Số hóa để OCOP nâng tầm và lan tỏa
Tăng tốc lộ trình số hóa OCOP
Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Các sản phẩm khi đáp ứng được các tiêu chí đánh giá phân hạng sẽ dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng, các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.
Thực tế cho thấy, mặc dù công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đã được chú trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên nhiều chủ thể còn chưa biết cách khai thác lợi thế của mạng xã hội.
Một số sản phẩm OCOP đã tham gia các sàn thương mại điện tử phổ biến hiện nay nhưng hiệu quả bán hàng khá thấp. Người bán gặp khó khăn trong quá trình đưa sản phẩm lên sàn còn người tiêu dùng mới chỉ bắt đầu nhận biết chứ chưa thực sự hiểu và đánh giá cao những sản phẩm gắn nhãn hiệu OCOP. Do vậy, đẩy nhanh lộ trình số hóa OCOP sẽ không chỉ tạo thuận lợi trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mà công tác quản lý cũng đồng bộ hơn.
Tại tỉnh Quảng Nam, vấn đề số hóa các sản phẩm OCOP thời gian qua được triển khai khá hiệu quả. Ông Nguyễn Phi Hồng - Chi cục NN&PTNT Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đã đầu tư khá lớn vào việc định danh cho sản phẩm OCOP của tỉnh từ việc công bố, chứng nhận chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc...
“Giai đoạn 2018 - 2020, chúng tôi hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc cho 177 sản phẩm; hỗ trợ công bố chất lượng, chứng nhận chất lượng cho 127 sản phẩm; hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 163 sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện đã có 162 sản phẩm OCOP hoàn thành việc đăng ký nhãn hiệu thông thường, đăng ký mã số mã vạch và tiến hành xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử cũng như các hội chợ, triển lãm” - ông Hồng nói.
Trong năm 2021, Quảng Nam có 110 sản phẩm tham gia OCOP. Sau khi thông qua việc đánh giá xếp hạng sản phẩm, Ban Chỉ đạo chương trình OCOP sẽ tiến hành hỗ trợ các sản phẩm này gắn tem OCOP cũng như xúc tiến thương mại thông qua các sàn điện tử. Cùng với đó, các sở ngành sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP phổ biến hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch, tiêu chuẩn cơ sở cho các đơn vị sản xuất OCOP sử dụng mã số, mã vạch.
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy chuyển đổi số đã và đang được xem là bệ phóng cho các sản phẩm OCOP trong giai đoạn tới. Nhìn nhận về xu hướng này, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Phát triển chương trình OCOP giai đoạn tới cần theo hướng kinh tế tuần hoàn trong nông thôn, bảo đảm hiệu quả, bền vững theo sáu nội dung: Quản lý được tài nguyên bền vững và bảo tồn được đa dạng sinh học; Xây dựng được chương trình phát triển thực phẩm bền vững; Nâng cao năng lực chế biến quy mô vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện mỗi địa phương; Bảo đảm được chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ; Bảo tồn phát triển ngành nghề nông thôn gắn với vùng nguyên liệu; Phát triển du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, theo ông Trần Thanh Nam, cần xây dựng Trung tâm sáng tạo tại mỗi địa phương theo hướng xã hội hóa phục vụ thúc đẩy chương trình OCOP... Đây được xem là những định hướng quan trọng để các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong phát triển OCOP.
Tập huấn cho 2.000 chủ thể chuyển đổi số
Từ sự cấp thiết trong chuyển đổi số các sản phẩm OCOP và quy trình thực hiện OCOP, từ đầu tháng 11/2021, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã chủ trì tổ chức chuỗi tập huấn về "Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP". Chương trình có sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với hơn 2.000 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã tại thôn, bản.
Hoạt động này nhằm tăng cường hiệu quả của việc triển khai chương trình OCOP theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh bình thường mới; trên cơ sở đón nhận yêu cầu của các chủ thể OCOP.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, các lớp tập huấn với mục đích hỗ trợ những kỹ năng và cách làm cụ thể với 9 chuyên đề tập trung vào 3 nhóm nội dung chính. Cụ thể là hướng dẫn kỹ năng về thiết kế, sáng tạo trong phát triển sản phẩm OCOP; Hướng dẫn về quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trong môi trường số; Đẩy mạnh và bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương nhận định: "Chủ đề xuyên suốt của đợt tập huấn lần này chính là chuyển đổi số. Cùng với sự hỗ trợ của Tổ công tác 1034 (Bộ Thông tin Truyền thông) cũng như các chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số thì chúng ta sẽ tập trung chia sẻ lắng nghe trao đổi trọng tâm chuyển đối số trong chương trình OCOP từ vấn đề thiết kế, quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm".
"Ở đây, chúng tôi sẽ đi từ vấn đề hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp từ vấn đề kiến thức tổng quan về chuyển đổi số rồi đến vấn đề về kỹ năng, năng lực về chuyển đổi số. Từ ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá mẫu mã, bao bì, thiết kế, giới hạn… trên cơ sở đó chúng ta sẽ cung cấp và số hóa các dữ liệu và nâng cao kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử. Cùng song hành trong chuỗi tập huấn này thì tổ công tác 1034 đã hỗ trợ chúng tôi để có kết nối với 3 sản thương mại điện tử sẽ tham gia trực tiếp trong lớp tập huấn từ sản voso.vn, postmart.vn, lazada.com", ông Tiến cho biết.
Ông Nguyễn Minh Tiến khẳng định, chúng ta đã và đang có lợi thế về việc phát triển số lượng cũng như quy mô sản phẩm rất nhanh. Nếu chúng ta không hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ thì chúng ta cũng sẽ tiếp tục mù mờ về thông tin. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ không nắm được hết tất cả các quy trình sản xuất, công suất, năng lực của từng chủ thể. Các chủ thể cũng không hiểu được các sàn giao dịch cần gì, người tiêu dùng cần gì? Thì chúng ta sẽ bị đứt gãy về mặt thông tin.
Đánh giá cao sức mạnh của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam nói chung và OCOP nói riêng, ông Tony Harman, Tham tán nông nghiệp Sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng, việc đưa các sản phẩm OCOP tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử là cơ sở quan trọng để mở rộng các kênh phân phối, giúp các chủ thể tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ khả năng chuyển đổi cơ cấu, nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân./.
*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương.