Nữ thủ lĩnh nông dân nói hay, làm giỏi
Tận tâm với công tác Hội
Chị K’Sáu đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội ND xã Đạ Sar từ năm 2016 đến nay. Để thu hút hội viên tham gia vào công tác Hội, chị K’Sáu thường xuyên tuyên truyền đến hội viên, ND những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, nghị quyết, đề án Hội ND cấp trên và các quy định của địa phương.
Đồng thời, với vai trò thủ lĩnh ND, chị thường xuyên bám sát cơ sở; tìm hiểu, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của hội viên ND đến Hội và lãnh đạo địa phương.
Chị K’Sáu phấn khởi cho biết: Đạ Sar có 85% đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, nhưng hộ nghèo còn 1,1% và năm 2021 cơ bản không còn hộ nghèo. Những năm qua, trình độ canh tác của người dân đã có sự phát triển vượt bậc, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng được nâng lên, cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
Trong đó, nhiều hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy nông nghiệp của xã ngày càng phát triển. Đến nay, diện tích trồng rau, hoa của đồng bào dân tộc thiểu số là 48,8ha/213 hộ. Nhiều hộ dân tộc thiểu số liên kết với doanh nghiệp tham gia mô hình trồng dược liệu atiso mang lại hiệu quả cao.
Để có thành tích đáng phấn khởi đó có đóng góp không nhỏ của nữ Chủ tịch Hội ND xã Đạ Sar. Nói về chị Liêng Jrang K’Sáu, ông Trần Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar cho biết: “Chị Liêng Jrang K’Sáu là một đảng viên gương mẫu, luôn gần gũi, hỗ trợ người dân. Chị K’Sáu cũng là người tiên phong trong các phong trào tại địa phương. Đặc biệt là phong trào chuyển đổi giống cây trồng, sau đó được bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương làm theo phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất của chính mình”.
Nhận thức được trách nhiệm của mình, chị K’Sáu luôn phối hợp tốt với ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ Hội ND xã, hàng năm bám sát chương trình công tác của Hội cấp trên cũng như chương trình, kế hoạch, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương; từ đó tổ chức triển khai và phân công nhiệm vụ cho từng ủy viên phụ trách từng chi hội.
Để người dân hiểu và hưởng ứng, chị K’Sáu cho hay: “Trong quá trình triển khai, tôi thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên ND, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội cấp trên để kịp thời giúp đỡ hội viên được hưởng chính sách, hỗ trợ. Đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Hưởng ứng những phong trào này, chị K’Sáu thường xuyên phối hợp với Ban Chấp hành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, ND chấp hành tốt chính sách pháp luật, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận động hội viên học nghề…
Hội ND xã đã triển khai nhiều nội dung như: Trồng và chăm sóc cà phê; trồng và chăm sóc rau, cây dược liệu atiso; trồng cây mắc ca; vận động giúp đỡ nhau về vốn, giống; xây dựng mô hình hay, có hiệu quả tại chỗ để ND tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất… Từ đó nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi cũng như chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhờ vậy, đời sống cán bộ, hội viên ND đã được cải thiện rõ rệt, bà con ND tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Gương mẫu đi đầu
Để phát triển phong trào theo hướng đa dạng, chị K’Sáu đã tìm nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất bằng cách tạo vốn dưới nhiều hình thức như: Tín chấp ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội cho 218 hộ hội viên, số dư nợ tính đến thời điểm hiện nay là 9,6 tỷ đồng; tín chấp qua Ngân hàng NN&PTNT cho 137 hộ hội viên, dư nợ hơn 13 tỷ đồng; triển khai cho vay nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân, hiện nay toàn xã đã thực hiện 2 dự án với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng cho 28 hộ hội viên để trồng và chăm sóc rau.
Chị K’Sáu cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng giống như nhiều người dân trong vùng, ở Tây Nguyên nên chủ yếu là trồng cà phê. Tuy nhiên, loại cây công nghiệp này giá cả lên xuống thất thường, năng suất không ổn định nếu không có vốn để đầu tư bài bản.
Chính vì vậy, năm 2015, gia đình tôi đã quyết định chuyển đổi 3.000m2 đất trồng cà phê già cỗi, năng suất thấp để đầu tư trồng các loại cây ngắn ngày. Từ đó tạo được nguồn thu nhập đáng kể so với cà phê. Cho đến năm 2017, tôi lại quyết định phá thêm 5.000m2 đất trồng cà phê nữa để trồng rau ngắn ngày. Hiện nay, mô hình đã cho hiệu quả thấy rõ”.
Chị K’Sáu cho rằng, trước khi người cán bộ Hội ND muốn phát động phong trào gì thì bản thân phải vận động gia đình thực hiện có hiệu quả. Lúc đó, người dân mới thấy được hiệu quả, từ đó học hỏi theo, đưa phong trào Hội đi lên.
Đến nay, từ 8.000m2 đất trồng các loại rau ngắn ngày, cây dược liệu atiso và 1ha cà phê xanh tốt, gia đình chị Liêng Jrang K’Sáu đã có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, gia đình chị K’Sáu có tiền trang trải cuộc sống, các con chị có điều kiện đi học và chị có thể giúp đỡ những gia đình khó khăn khác.
Nói về chị K’Sáu, ông Nguyễn Hồng Thủy - Chủ tịch Hội ND huyện Lạc Dương cho biết: “Chị K’Sáu là một cán bộ Hội rất có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Cũng là một cán bộ điển hình để hội viên học tập, gương mẫu trong phát triển kinh tế tại địa phương, là ND sản xuất kinh doanh giỏi tại huyện Lạc Dương. Đặc biệt, nữ Chủ tịch Hội ND xã Đạ Sar là người có tinh thần tự học tập để nâng cao trình độ, năng lực. Đến nay, chị K’Sáu đang tiếp tục học đại học để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cán bộ trong giai đoạn hiện nay”.
“Vì sống ở địa phương, cũng là người làm nông nên tôi hiểu, nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân nên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội cấp trên để kịp thời giúp đỡ hội viên được hưởng chính sách, hỗ trợ. Tôi cũng thường xuyên phối hợp với Ban Chấp hành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chấp hành tốt chính sách pháp luật, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất...”
Chị K’Sáu chia sẻ.
- 13 tỉnh, thành phố thuộc Cụm thi đua số 5 hoàn thành chỉ tiêu thi đua Trung ương Hội giao
- Nghệ An: Các cấp Hội cần tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, cách làm hiệu quả, kết quả ấn tượng
- Hội Nông dân huyện Diễn Châu đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, xây dựng Hội, xây dựng mô hình, điển hình
- Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp