Hưng Yên: Hàng trăm người dân mất tiền tỷ vì cây cảnh ngập lụt, lợn phải bán non
Lỗ hàng tỷ đồng vì phải bán “lợn non”.
Anh Nguyễn Văn Tấn, xã Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, gia đình anh nuôi lợn từ nhiều năm nay, khoảng 5 năm trở lại đây anh đầu tư nuôi quy mô lớn, trung bình mỗi lứa hơn 1.000 con lợn thịt.
Thông thông, khi trọng lượng lợn đạt hơn 200kg/con thì gia đình anh mới xuất bán cho thương lái. Tuy nhiên, vừa qua do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong đêm 11/9, nước lũ lên nhanh, chỉ vài tiếng sau đã ngập hết cả khu vực, nên gia đình anh không kịp trở tay, buộc phải bán “lợn non”.
“Tính đến ngày 12/9, đàn lợn đã chịu đói 1 ngày, vì nước ngập sâu không cho ăn được. Lợn không nằm được đên sức khỏe giảm sút. Sáng 12/9, được sự hỗ trợ của lực lượng quân đội huyện và người dân, gia đình tôi đã di chuyển được cơ bản số lợn lên vùng cao ráo và tiến hành bán cho thương lái”, anh Tấn cho biết.
Theo anh Tấn, với việc lợn không được ăn và ngâm mình trong nước nhiều giờ khiến trọng lượng sụt giảm, cộng với giá bán thấp hơn bình thường gần 10 giá, tính ra mỗi con lợn lỗ cả triệu đồng, tính cả đàn, gia đình anh lỗ đến cả tỷ đồng.
Anh Trần Văn Hùng một tài xế chở lợn cho gia đình anh Tấn lên Hà Nội tiêu thị cho biết, trung bình mỗi ngày anh chạy được 3 – 4 chuyến, mỗi chuyến anh được khoảng 60 con lợn. Mỗi con có trọng lượng khoảng 100 – 110kg.
“Tôi cố gắng chờ giúp bà con đưa đi tiêu thụ, giúp bà con đỡ thiệt hại hơn”, anh Hùng chia sẻ.
Thượng tá Thượng tá Nguyễn Quyết Chí, Chính trị viên - Ban Chỉ huy quân sự huyện Văn Giang, cho biết: “Trước tình hình mưa lũ diễn ra phức tạp, Ban Chỉ huy quân sự huyện Văn Giang đã tổ chức lực lượng ra hỗ trợ người dân vận chuyển tài sản hoa màu, cây trồng vật nuôi về nơi an toàn để nhằm giảm thiệt hại cho người dân. Suốt mấy ngày qua, anh em gần như không nghỉ, làm việc cật lực vì nước lũ về quá nhanh”.
Xót xa những vườn cây tiền tỷ chết dần trong nước
Tương tự, tại các xã chuyên trồng hoa và cảnh ở Văn Giang như: Xuân Quan, Phụng Công, Văn Đức… do nước dâng nhanh và tràn qua quá nhanh, với lại số lượng cây quá nhiều, nên người dân không kịp di chuyển cây, khiến các vườn cây với giá trị lên đến hàng tỷ đồng bị ngập sâu trong nước.
Sáng 12/9, khi thấy nước có dấu hiệu rút, một số hộ dân gần bờ đê thuê cần cẩu, hoặc đi thuyền bè cứu một số cây lớn, chất lên thân đê. Nhưng số lượng cây quá lớn, khiến diện tích để chứa cây trên đê cũng không đáp ứng được, khiến người dân đành bất lực nhìn những vườn hoa, cây cảnh của mình ngâm trong nước, đang có nguy cơ chết úng rất cao.
Bà Trương Thị Ngà, 55 tuổi, xã Phụng Công, cho biết gia đình bà đã có hơn 40 năm trồng hoa cây cảnh, thế nhưng chưa bao giờ gia đình chịu thiệt hại lớn như đợt lũ này. Vì nước lũ dâng bất ngờ trong đêm, cây nặng và cũng không có phương tiện vận chuyển nên toàn bộ không thể di dời
"Cả cơ ngơi bị nhấn chìm trong nước, tôi xót ruột vô cùng. Với gần 7 sào cây, nếu nước không rút nhanh mà ngập hàng tuần thì có thể thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng, mất trắng cả gia tài tích cóp bao năm nay", bà Ngà xót xa cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tắc, xã Phụng Công, cho biết gia đình ông có gần 2 sào cây cảnh, với hơn 1.000 gốc hoa giấy, trạng nguyên và hải đường, tuy nhiên nước lũ dâng nhanh trong đêm nên gia đình ông chỉ kịp di chuyển được khoảng 100 cây.
Theo ông Tắc, nếu quá 3 ngày tới nước không rút thì hàng nghìn cây cảnh của gia đình ông khó có thể sống sót, thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng.
"Giờ cây thì không cứu được, khi nghe tin nhiều hộ dân nuôi heo bên ngoài bờ đê đang chật vật giải cứu đàn heo, tôi và nhiều người dân tranh thủ qua giúp đỡ tìm kiếm và chuyển heo vào bờ”, ông Tắc cho hay.
Theo kinh nghiệm của ông Tắc, nếu cây ngập 3 – 4 ngày mà nước rút, thì một số cây chịu úng khỏe vẫn có thể cứu được. Còn những cây chịu úng kém, sẽ bị thối rễ, thối thân mà chết, do vậy thiệt hại của người dân, nhà vườn ở Văn Giang dự báo là rất lớn.
Ông Tắc ngậm ngùi: “Làm hoa, cây cảnh lãi cao, nhưng đầu tư rất lớn, gần như gia đình nào cũng đánh cược cả tài sản vào vườn cây. Cây mà chết coi như mất trắng”.