Nông nghiệp

Vợ chồng tiến sĩ bỏ phố về vườn trồng rau sạch thu tiền tỷ

Việt Tùng - 07:38 16/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chồng là Tiến sĩ Sinh học tại Nhật Bản, vợ là Thạc sĩ Nông nghiệp tại Australia, họ đang có công việc đầy cơ hội thăng tiến, nhưng cả hai đều “đồng lòng” bỏ phố, bỏ công việc nhiều người mơ ước để về trồng rau hữu cơ. Một quyết định tưởng như “ngớ ngẩn”, nhưng nó đã mang lại cho họ thu nhập tiền tỷ mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều lao động…
Tiến sĩ Nguyễn Đức Chinh cho biết, việc diệt sâu tại trang trại hoàn toàn bằng tay.

Cuốn sách nông nghiệp Nhật Bản “hạ gục” Tiến sĩ Sinh học

Vợ chồng anh Nguyễn Đức Chinh (41 tuổi) và chị Nguyễn Thị Duyên (40 tuổi), chủ trang trại rau hữu cơ GenXanh, ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) đã xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ, sạch, an toàn với sản phẩm đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Chị Duyên cho biết, hiện trang trại của chị đang trồng gần 100 loại rau, mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 3,4 - 5 tấn rau, củ, quả các loại, thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/tháng.

Chìa bàn tay với một vốc sâu xanh lét, chị Duyên chia sẻ: “Đây là sâu ăn lá, nên có màu xanh đậm. Ở đây 100% diệt sâu bọ bằng tay và các chế phẩm sinh học. Trang trại luôn tuân thủ nghiêm ngặt với tiêu chí “5 không”: Không thuốc BVTV hoá học, phân bón hoá học, thuốc diệt cỏ, chất kích thích sinh trưởng và giống biến đổi gen”.

Chị Duyên cho biết, anh Chinh là Tiến sĩ Sinh học tại Nhật Bản, còn chị là Thạc sĩ nông nghiệp. Cả hai vợ chồng đều công tác tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT). Năm 2015, được cơ quan phân công tham gia dự án quốc tế về rau hữu cơ, chị đã mượn 1.000m2 vườn làm chỗ thực hành. Năm 2017, anh Chinh được học bổng sang Nhật làm tiến sĩ, chị Duyên đem con sang cùng chồng. Tình cờ anh đọc được cuốn sách nói về nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản. Tâm đắc về những kiến thức cuốn sách mang lại, ngày nào anh cũng hí húi đọc, ghi chép lại những gì hữu ích. “Về Việt Nam, chúng ta nhất định phải làm cho bằng được. Nông nghiệp hữu cơ là nền nông nghiệp bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao” - anh Chinh nhớ lại.

Cuối năm 2019, hai vợ chồng trở về Việt Nam và bắt tay vào tìm đất xây trang trại. Sau nhiều ngày lặn lội khắp nơi, cuối cùng hai vợ chồng “chốt” thuê lại một bãi bỏ hoang 2ha ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội). 

Lúc đầu, không có tiền thuê nhân công, vợ chồng chị được hai đồng nghiệp giúp sức. Họ ủ phân hữu cơ từ phân trâu bò, rồi ngâm cá, ốc để thay thế đạm hóa học. Nhưng lứa rau đầu tiên, thì “nhìn không ai mê được”, vì lá rách nát toàn vết sâu ăn. Đổi lại khi ăn, vị ngọt thơm khiến mọi người bất ngờ, nên vẫn được người tiêu dùng lựa chọn.

Nước tưới cho rau được anh Chinh lọc rất cẩn thận.

Tiến sĩ, thạc sĩ rủ nhau về trồng rau

Cuối năm 2020, chị Duyên quyết định xin nghỉ việc, tập trung trồng rau. Quyết định “điên rồ” này, chị chịu không ít áp lực từ gia đình, bạn bè và hàng xóm. Những tiếng xì xào rằng “Tiến sĩ với chả Thạc sĩ, rồi cũng “về vườn” trồng rau..!”, khiến không dưới một lần chị Duyên rơi lệ. Chị Duyên bảo, công việc bàn giấy không còn thu hút chị nữa. Việc hàng ngày bù đầu với đống giấy tờ, con số, khiến đầu óc nhiều lúc như nổ tung. “Chẳng lẽ cuộc sống mơ ước của mình là đây sao? Gắn bó với trang trại, tôi như tìm thấy niềm vui, công việc yêu thích, nên quyết định về trồng rau” - chị Duyên cho biết.

