Tìm giải pháp phát triển cây thanh long bền vững
Theo Bộ NN&PTNT: Thanh long là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam với diện tích khoảng 55 nghìn hecta, sản lượng 1,3 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 1 tỷ USD. Đây là lợi thế lớn, thanh long tập trung ở 3 vùng Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và một số vùng ở các địa phương khác.
Tổng diện tích thanh long thế giới hiện nay ước đạt khoảng 140-145 nghìn hecta. Việt Nam trong một thời gian khá dài là nước đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng và xuất khẩu thanh long. Tuy nhiên, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc tăng “thần tốc”, từ 3,4 nghìn hecta vào năm 2011 lên 67 nghìn hecta với sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn vào năm 2021 và vượt Việt Nam.
Thời gian qua, giá trị xuất khẩu thanh long Việt Nam liên tục tăng từ hơn 57 triệu USD năm 2010 lên 100 triệu USD năm 2011 vào 2020 đã vượt mốc 1 tỷ USD, tuy nhiên, theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 450 triệu USD. Hiện nay, thanh long của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức khi các thị trường nhập khẩu thanh long của Việt Nam ngày càng đòi hỏi về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Giống chủ lực là thanh long vỏ đỏ ruột trắng của nước ta có kích cỡ, mẫu mã đẹp và ấn tượng nhưng vị nhạt, không giòn. Ngoài ra, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân chưa bền vững, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính. Hệ thống cơ sở sơ chế, đóng gói và kho bảo quản tiên tiến, sản phẩm chế biến sâu còn thiếu, hạn chế về công nghệ.
Ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương chia sẻ: Trung Quốc công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long một năm, vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng nên nhu cầu nhập khẩu hạn chế so với các năm trước. Trong khi đó, sản xuất thanh long ở Việt Nam còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết và thống nhất, chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường, chưa chú trọng đến tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
Nhiều lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, EU, Anh đã bị cảnh báo do vi phạm quy định về kiểm định thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định. Để xuất khẩu thanh long bền vững, lưu ý cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng tầm nông sản Việt, từ đó đa dạng hóa thị trường, giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Để làm được điều này, các đơn vị liên quan, các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất thanh long cần nâng cao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng quả thanh long; tăng cường sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… hướng đến xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu đã chia sẻ định hướng về phát triển thanh long Việt Nam và thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thanh long xanh, bền vững; Thảo luận về cơ chế và giải pháp để tạo cơ hội thúc đẩy liên kết chuỗi giữa người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chế biến, xuất khẩu theo hướng phát thải các bon thấp, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Muốn thanh long phát triển bền vững thì phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, giảm phát thải, nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm. Yêu cầu tất yếu là tổ chức lại sản xuất thanh long theo chiều sâu, không mở rộng thêm diện tích trồng, thực hiện chuỗi liên kết, tuân thủ yêu cầu các nước nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và tận dụng thời gian trái vụ thanh long Trung Quốc…
Hiện nay, thanh long Việt Nam đạt chuẩn chiếm tỷ lệ chưa cao chỉ khoảng 50-60%, tuy có chất lượng nhưng chưa có nhiều giá trị gia tăng nên chưa bán được giá cao. Trong liên kết sản xuất, vai trò của hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp cần được xác định cụ thể và có tính cam kết để đảm bảo cho ra sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng tốt nhất.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam chia sẻ: Việt Nam cần tập trung vào chất lượng thanh long hơn là sản lượng, số lượng; cần phải duy trì mức độ sản xuất tập trung ở các địa phương như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang để có thể áp dụng các biện pháp canh tác đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt (GAP) tích hợp các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để làm được điều đó, người sản xuất trực tiếp và các bên tham gia vào chuỗi ngành hàng thanh long phải chuyển sang tư duy sản xuất hướng đến thị trường và thiết lập các vùng sản xuất chuyên biệt phù hợp với nhu cầu ở các thị trường chính; đồng thời, nâng cấp được mối liên kết trong chuỗi giá trị từ nhà sản xuất, chế biến đến hệ thống logictis phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, xu hướng phổ biến của người tiêu dùng thời gian tới là ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp có nhãn giảm phát thải. Vì vậy, ngành Thanh long Việt Nam cũng cần xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất xanh, giảm tối đa lượng phát thải và vật tư đầu vào nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh.
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân