Sản xuất nông nghiệp hữu cơ:
Canh tác hữu cơ- Hướng làm giàu bền vững của nông dân Thanh Hóa
Vườn cam của gia đình anh Lương Văn Tưởng, thôn Đức Thịnh có diện tích hơn 4ha với hơn 2.000 gốc cam đường canh, thực hiện theo tiêu chuẩn “5 không”: “Không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ, không kích thích tăng trưởng và không chất bảo quản”... Anh Tưởng cho biết: Năm 2012, khi mới trồng cây ăn quả, tôi cũng như các hộ dân khác trong xã thường sử dụng nhiều loại thuốc hóa học trong quá trình chăm sóc cây dẫn đến chi phí cao, chất lượng quả không tốt và khó tìm được đầu ra. Sau khi tham quan một số mô hình trồng cam hữu cơ ở Bắc Giang, tôi đã chuyển hướng sản xuất theo phương pháp hữu cơ với tiêu chí an toàn, chất lượng và bảo vệ môi trường. Không sử dụng phân bón hóa học mà thay vào đó là phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho vườn cam của gia đình. Nhờ vậy, cây trồng phát triển tốt, chất lượng quả ngon, ngọt, sản lượng cũng tăng đáng kể.
Anh Tưởng cũng cho biết thêm, cây cam canh ưa phân hữu cơ nên việc chăm sóc cũng rất tiện lợi nên gia đình anh xác định trồng cam theo hướng hữu cơ, mang lại cho người tiêu dùng sản phẩm có chất lượng tốt. Nguyên vùng đồi, anh Tưởng chỉ dùng máy cắt khi cỏ quá cao. Cỏ giúp giữ đất, chống xói mòn, lại giữ được độ ẩm cho gốc cam. Cam canh muốn khỏe, muốn có trái ngọt phải bón nhiều phân hữu cơ.
Trồng cam canh không thể để tự nhiên mà cây ra quả đồng loạt, nhiều và đều qủa mà phải có kỹ thuật chăm sóc cây. Để cam phát triển khỏe mạnh, cho trái ngọt, anh bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ từ phân chuồng hoai mục. Bình quân một năm, anh mua hàng chục tấn phân chuồng, tro bếp về bón vườn cam để tạo độ ngon, ngọt. Ngoài ra, vườn cam còn được anh lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động, đất luôn được cung cấp đủ độ ẩm cho cây phát triển tươi tốt.
Có thể thấy rõ sự khác biệt giữa trồng cam truyền thống và trồng cam hữu cơ đó là mẫu mã quả đẹp, vàng bóng, chất lượng ngon, ngọt hơn, năng suất, sản lượng tăng gấp 1,5 lần. Năm vừa qua, vườn cam của gia đình anh Tưởng cho thu hoạch gần 20 tấn với giá bán từ 30-40.000 đồng/kg. Chất lượng sản phẩm tốt, an toàn cho người sử dụng nên được thương lái về tận vườn thu mua. Sau khi trừ chi phí, mô hình đem lại cho gia đình anh thu nhập gần 500 triệu đồng.
Anh Tưởng chia sẻ: “Nhiều người cứ nghĩ, làm sản phẩm hữu cơ chi phí cao hơn, giá bán sản phẩm bán phải đắt hơn. Nhưng theo tôi, quan điểm đó cần phải thay đổi. Sau nhiều năm trồng cam hữu cơ, tôi nhận định, sản xuất theo phương pháp hữu cơ tiết kiệm chi phí hơn so với sản xuất thường, sản phẩm lại chất lượng”. Để bảo vệ hệ sinh thái, phát triển ngành Nông nghiệp bền vững, anh Tưởng sẵn sàng hỗ trợ, truyền đạt kinh nghiệm trồng cây hữu cơ miễn phí cho những người có nhu cầu.
Từ hiệu quả mô hình trồng cam hữu cơ của gia đình anh Lương Văn Tưởng đã mở ra hướng đi mới cho các hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn xã, thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ đẩy mạnh vận động các hộ dân trên địa bàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho các hộ dân, tạo nguồn thu nhập bền vững.
Điển hình như mô hình dưa lưới trong nhà màng của anh Hà Minh Châu ở thôn Thọ Phú với diện tích hơn 1.500m2 ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã đem lại thu nhập khá cao cho gia đình anh. Hệ thống nhà màng có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập. Quá trình chăm cây anh Châu luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn để sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt còn cho chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Anh cho biết: "Việc trồng dưa lưới trong nhà màng đòi hỏi vốn đầu tư tương đối lớn, cùng với đó phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mới cho một vụ dưa đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm." Từ quy trình sản xuất khép kín, mô hình đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ làm giàu cho từng hộ gia đình mà còn mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đây chính là cơ hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi