Liên kết sáu nhà

Đảm bảo nguồn cung gia súc, gia cầm vào dịp cuối năm và tết Giáp Thìn

Đại Long - 15:15 03/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tại hội nghị do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 3/11 tại Hà Nội, các ý kiến đều thống nhất về việc cần tập trung phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đảm bảo nguồn cung dịp cuối năm, đặc biệt là cho dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Hội nghị Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đảm bảo nguồn cung cuối năm do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 3/11 tại Hà Nội.

Theo nhận định chung, qua 10 tháng năm 2023, về cơ bản các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Các đại biểu cho rằng, ngoài giám sát sự lưu hành của vi - rút trên đàn gia súc, gia cầm, cần tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, lợn tai xanh, bệnh dại; tiếp tục xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…

Ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn xảy ra. Cụ thể, đối với dịch tả lợn châu Phi, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch tại 42 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 18.110 con lợn. Bệnh cúm gia cầm, phát sinh 19 ổ dịch (cúm A H5N1) tại 16 huyện, thị xã của 11 tỉnh, với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu hủy 35.706 con. Bệnh lở mồm long móng (LMLM), 22 ổ dịch (typ O) tại 15 huyện, thị của 11 tỉnh, thành phố với số gia súc mắc bệnh 760 con. Bệnh viêm da nổi cục, phát sinh 100 ổ dịch tại 15 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh là 468 con, tiêu hủy 95 con trâu, bò. Bệnh lợn tai xanh, với 5 ổ dịch phát sinh, số lợn chết, tiêu hủy 542 con. Bệnh nhiệt thán, xuất hiện 5 ổ dịch làm 32 con trâu bò mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy...

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản cho phép sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7-2023, nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế, do một số địa phương, chủ nuôi heo chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn heo" - ông Minh nói.

Liên quan đến dịch tả lợn châu Phi đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương trong nước và diễn biến phức tạp, ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) cho rằng, cần tập trung làm tốt công tác tiêm phòng trong nước. “Bệnh dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, cần xây dựng Chương trình tiêm phòng bắt buộc đối với vắc xin dịch tả lợn châu Phi và phải có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương trong triển khai. Đồng thời tham mưu Chính phủ xây dựng Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, lúc đầu nên hỗ trợ người chăn nuôi tiêm phòng sau đó giảm dần. Khi dịch bệnh giảm dần và được khống chế, lúc đó người chăn nuôi thấy hiệu quả của vắc xin sẽ chủ động tiêm phòng” - ông Trần Xuân Hạnh chia sẻ.

Đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm, các tham luận tại hội nghị đề xuất tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.

Theo ông Nguyễn Đình Đáng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố Hà Nội, thành phố sẽ xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán nhu cầu về thực phẩm tăng từ 15% đến 20%, đã tham mưu Sở Nông nghiệp thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm soát, giám sát dịch bệnh ngay từ khâu chăn nuôi. Sau đợt tiêm phòng đại trà tháng 10 vừa qua, Chi cục đã tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đảm bảo an toàn dịch bệnh, ổn định chăn nuôi, đồng thời tăng cường kiểm soát các nguồn thực phẩm từ các tỉnh thành về Thủ đô, trong đó có cả sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm và nguồn cung dịp cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) lưu ý, dịch bệnh động vật truyền lây sang người đang diễn biến phức tạp; nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra trên đàn vật nuôi và lây sang người là rất cao; diễn biến dịch bệnh ở các quốc gia trên thế giới rất phức tạp như: Cúm gia cầm xảy ra diện rộng ở 70 quốc gia vùng lãnh thổ; bệnh dịch tả lợn châu Phi ghi nhận khoảng 40 quốc gia; bệnh lở mồm long móng... Nếu lơ là và không chủ động phòng, chống dịch bệnh các tháng cuối năm sẽ khó đảm bảo an toàn đàn vật nuôi, dịch bệnh có thể kéo dài sang năm sau.

"Các địa phương báo cáo về đã chính xác chưa hay còn báo cáo không đúng, không đủ, nhất là dịch tả heo châu Phi. Nếu tổng hợp, nắm tình hình dịch bệnh không sát thì không thể phòng chống hiệu quả được" - ông Long nói.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại hội nghị. 

Tại Hội nghị, ông Phan Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin, nguồn cung thịt heo, gà dịp cuối năm và Tết nguyên đán Giáp Thìn sẽ được đảm bảo. Theo ông Đăng, trong 10 tháng 2023, đàn vật nuôi phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng về số lượng đầu con và sản lượng so với cùng kỳ tương ứng năm 2022 đều tăng từ 2-4%.

Dự báo các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, đàn vật nuôi duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Trong vài tháng gần đây, nền kinh tế được phục hồi, sức tiêu thụ thịt, trứng, sữa trong dân đã tăng trở lại và được dự báo tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm. Dự báo nhu cầu tiêu thụ vào dịp cuối năm 2023 và đầu năm 2024 chủ yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán tăng từ 10-15% so với các tháng khác trong năm. “Vì vậy, với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ thì cơ bản thị trường nguồn cung sẽ ổn định, cân đối cung - cầu đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm. Giá thịt heo, thịt gia cầm có thể tăng nhẹ vào các tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán nhưng có thể sẽ không tăng đột biến mà ổn định như dịp cuối năm 2022" - ông Đăng nói.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để ngành Chăn nuôi phát triển, đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT cũng như các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, đấu tranh ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác