Sôi động làng làm cá khô vùng đảo ngày giáp Tết
Tại đây, bà con sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản và sản phẩm đánh bắt được ngoài cung cấp hải sản tươi cho thị trường, bà con còn làm khô và từ đó hình thành nên làng nghề làm cá khô trên xã đảo nhiều năm nay.
Tại Tổ thu mua hải sản và chế biến cá khô ở tổ 7, ấp Bãi Ngự của bà Lê Thị Huệ có hơn 10 công nhân đang miệt mài với công việc. Mỗi người phụ trách một công đoạn, người rửa cá, xẻ cá, người tẩm ướp gia vị và đóng gói thành phẩm… Cá khô ở đây chủ yếu là khô cá nhồng, cá chỉ vàng, cá cơm. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các cơ sở chế biến, kinh doanh cá khô tại đảo cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, đối với các cơ sở làm ăn lâu năm như bà Huệ thì nguồn hàng và khâu tiêu thụ luôn ổn định.
“Bình quân một tháng xuất hơn 10 tấn cá khô. Trừ chi phí thì 1 kg cá chủ cơ sở có thể lời ròng trên 20 ngàn đồng/kg. Chuẩn bị cho dịp tết nguyên đán này thì chúng tôi đã chuẩn bị hàng sẵn. nhu cầu cần thì chúng tôi cung cấp đủ cho các vựa khác sỉ lại để bán lẻ” - bà Huệ nói.
Theo bà Huệ, nghề làm khô, mỗi nơi một bí quyết vì thế các cơ sở đều có lượng khách riêng. Cá khô ngon dở tùy vào “tay nghề” của người thợ rửa cá và ướp cá. Người rửa cá phải rửa thật sạch, còn người ướp muối phải có kinh nghiệm để cho ra mẻ khô vừa ăn, không quá mặn mà cũng không quá lạt đảm bảo tỷ lệ 10:1 (tức 10kg cá – 1kg gia vị gồm bột ngọt, muối, đường, bột ớt). Hơn nữa, nguồn cá tươi quyết định chất lượng sản phẩm và nhất định phải phơi nắng tự nhiên chứ không hấp, sấy sẽ làm giảm độ ngon của khô.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhị ở Bãi chệt, ấp Củ Tron, xã An Sơn có kinh nghiệm làm nghề xẻ cá khô gần 10 năm, cơ sở của chị chuyên cung cấp các loại cá như: Khô cá đuối đen, cá rún, cá khoai, cá lù đù, lưỡi trâu, cá đỏ. Với 50-60 kg nguyên liệu cá tươi cho thành phẩm từ 15-20kg khô. Giá bán trung bình từ 150.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại cá và kích cỡ cá.
Mùa Tết năm nay, ngoài việc phục vụ cho thị trường trong tỉnh, chị còn phục vụ cho nhu cầu của người dân các tỉnh, thành lân cận, nhất là thị trường TPHCM… Hiện chị Nhị đang tập trung ráo riết sản xuất để kịp cung ứng thị trường Tết.
“Khách người ta lấy đi mối hàng đã quen rồi. Tết tôi có gì thì khách lấy cái đó, làm cá thu nhập cũng tạm ổn” - chị Ngọc chia sẻ.
Ở xã đảo An Sơn, người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản vì vậy việc làm cá khô gắn với đánh bắt thủy hải sản đã tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Đây cũng là thế mạnh và là một trong những mặt hàng chủ lực, phát triển kinh tế của ngư dân ven biển. Để nghề làm khô phát triển bền vững, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở và hộ gia đình sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Quốc Lịnh, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn, huyện Kiên Hải cho biết: “Năm 2022, UBND xã đã triển khai kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế bền vững của xã, tập trung vào các ngành mũi nhọn lợi thế của xã như du lịch, đánh bắt thuỷ hải sản để làm đòn bẩy tạo sự phát triển kinh tế của địa phương được bền vững”.
Cá khô tuy là món ăn dân dã nhưng lại mang đậm nét văn hóa độc đáo trong đời sống của người miền Tây Nam Bộ và nhất là người miền biển Kiên Giang. Nghề làm khô ở xã đảo An Sơn, huyện Kiên Hải là nghề mũi nhọn phát triển kinh tế của ngư dân địa phương. Chính quyền sẽ kêu gọi những dự án đầu tư vào làng nghề để giúp các chủ cơ sở sản xuất, hộ gia đình có điều kiện được vay vốn ưu đãi, tiếp cận công nghệ, thiết bị chế biến sản phẩm hiện đại. Đặc biệt, công tác hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm./.
Theo VOV