Nông nghiệp số 'liều thuốc đặc trị' trong đại dịch Covid
Tạo động lực mới trong nông nghiệp
Ứng dụng công nghệ số có vai trò quan trọng trong việc định hình lại ngành Nông nghiệp của Việt Nam, tạo động lực và tăng năng suất để duy trì, nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
Việt Nam có một ngành Nông nghiệp phát triển mạnh, chiếm khoảng 40% lực lượng lao động của đất nước, đang tìm cách cải thiện việc sử dụng công nghệ để nâng cao sản lượng, nâng cao năng suất và thống nhất các tiêu chuẩn để duy trì khả năng cạnh tranh quốc tế.
Để ứng phó với những thách thức và thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp hiện nay, Việt Nam cần chú trọng hơn đến việc thoát khỏi các mô hình canh tác truyền thống và hướng tới một mô hình hiệu quả hơn và bền vững hơn. Một mô hình đang đi trên làn sóng toàn cầu của Nông nghiệp 4.0 là việc sử dụng công nghệ thông minh được coi là động lực và bàn đạp quan trọng cho năng suất nông nghiệp.
Theo TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, trước đây, nông dân vùng sâu, vùng xa tham gia các hoạt động của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia rất khó khăn. Nếu chúng ta thực hiện chuyển đổi số thành công thì với một chiếc điện thoại thông minh, nông dân vùng sâu, vùng xa không chỉ tham gia được các lớp tập huấn khuyến nông mà còn tiếp cận được nhiều dịch vụ khác.
Hà Tĩnh được đánh giá là địa phương áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp khá thành công. Để thích ứng với xu hướng số hóa, thời gian qua UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông để lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực và tìm hướng đi thích hợp. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh là đơn vị tiên phong phối hợp với Công ty CP iCheck thực hiện số hóa các vùng trồng và đưa lên sàn TMĐT các sản phẩm bưởi Phúc Trạch, cam Chanh, cam Bù Hà Tĩnh.
Hiệu quả từ việc chuyển đổi số trong nông nghiệp thấy rõ khi đặc sản bưởi Phúc Trạch của Hà Tĩnh đã là nông sản đầu tiên được số hóa. Hiện nay, trên tổng diện tích bưởi Phúc Trạch là 2.593ha, Hà Tĩnh đã cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc, đăng ký, nhập liệu cho 162 tài khoản doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và 2.825 tài khoản thành viên. Từ đó, thông tin được công khai, minh bạch, giúp người quản lý và người tiêu dùng nắm rõ nguồn gốc, đưa sản phẩm bưởi Phúc Trạch đến với khách hàng một cách nhanh nhất, tin cậy nhất.
Đến nay, Hà Tĩnh đã số hóa 990ha bưởi Phúc Trạch và phối hợp cùng Công ty CP iCheck hoàn thiện Cổng thông tin buoiphuctrach.gov.vn và app Bưởi Phúc Trạch. Từ đầu tháng 9 đến nay, đã có 14.000 tấn bưởi Phúc Trạch được tiêu thụ trên các sàn TMĐT. Đây chính là chìa khóa để tháo gỡ đầu ra cho nông sản này trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nền tảng công nghệ và vai trò của nông dân
Với xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các công nghệ số, nông nghiệp Việt Nam đang dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. Thông qua chuyển đổi số đã mang đến những giá trị mới và bền vững cho sản xuất nông nghiệp và cho thấy tầm quan trọng, tính cấp thiết của quá trình này.
Không chỉ vậy, chuyển đổi số nông nghiệp đã giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp nhất, nhưng bán ra với giá cao nhất. Người sản xuất được kết nối trực tiếp, đưa nông sản tới tay người tiêu dùng mà không qua khâu trung gian.
Nhận định về những khó khăn và sự cần thiết phải chuyển đổi số trong nông nghiệp, TS. Đào Thế Anh phân tích: Đặc điểm ngành Nông nghiệp nước ta là sản xuất phân tán theo địa phương với 8,6 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ. Cùng với đó, tính chuyên nghiệp của nông dân chưa có, trong khi đó, thông tin dữ liệu về nông dân cũng còn thiếu nhiều… Vì vậy, việc chuyển đổi số khá khó khăn. Tuy nhiên, độ phủ sóng thiết bị di động thông minh rất lớn nên đây chính là cơ hội cho nông dân và ngành Nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, ngành Nông nghiệp đang chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại khi ứng dụng internet để thu thập các dữ liệu, sử dụng phần mềm quản trị vườn trồng hoặc tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…). Trong lĩnh vực trồng trọt đã sử dụng các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Ngành chăn nuôi là ứng dụng công nghệ block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn... Ước tính đến cuối năm nay, cả nước có trên 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.
“Chúng ta đang tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành với trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin; có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng...”, ông Tiến nói.
Tiềm năng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn rất lớn. Công tác chuyển đổi số nông nghiệp đang nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, bộ, ngành, doanh nghiệp. Để đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp trong thời gian tới cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành liên quan. Những người hưởng lợi trực tiếp từ chuyển đổi số, từng doanh nghiệp, nông dân phải có trách nhiệm, tích cực tham gia vào xây dựng dữ liệu để tạo ra kho dữ liệu khổng lồ đáp ứng chuyển đổi số nông nghiệp.
Theo TS. Cao Thị Hà (Học viện hành chính Quốc gia), để chuyển đổi số nông nghiệp thành công cần thiết phải đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất. Hàng hóa nông sản của Việt Nam trên thị trường hiện chủ yếu do người nông dân sản xuất ra. Để ứng phó với những tác động của đại dịch Covid-19, thay vì sản xuất và bán hàng truyền thống nhỏ lẻ, người nông dân số đã bắt đầu quen với việc đưa nông sản của mình lên sàn thương mại điện tử để bán với số lượng lớn và giá cả tốt hơn.
"Để thích ứng với chuyển đổi số, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người nông dân là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa. Người nông dân ngoài chủ động học hỏi nâng cao vai trò trong chuyển đổi số nông nghiệp, có thể chủ động lên sàn, giao lưu với người mua, giới thiệu những đặc tính khác biệt của sản phẩm để có giá trị cao hơn" TS. Cao Thị Hà nhận định./.
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân