Sơn La: Sắc màu Ngày hội hoa Sơn Tra
Ngày hội sắc màu hoa Sơn Tra - Mường La
Tới dự Khai mạc có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Sơn La; lãnh đạo huyện Mường La; lãnh đạo một số huyện của tỉnh Yên Bái và tỉnh Sơn La trong vùng liên kết với huyện Mường La; cùng đông đảo bà con nhân dân và du khách.
Theo đó, ngày hội hoa Sơn Tra năm 2024 diễn ra các hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu gian hàng sản phẩm nông nghiệp, văn hóa, sản phẩm OCOP, thi ẩm thực cộng đồng, trưng bày ảnh đẹp văn hóa, du lịch vùng Tây Bắc, các trò chơi dân gian, trình diễn bay dù lượn... Tất cả các hoạt động này được tổ chức tại sân vận động xã Ngọc Chiến.
Ngoài ra tại bản Nậm Nghẹp, tổ chức trại sáng tác với chủ đề “Lạc trôi dưới rừng Sơn Tra”, trang trí không gian quảng bá hoa Sơn Tra, hội thi giã và làm bánh papa truyền thống dân tộc Mông; tổ chức các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc Mông; chương trình giáo lưu nghệ thuật đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, các hoạt động trải nghiệm ngắm hoa Sơn Tra.
Tại Lễ Khai mạc Ngày hội hoa Sơn Tra năm 2024 đã diễn ra Chương trình nghệ thuật "Nhớ mùa hoa Sơn Tra", với những tiết mục hát, múa đặc sắc được dàn dựng công phu thể hiện tình yêu, lòng biết ơn với Đảng, với Bác Hồ, với quê hương, đất nước và đặc biệt khắc họa vẻ đẹp riêng có của mảnh đất, con người Ngọc Chiến nói riêng, Mường La nói chung.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, ông Phùng Mạnh Hiệp – Chủ tịch UBND huyện Mường La (Sơn La) cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường La lần thứ 21, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định du lịch là khâu đột phá đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển; từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong đó trọng tâm xây dựng điểm du lịch xã Ngọc Chiến thành điểm kết nối du lịch khu vực.
Với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, du lịch ở xã Ngọc Chiến đã và đang hình thành, phát triển và ghi dấu ấn đậm nét trong lòng đông đảo du khách. Nhiều sản phẩm du lịch đã được xây dựng, trong đó không thể không kể đến Ngày hội hoa sơn tra được tổ chức thường niên.
Ngày hội là dịp để du khách gần xa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa mang tên Sơn Tra, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Mường La nói chung, xã Ngọc Chiến nói riêng, để cảm nhận rõ hơn về một Mường La thân thiện, mến khách. Con người Mường La kiên cường, bất khuất trong kháng chiến, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất; luôn mang trong mình tình yêu quê hương và một ý chí khát vọng vươn lên xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Xác nhật Kỷ lục Ngọc Chiến có vườn hoa sơn tra lớn nhất Việt Nam
Tại buổi lễ, Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã trao Chứng nhận xã Ngọc Chiến có rừng hoa sơn tra lớn nhất Việt Nam. Theo đó, ở độ cao trên 2.000m, những cây Sơn Tra cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cứ mỗi độ Xuân về lại khoe sắc trắng tinh khôi, trải khắp trên các sườn núi tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp, thơ mộng, duyên dáng, như những thiếu nữ vùng sơn cước vậy.
Cây Sơn Tra hay còn gọi là (cây táo Mèo), một loại quả có vị chua chát, hơi ngọt, là một trong những vị thuốc Bắc. Hoa Sơn Tra có màu trắng ngà, chứ không trắng muốt như hoa mơ, mận, lê, nhụy màu vàng, bông hoa to, hoa có 5 cánh, là cây thân gỗ, nên có nhiều cây có tuổi đời lên tới cả trăm năm tuổi, cổ thụ sừng sững hiên ngang bên những vách núi nơi miền sơn cước.
Cứ mỗi độ tháng 3 về, khi mùa Xuân vừa thức giấc sau mùa Đông giá lạnh, thời tiết cũng ấm dần lên cùng với vũ điệu của hoa mơ, hoa mận, hoa ban, thì hoa Sơn Tra lại nở trắng rừng và trên các cung đường. Bản mường bình yên trở nên thơ mộng, xao xuyến lòng người. Đây cũng là mùa hẹn của du khách đến với Mường La, miền quê của hoa Sơn Tra để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi, thuần khiết của loài hoa mang trong mình sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người nơi đây.
Về xã Ngọc Chiến, du khách không thể không đến bản Nậm Nghẹp, một bản nhỏ nằm trên dãy núi cao hung vỹ với độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Nơi đây mùa Đông lạnh giá, còn mùa Hè mát mẻ. Thời điểm này, những cây Sơn Tra bước vào vụ đơm hoa kết trái. Cả bản lại được phủ một màu trắng đặc trưng. Đây cũng là thời điểm thích hợp để những du khách tìm đến những đồi Sơn Tra để trải nghiệm và lưu giữ khoảng khắc đáng nhớ. Kết thúc mùa hoa, cây sơn tra sẽ kết quả và cho thu hoạch vào tháng 9, tháng 10. Quả sơn tra được bà con bán ra để làm thuốc, các loại đồ uống.
Bản Nậm Nghẹp cũng chính là một cung đường mới để chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, ngọn núi cao thứ 7 tại Việt Nam. Cung đường tới Nậm Nghẹp vẫn còn khá hoang sơ, từ Ngọc Chiến lên đến bản chủ yếu là đường đất đá, dốc ngoằn ngoèo, thẳng đứng. Tại đây người dân có dịch vụ đưa đón khách tham quan bằng xe máy giúp cho chuyến tham quan của du khách thuận tiện, an toàn hơn.
Một số hình ảnh trong Ngày hội hoa Sơn Tra năm 2024 ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La.