Thị trường

Đắk Lắk: Cảnh báo thương lái ép giá sầu riêng

Nguyên Đức - 15:16 13/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mưa kéo dài đang khiến các vườn sầu riêng tại Đắk Lắk chuẩn bị vào chính vụ thu hoạch trở nên điêu đứng bởi tình trạng “ngậm nước” làm giảm chất lượng trái. Lợi dụng điều này, nhiều thương lái lại bắt đầu ép giá nông dân, đẩy cơ hội đầu ra cho loại nông sản này vào thế khó khăn.
TIN LIÊN QUAN

Theo một số hộ nông dân ở xã Ea Kênh (Krông Pắk, Đắk Lắk), tình trạng thương lái ép giá lại đang tái diễn, chủ yếu với lý do sầu riêng “bị sượng” do ngấm nước mưa, chất lượng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thay cho những mức giá thỏa thuận có thể đến 40 – 60 ngàn đồng, các thương lái đang đẩy giá sầu riêng bình quân còn mức 8 – 10 ngàn đồng/kg trái tươi.

Kịch bản thường niên…

Trên thực tế, chuyện thương lái ép giá nông dân khi vào chính vụ không hề mới, mà là kịch bản thường niên diễn ra. Mùa vụ sầu riêng ở địa phương diễn ra từ sau tháng 8 đến tháng 11, được coi là mùa vụ “nghịch trái” so với mùa vụ các nơi, do đó, Đắk Lắk có thể bán sầu riêng đúng lúc các nguồn cung khác bị gián đoạn, một lợi thế riêng của địa phương. Song thời gian này, địa bàn cũng thường có mưa kéo dài, dẫn đến khả năng trái sầu riêng “ngậm” nước. Như thế, người trồng sầu riêng Đắk Lắk luôn “hên xui” với thời tiết mùa vụ. Năm nào đến đợt thu hoạch mà nắng ráo, nông dân sẽ thắng, còn mưa dầm dề thì bị thiệt hại. Các thương lái theo đó, sẵn sàng ép giá nông dân khi thời tiết xấu, có năm sầu riêng rụng chỉ còn từ 2 – 3 ngàn đồng/kg trái tươi.

Năm nay, xu thế giá sầu riêng đột phá tăng cao, đa số nông dân tin sẽ “trúng mùa được giá”. Song mấy tháng qua, nắng nóng bất lợi, tiếp đến mùa mưa lại là cảnh mưa gió liên tục, đã biến nhiều vườn sầu riêng đang trẩy trái đẹp thành thảm họa, trái rụng nhiều và chất lượng giảm nghiêm trọng.

Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, hiện tại thời tiết đã diễn biến tích cực hơn, các nhà vườn đỡ lo, hy vọng vào chính vụ sẽ có nhiều nắng giúp sầu riêng hồi quả. Địa phương cũng đang đua nước rút chuẩn bị cho lễ hội sầu riêng lần thứ 2, mong tạo cơ hội giúp nông dân kết nối, quảng bá thương hiệu sầu riêng Krông Pắk đi các nơi.

Tuy nhiên, diễn biến từ các thương lái vẫn thiếu tích cực, vấn nạn ép giá thu mua lại diễn ra. Nhiều vườn sầu riêng đã đến lúc chín, vẫn bị thương lái “treo”, không đưa người vào cắt và vẫn ghìm giá rất thấp. Địa phương đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, song tình hình chung vẫn vướng mắc nhiều. Giải pháp chính của địa phương là kiểm soát các điểm thu mua, yêu cầu đảm bảo tiêu chuẩn kho hàng, xử nghiêm nạn dùng hóa chất với sầu riêng… để các thương lái có trách nhiệm hợp tác hơn; song về cơ bản, thương lái “thuận mua vừa bán” nên rất khó xử lý dứt điểm các vi phạm. Hơn nữa, bản thân nhiều cơ sở thu mua, các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu cũng thông qua thương lái tổ chức thu gom, gặp đúng tình cảnh sầu riêng “sượng nước” cũng không thể hỗ trợ nông dân được.

Cần những chiến lược bền vững

Bà Minh Trinh cho rằng, bối cảnh nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa chỉ có thể chấm dứt, khi người nông dân canh tác được tạo các điều kiện tốt về chấp hành các quy trình canh tác khoa học và diện tích lớn; nâng cao ý thức về hợp tác liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo những chiến lược đầu tư xuất khẩu sầu riêng, nông sản ổn định. Chỉ có cách định hướng đúng vai trò doanh nghiệp, có chính sách minh bạch giúp doanh nghiệp thuận lợi làm ăn, tổ chức liên kết sản xuất với nông dân theo đúng các mùa vụ, mới bảo đảm được các hợp đồng xuất khẩu giá trị cao. Mà điều này, không thể chỉ do một huyện là tổ chức được, và cũng không thể chỉ xây dựng một chiến lược cho riêng cây sầu riêng mà thôi.

Đồng thời, để khai thác tốt lợi thế mùa vụ “lệch” của sầu riêng Đắk Lắk, nông dân rất cần được tiếp cận, sử dụng những giải pháp, công cụ hỗ trợ chất lượng nông sản xuất khẩu. Cụ thể, thị trường có các loại máy móc giúp hút ẩm, giảm lượng nước trong trái sầu riêng tươi, nhưng để đầu tư phải có hoạch định từ các doanh nghiệp có vốn lớn và hướng đầu tư bền vững. Điều này yêu cầu chính quyền phải xem xét, có các chủ trương thuận lợi để mời gọi, xúc tiến đầu tư vào địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp làm ăn, mới thu hút được các nguồn đầu tư ổn định, nhất là vốn tư nhân và FDI tại địa bàn.

Cuối cùng, giải pháp tốt nhất cho sản xuất, xuất khẩu nông sản giá trị cao cho toàn vùng nông nghiệp Tây Nguyên, vẫn là giải cho được bài toán đầu tư chiều sâu vào năng lực thu hoạch, bảo quản và chế biến. Hàng hóa nông sản chỉ được tiêu thụ tốt, tăng giá trị, khi các công đoạn tạo chuỗi giá trị được thực thi, mô hình kinh tế tuần hoàn được tuân thủ. Đó là, các vùng nông sản lớn phải được đầu tư các hệ thống kho bãi lớn, quy trình máy móc thu hoạch, bảo quản được triển khai; giúp người nông dân giữ được nông sản khi đúng mùa và bán ra khi giá trị thị trường tăng cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì những hoạch định đầu tư này, cùng các Viện nghiên cứu khoa học và tìm hiểu thị trường có các chính sách, kế hoạch đầu tư dài hạn và trung hạn, tháo gỡ khó khăn cho các vùng nông sản trước áp lực sản lượng tăng mà bảo quản kém. Vai trò các tổ chức dẫn dắt như Hội Nông dân cũng phải được thúc đẩy, tạo điều kiện gắn kết nông dân làm quen với các mô hình tự động hóa, canh tác với diện tích lớn, vùng chuyên canh lớn… Nếu những yêu cầu này được tính toán triển khai đồng bộ và hiệu quả, câu chuyện người nông dân lao đao trước thời tiết mùa vụ và bị thương lái ép giá mới hy vọng được chấm dứt.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác