Dự kiến xuất khẩu sầu riêng năm 2024 có thể đạt hơn 3 tỷ USD
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Nhập khẩu đạt 20,92 tỷ USD. Cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản đạt thặng dư 8,28, tỷ USD.
Năm 2024, ngành nông lâm thủy sản phấn đấu tăng trưởng GDP toàn ngành 3,2 - 4,0%. Trong đó, giá trị trồng trọt tăng 2,0 - 2,2 %; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 4,0 - 5,0%; giá trị sản xuất thủy sản tăng 3,7 - 4,0%; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 5,0 - 5,5%. Để đạt được mục tiêu này, theo đại diện các hiệp hội ngành hàng, cần rất nhiều nỗ lực về quản lý lẫn năng lực sản xuất.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng, trong năm 2024 ngành rau quả sẽ có những kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu, ước tính đạt 6,5 - 7 tỷ USD . Sầu riêng là mặt hàng mang nhiều kỳ vọng, khi 6 tháng đầu năm, đã thu về 1,3 tỷ USD, dẫn đầu giá trị xuất khẩu của nhóm rau quả. Giá xuất khẩu của mặt hàng này tăng mạnh 6 tháng qua, dao động 110.000 – 115.000 đồng/kg.
Hiện nay, giá nội địa của sầu riêng tại khu vực Tây Nguyên đạt khoảng 100.000 đồng/kg, kỳ vọng sẽ giúp giá trị xuất khẩu loại quả này bứt phá hơn trong năm nay. Đến cuối năm, dự kiến xuất khẩu sầu riêng có thể đạt khoảng 3 tỷ USD, thậm chí có thể đạt 4 tỷ USD, mang lại nguồn thu lớn cho Việt Nam nói chung và các hộ trồng sầu riêng nói riêng.
Để đạt được kết quả này, theo ông Nguyên cần có những tiêu chuẩn nhất định cho riêng đối với quả sầu riêng. Thực tế gần đây một số lô sầu riêng của Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo về chất lượng. Điều này thể hiện sự cần thiết trong việc quản lý ngành sầu riêng một cách bài bản, để duy trì vị thế, uy tín của ngành trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyên đề xuất, Bộ nên xây dựng một tiêu chuẩn chất lượng riêng cho sầu riêng xuất khẩu, phải có cơ chế pháp lý quản lý cụ thể, để các địa phương áp dụng chuẩn hóa ngay tại vùng trồng, cho tới khâu thu mua, đóng gói. Ngoài chú trọng xuất khẩu, vấn đề nội địa cũng cần được quan tâm. Đối với ngành rau quả, làm tốt ngay từ nội địa chính là cách để ngành phát triển bền vững. Cần siết chặt cơ chế kiểm soát chất lượng nội bộ trong doanh nghiệp, để sản phẩm ra thị trường đảm bảo chất lượng trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Chí Công Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết: Vấn đề đảm bảo an toàn trong chăn nuôi mặc dù được bộ, ngành quan tâm, nhưng cần sát sao với thực tế. Thực tế trong ngành là vacxin phòng dịch tả heo châu Phi, dù đây là tiến bộ lớn của ngành, nhưng khi áp dụng xuống các trang trại tỷ lệ bảo vệ không cao. Nguyên nhân là do, muốn vacxin phát huy tác dụng phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe chứ không chỉ là các khuyến cáo thông thường đang được tuyên truyền.
Theo ông Công, nếu không sớm khắc phục vấn đề tăng hiệu quả vacxin phòng dịch tả heo châu Phi, sẽ gây ảnh hưởng tới tổng diện tích đàn và cả giá thịt heo khi đi ra thị trường. Cơ quan bộ, ngành cần tính toán tới việc cân bằng thị trường, nhất là vấn đề nhập khẩu.
Chúng ta không thể cấm nhập khẩu thịt, nhưng phải tính toán tới tiêu chuẩn, cần có tiêu chí nhập khẩu hàng chính phẩm. Cần nâng cao tiêu chí kiểm soát chất lượng. Nếu như ngành Chăn nuôi trong nước có rất nhiều quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm, thì nhập khẩu phải gắt gao tương đương như vậy.
Trước những khó khăn và kiến nghị của các Hiệp hội, ông Lê Viết Bình, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phía Nam cho biết: Bộ đã ghi nhận và tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội. Hiện nay câu chuyện truy xuất nguồn gốc đang là vấn đề được các ban ngành quan tâm, nhất là khi các điều kiện kỹ thuật liên quan đến truy xuất nguồn gốc được nhiều quốc gia gắn với trách nhiệm môi trường - xã hội, bản thân doanh nghiệp cần chú trọng để định hướng phát triển bền vững.
Tại buổi gặp gỡ, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tình hình thích ứng khí hậu dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng năm 2023 và 2024, mùa khô có những đặc điểm phức tạp như thời gian kéo dài, mặc dù có những cơn mưa nhưng không ổn định. Nguồn nước của sông Mêkông về trong mùa khô ít hơn. Việc này còn làm xâm nhập mặn sâu hơn trong đất liền, thời gian kéo dài, nồng độ mặn cao, tuy nhiên không ảnh hưởng quá nặng nề đến trồng trọt, chăn nuôi.
Trong những tháng cuối năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo sản xuất lúa vụ Hè Thu, vụ Thu Đông và vụ Mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường. Theo dõi sát sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực để có chỉ đạo rải vụ phù hợp, tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận an toàn.
Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; Phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước, khí tượng thủy văn để triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.