Sầu riêng chính vụ sụt giá, nhà vườn Tiền Giang vẫn có lãi hơn 10 nghìn/kg
Tỉnh Tiền Giang có hơn 10.000 ha vườn cây sầu riêng chuyên canh, trồng tập trung nhiều ở các huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy, Châu Thành và Cái Bè. Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn từ các năm trước nên hiện tại có khoảng 30% vườn cây sầu riêng có trái cho thu hoạch.
Cẩm Sơn và Long Tiên là hai xã vùng trọng điểm trồng chuyên canh sầu riêng của huyện Cai Lậy – một cây trồng có giá trị xuất khẩu cao và cho lợi nhuận cao trong các cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang. Sầu riêng được trồng thành vùng chuyên canh với những giống chất lượng cao như: Ri6, Mong Thong. Diện tích tập trung tại các huyện, thị phía Tây tỉnh là Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy.
Tỉnh Tiền Giang thông qua Hội Làm vườn huyện Cai Lậy cũng đã xây dựng thương hiệu “Sầu riêng Cai Lậy”, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2019. Ước tính, toàn vùng hiện có khoảng 14.000 ha sầu riêng chuyên canh.
Đã vào chính vụ thu hoạch Sầu riêng, giá thương lái thu mua bị sụt giảm nhưng nhà vườn Tiền Giang vẫn có lãi hơn 10 nghìn/kg. Ảnh minh họa
Hiện tại, vườn sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang bước vào thu hoạch rộ. Đối với giống Ri 6 nhà vườn bán được 40 nghìn đồng/kg, các loại giống khác tăng hơn 10%. So với tháng trước trái sầu riêng giảm hơn 15 nghìn đồng/kg, tuy nhiên nhà vườn vẫn có lãi từ 10-15 nghìn đồng/kg. Giá sầu riêng giảm mạnh do vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng có tăng; trong khi đó thị trường xuất khẩu tiêu thụ chậm.
Ông Dương Văn Đây, chủ 2ha vườn cây sầu riêng trên 10 năm tuổi tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy vừa thu hoạch vườn sầu riêng đợt 1 chia sẻ: “Tôi mới bán 12 tấn, giá trái Ri6 chỉ có 40 nghìn đồng/kg, giá trái tháng trước 55-60 nghìn đồng/kg. Chắc do sản lượng đợt này nhiều, với lại phẩm chất trái sầu riêng đợt này bị cháy múi dữ lắm, không đạt. Giá sầu riêng 40 nghìn đồng/kg kiếm ăn được, lãi từ 10-15 nghìn đồng/kg”.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết với năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ ha và giá bán dao động trong khoảng từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, mỗi ha sầu riêng cho nông dân lợi nhuận ròng từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng/ ha, cao nhất so với các cây ăn quả đặc sản khác của địa phương như thanh long, bưởi da xanh hoặc lúa năng suất cao, rau màu…
Tuy nhiên, do chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch nên giá tiêu thụ sầu riêng Tiền Giang cũng hết sức bấp bênh. Trong năm, có nhiều đợt tăng giá rồi sụt giảm, mất giá đan xen nhau khiến nhà vườn trồng sầu riêng luôn lo lắng trước nguy cơ “được mùa – mất giá”. Gần đây, tiêu thụ nội địa khá mạnh qua mạng lưới thương lái bán lẻ, bán qua sàn thương mại điện tử… cũng mở ra hướng khả thi về tháo gỡ nút thắt đầu ra cho trái sầu riêng đặc sản Tiền Giang.
Công Duy (tổng hợp)