Giữa năm 2021, anh Chinh bỏ qua cơ hội thăng tiến, nối gót vợ về trồng rau. Quyết tâm là thế, nhưng khi bắt tay vào… làm lớn, nhất là với nông nghiệp sạch, chưa bao giờ là dễ dàng, nhiều phen như “đánh bạc với trời”.

Anh Chinh kể, suốt năm đầu lập trang trại, tháng nào anh cũng lỗ, nên số tiền tích góp từ hơn chục năm làm việc dồn cho trang trại chỉ một thời gian đã “không cánh mà bay”, vợ chồng anh buộc phải vay mượn anh em, bạn bè để có tiền cầm cự. Những người làm công nhìn ruộng rau bị sâu bọ tấn công sốt ruột, họ mách vợ chồng anh mua thuốc trừ sâu về phun. “Làm vậy khác nào tôi tự hại mình, đó đâu phải là rau sạch, hữu cơ. Tôi bảo với họ vậy và động viên họ cố gắng bắt sâu, đồng thời ủ phân, làm đất thật kỹ để hạn chế sâu bọ hại” - anh Chinh chia sẻ.

Mặc dù đã cố gắng, nhưng lứa rau đầu tiên do thời tiết nắng nóng, nước tưới chưa ổn định nên đa số rau bị vàng, già và dai. Nhìn vẻ bên ngoài không được tươi ngon, khách hàng đã gọi điện phàn nàn. Không bỏ cuộc, vợ chồng Duyên dần rút kinh nghiệm. Nhờ cần cù, chịu khó vừa làm vừa học hỏi đến giữa năm 2021, các sản phẩm rau trong trang trại của vợ chồng Duyên đã được nhiều người biết đến, đặt hàng đều đặn. Một số cửa hàng ký kết hợp đồng nhập rau lâu dài.

Theo anh Chinh, trồng rau trái vụ rất khó và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thời tiết. Còn nhớ, giữa năm 2021 vợ chồng mất trắng cả lứa rau. Chỉ vào đám rau trước mặt, Chinh bảo trồng rau hữu cơ không thể đều tăm tắp như dùng thuốc hóa học. Quy trình sản xuất được hình thành dựa trên 3 yếu tố chính là thuận tự nhiên, công nghệ và bản địa.

Đầu tiên phải kể đến công nghệ vi sinh. Anh đã cùng đồng sự nhân nuôi các chủng vi sinh vật bản địa để cải tạo đất; sử dụng các chủng vi sinh vật đã được phân lập và thương mại để ủ phân chuồng, đạm cá, đạm trứng; ủ mục tàn dư thực vật và cỏ dại thành phân trả lại cho đất. Để tiết kiệm chi phí, anh tự lắp đặt đường ống tưới nhỏ giọt và hệ thống lọc nước. Đây là công nghệ anh học hỏi được trong thời gian tu nghiệp một năm ở Israel.

Năm 2022, sau 2 năm đi vào hoạt động, trang trại rau hữu cơ GenXanh của vợ chồng tiến sĩ đã được chứng nhận vùng sản xuất rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Với năng suất ước đạt 25- 30 tấn/ha/năm, mang lại giá trị gần 1 tỷ đồng/năm cho vợ chồng tiến sĩ Chinh, Duyên. Không chỉ cung cấp rau sạch cho người tiêu dùng, làm giàu cho gia đình, trang trại rau hữu cơ GenXanh còn thường xuyên tạo việc làm cho 8 lao động. Đặc biệt có 2 lao động là người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

“Tôi vẫn luôn nhắc các công nhân khác, trong công việc cũng như trong cuộc sống cần phải biết chia sẻ, động viên họ, vì họ là người khiếm khuyết, rất dễ bị tổn thương, nên ai cũng dành việc nhẹ cho họ. Và chính họ đang làm ra cây rau sạch cung cấp cho người tiêu dùng, đó cũng là một đóng góp nhỏ cho xã hội!” - anh Chinh nói. 

“Làm vậy khác nào tôi tự hại mình, đó đâu phải là rau sạch, hữu cơ. Tôi bảo với họ vậy và động viên họ cố gắng bắt sâu, đồng thời ủ phân, làm đất thật kỹ để hạn chế sâu bọ hại”
Tiến sỹ Nguyễn Đức Chinh
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác