháo gỡ hay giảm bớt gánh nặng GDP cho ngành Nông nghiệp thì mới có thể chuyển nền nông nghiệp sang hướng sinh thái được.

Ở cấp chính sách, dù đã có những chính sách định hướng rất tốt nhưng vẫn còn sự “so le chính sách” tức là các chính sách không đồng bộ, thiếu nhất quán. Ngoài ra những chính sách tốt, chiến lược lâu dài dễ dàng bị phá vỡ vì nhiều nguyên nhân như vấn đề nhiệm kỳ, sự thiếu nhất quán trong thực hiện do những lợi ích ngắn hạn, tầm nhìn đơn ngành. Đơn cử trường hợp năm nay 2023 khi giá gạo thế giới tăng thì diện tích lúa ba vụ ở ĐBSCL liền tăng cao, trái ngược với định hướng chung lâu dài là giảm thâm canh, chuyển từ lượng sang chất để đảm bảo tính bền vững và để giải quyết những vấn đề đe dọa sự tồn tại của ĐBSCL như ô nhiễm nước sông ngòi dẫn đến gia tăng sử dụng nước ngầm, gây sụt lún toàn đồng bằng trong bối cảnh nước biển dâng.

Ở cấp thực địa, những công trình đã được xây dựng, can thiệp vào tự nhiên phục vụ cho nền nông nghiệp chạy theo số lượng vẫn đang hoạt động. Ở trong một ô đê bao có từ 100-500 hộ, thì phải có đồng thuận mới xả lũ vào được. Ở bên trong các ô đê bao khép kín ở vùng đầu nguồn hoặc các ô đê bao khép kín ở các vùng ngọt hóa ven biển, người dân đã chuyển sang canh tác lúa thâm canh quanh năm, đã phụ thuộc vào nguồn thu nhập của canh tác lúa. Nay muốn chuyển đổi trở lại canh tác thuận theo mùa tự nhiên thì người dân không đủ nguồn lực, không có sinh kế thay thế trong thời gian chuyển đổi và kiến thức canh tác thuận theo mùa tự nhiên đã mất.

Với nền nông nghiệp hiện nay, việc chuyển đổi ngay sang nông nghiệp sinh thái là chưa khả thi mà cần phải có các bước đặt nền tảng trước. Do đó, ở đây chúng ta sẽ bàn về việc chuyển đổi sang một nền nông nghiệp sạch, an toàn tạo tiền đề hướng đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.

Hai việc đầu tiên và là nền tảng cho tất cả về sau là thứ nhất thực hiện đúng Quy hoạch tích hợp ĐBSCL với 3 phân vùng sinh thái ngọt, mặn, lợ và tinh thần Nghị quyết 13 năm 2022 của Bộ Chính trị để đảm bảo hệ tự nhiên (đất đai, sông ngòi, biển) của ĐBSCL được phục hồi, kết nối thông thoáng, vận hành một cách lành mạnh như một cơ thế sống để chuyển nền nông nghiệp ĐBSCL sang nền nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, bền vững. Thứ hai, song song đó phát triển các mô hình canh tác hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, gia tăng chế biến, tạo thương hiệu nông sản. Hiện nay, ở ĐBSCL đã có những mô hình canh tác hữu cơ tạo sản phẩm sạch, có lợi nhuận, đồng thời bảo tồn được văn hóa địa phương. Nếu tính đúng tính đủ chi phí và lợi ích, kể cả chi phí và lợi ích vô hình, thì đây chính là các mô hình “kinh tế nông nghiệp” cần được khuyến khích. Có được nền tảng đó thì chúng ta sẽ có thể tiến thêm một bước nữa đến nông nghiệp sinh thái.

Trước mắt có một vài vấn đề cụ thể cần giải quyết để tháo gỡ những trở ngại ở ba cấp như đã bàn ở trên. Ở cấp tư duy là việc định hình lại chiến lược an ninh lương thực, không đồng hóa an ninh lương thực với tối đa hóa sản lượng; đặt lại mục tiêu của nền nông nghiệp không vắt kiệt đất đai sông ngòi để tạo ra GDP cao. Ở cấp chính sách, chúng ta đã có những chính sách định hướng rất tốt (Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 120 của Chính phủ, Quy hoạch tích hợp Đồng bằng sông Cửu Long) thì cần bền bỉ thực hiện, tránh kiểu “ăn xổi ở thì” chạy theo những cơn sốt thị trường nhất thời, những lợi ích ngắn hạn mà phá vỡ định hướng chiến lược lâu dài.

Ở cấp thực địa, cần có chương trình hỗ trợ người dân về nhận thức, vốn, kỹ thuật canh tác để chuyển sang canh tác giảm thâm canh, hướng đến sản xuất sạch, hữu cơ, giảm đê bao khép kín và giảm các công trình ngăn cản sự lưu thông của nước.

Bài: Ths. Nguyễn Hữu Thiện; Ảnh: Sưu tầm; Thiết kế: Chu Hồng Châu

Tin cùng chuyên mục
Tin khác