Y tế

Quảng Ngãi: Kiểm soát tốt dịch bệnh sốt xuất huyết vì sức khỏe cộng đồng

Yến Bình - 13:05 08/12/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận trên 3.700 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt những tháng cuối năm, do thời tiết có sự thay đổi, lượng người mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng, chính vì vậy tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều biện pháp giúp người dân phòng, chống SXH.
Phun thuốc diệt muỗi phòng chống SXH tại TP. Quảng Ngãi.

Chủ động phòng chống sốt xuất huyết

Trong những năm qua, miền Trung là có tỷ lệ mắc SXH khá cao, chỉ sau có miền Nam. Do biến đổi khí hậu nên mùa truyền bệnh SXH tại các tỉnh trong những năm gần đây không còn mang tính chu kỳ (5 năm/lần) mà bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường phát thành dịch lớn vào mùa mưa từ tháng 10 của năm này đến tháng 2 hoặc tháng 3 của năm sau.

Theo thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 3.700 ca bệnh SXH, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các bệnh viện, trung tâm y tế từ huyện đến tỉnh có thời điểm quá tải bệnh nhân SXH.

Ông Võ Phiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Do đặc điểm dịch tễ của bệnh SXH tại các tỉnh miền Trung nên UBND cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo ngành Y tế của tỉnh phối hợp với các ban, ngành đoàn thể ở các cấp chủ động phòng, chống SXH. Đặc biệt trong những tháng cuối năm, do tình hình dịch bệnh phức tạp, nguy cơ thành ổ dịch lớn, UBND đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống SXH.

Nhiều biện pháp được triển khai thực hiện như các UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá tình hình công tác phòng chống bệnh SXH trên địa bàn, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền, triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, đặc biệt tại các công trình xây dựng, nhà trọ, khu ổ chuột; giao trách nhiệm cụ thể cho các địa phương, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trên địa bàn chủ động, tích cực phối hợp với ngành Y tế trong việc triển khai Chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy. Đồng thời, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được giảm sát các bể chứa dụng cụ nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi thuận lợi cho muỗi sinh sản hàng tuần; Tổ chức phun hóa chất tại các hộ gia đình trong khu vực có ổ dịch, đảm bảo tiến hành đồng bộ các biện pháp theo đúng quy định của chiến dịch.

Ngay trong tháng 11, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp triển khai hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng chống SXH đến người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, giám sát tại các điểm có nguy cơ về dịch bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, không để dịch lan rộng kéo dài; có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Người dân ở Quảng Ngãi tham gia chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH. Ảnh: Thúy Hằng

Tuyên truyền phòng chống SXH bằng những hoạt động cụ thể

Tại thành phố Quảng Ngãi, các xã, phường trên địa bàn đã đồng loạt tổ chức Chiến dịch ra quân dọn vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết nhằm giảm nhanh sự lan truyền dịch bệnh; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, duy trì thói quen thường xuyên diệt loăng quăng, bọ gậy ngay tại nơi sinh sống, học tập, lao động, làm việc của người dân.

Trong chiến dịch này đã thu hút hàng trăm cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của các hội, đoàn thể và nhân dân ở các địa phương đã hăng hái tham gia dọn vệ sinh môi trường, tập trung phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước, lấp các nơi ao tù, nước đọng, thu gom - dẹp bỏ hoặc lật úp các vật dụng, phế liệu ứ đọng nước sau mưa... và vệ sinh các hồ, lu/vại không nắp chứa nước sinh hoạt… để diệt loăng quăng, triệt phá nơi sinh sản của muỗi và tạo cảnh quang môi trường sạch – đẹp.

Theo ông Võ Thanh Hùng – Phó Chủ tich UBND TX. Đức Phổ Hiện nay trên địa bàn thị xã, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng có nguy cơ tìm ẩn bùng phát thành dịch nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. tTính đến cuối tháng 11/2022 , số ca mắc bệnh tại từng địa phương, cụ thể: Phổ Châu (09 ca), Phổ Thạnh (33 ca), Phổ Khánh (58 ca), Phổ Cường (61 ca), Phổ Hòa (29 ca), Phổ Vinh (36 ca), Phổ Minh (25 ca), Phổ Ninh (26 ca), Phổ Nhơn (09 ca), Phổ Phong (63 ca), Phổ Văn (70 ca), Phổ Thuận (143 ca), Phổ Quang (60 ca), Phổ An (25 ca), Nguyễn Nghiêm (55 ca…

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, nhằm chủ động tăng cường thực hiện các biện pháp chuyên môn phòng, chống dịch trên địa bàn thị xã, UBND đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quản lý; thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật tình hình các ca bệnh sốt xuất huyết phát sinh, giám sát chặt chẽ tại từng địa phương để có biện pháp triển khai kịp thời; nhất là thực hiện đợt cao điểm trong thời điểm hiện tại, không để các ổ dịch hoặc ca bệnh tiếp tục phát sinh và lan rộng kéo dài.

Trong quá trình triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, chú trọng các ổ dịch hoặc các nơi có nguy cơ cao bùng phát thành dịch phải thông báo, báo cáo kịp thời và xây dựng kế hoạch để có giải pháp xử lý triệt để, dập tắt mầm mống dịch bệnh ngay từ thời điểm ban đầu. Đồng thời  tổ chức tuyên truyền, vận động người dân bằng nhiều hình thức khác nhau như đài phát thanh, zalo, tờ rơi, phano, áp phích… để thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom dụng cụ phế thải, diệt lăng quăng, bọ gậy tại từng hộ gia đình.

Ngoài ra, tiến hành thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) hàng tuần; đối với các địa bàn có số ca bệnh ít hơn tiến hành thực hiện hai tuần một lần; các địa bàn còn lại tùy thuộc vào số ca bệnh phát sinh để có kế hoạch triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường theo mức độ phù hợp.

“Xác định công tác triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy là khâu quan trọng nhất trong hoạt động xử lý ổ dịch/phòng chống dịch, nếu hoạt động này không đạt hiệu quả thì kết quả cuối cùng của công tác xử lý ổ dịch/phòng chống dịch sẽ không đạt. Chính vì vậy, UBND thị xã đã đề nghị các ban, ngành đoàn thể phối hợp với y tế tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết” – ông Võ Thanh Hùng cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác