Nhà nông với khoa học, kỹ thuật
Kiều Thanh Tâm - 07:45 10/10/2024 GMT+7
nhãn sông mã

Được sự chỉ dẫn của ông Lê Văn Quân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Mã, chúng tôi tìm đến vườn nhãn của anh Lường Văn Mười trú tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Anh Mười là 1 trong số 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024. Trên địa bàn huyện Sông Mã, mô hình trồng nhãn của anh Mười là mô hình kinh tế tiêu biểu trong phát triển cây ăn quả, được nhiều người đến xin tham quan, học tập kinh nghiệm. 

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Mười chia sẻ: Những thành quả có được ngày hôm nay của cá nhân tôi cũng như nhiều người trồng nhãn Sông Mã là nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình canh tác, sản xuất. 

Vườn nhãn của anh Mười nằm trên sườn dốc, vốn là nương rẫy của gia đình từ rất nhiều năm về trước. Để đến được với vườn nhãn, chúng tôi phải 2 lần vượt qua suối, leo lên những con dốc cao. Tuy khá vất vả nhưng chúng tôi ai nấy cũng thấy xứng đáng khi được tận mắt chứng kiến vườn nhãn đẹp như tranh của anh Mười. Trải dài trên sườn đồi là những hàng nhãn xanh mướt, cây nhãn xoè tán tròn xoe, được trồng ngay ngắn theo hàng lối theo những cung bậc thang. Vườn nhãn của anh Mười được làm cỏ sạch sẽ, thông thoáng; từng gốc nhãn được xới xáo cẩn thận. Giữa mỗi tán cây nhãn, anh Mười lắp 1 béc phun nước, các béc này được nối với nhau bởi những ống nước to, dài chạy khắp vườn, tạo thành mạng lưới tưới ẩm tiện lợi và hiệu quả. 

nhãn sông mã 4
Nhờ ứng dụng công nghệ số, anh Lường Văn Mười đã sở hữu vườn nhãn với nhiều giống quý, có giá trị kinh tế cao như nhãn Miền Thiết, nhãn T6 chín sớm và nhãn Ánh Vàng...

Giới thiệu với chúng tôi về cơ ngơi của mình, anh Mười kể lại: “Từ mấy chục năm trước, khu vườn này đã được cha mẹ tôi trồng nhãn nhưng chủ yếu là giống nhãn cỏ, quả bé, năng suất thấp, cùi mỏng nên ăn không ngon, bán không được giá. Hồi ấy, thị trường hoa quả của Sơn La cũng chưa sôi động, người trồng nhãn không tránh khỏi điệp khúc lao đao vì “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, nên tôi cũng phá bỏ cây nhãn. Đến năm 2017, tìm hiểu thông tin qua báo, đài và được các cơ quan chính quyền, các cấp Hội Nông dân huyện, xã tuyên truyền, vận động trồng cây ăn quả trên đất dốc; được tập huấn về kỹ thuật trồng nhãn, được giới thiệu về những giống nhãn rải vụ, cho ra năng suất cao, gia đình tôi mới tái trồng vườn nhãn như hiện nay”. 

Ngày ấy, nhờ các nguồn thông tin từ Internet, mạng 3G của Sơn La phát triển, anh Mười đã tiếp cận được với giống nhãn Miền Thiết chín muộn. Đây là giống nhãn cho ra nhiều quả, quả to, trái mọng nước. Đặc biệt, với giống nhãn Miền Thiết, vụ thu hoạch có thể kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9, tháng 10. Thấy thế, anh Mười mạnh dạn đầu tư phát triển giống nhãn Miền Thiết. Tham gia thêm các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nhãn, anh Mười biết đến kỹ thuật xử lý cho ra hoa trái vụ, có thể điều chỉnh thời gian thu hoạch như ý muốn. Thấy được tiềm năng, lợi thế của nhãn trái vụ, có thể cho thu nhập cao hơn nhiều so với nhãn chính vụ, anh Mười lao vào tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình trồng nhãn trái vụ trên Internet: Cách thức xử lý đất trồng, phân bón, chăm sóc hoa, độ ẩm, bí quyết kéo dài thời gian sinh trưởng, kéo dài mùa thu hoạch…

Nắm được kỹ thuật mới, anh Mười nhanh chóng áp dụng vào vườn nhãn của gia đình. Theo lời kể của anh Mười, gia đình anh đã trồng và thử áp dụng kỹ thuật cho cây ra hoa trái vụ với nhiều giống nhãn: Từ nhãn cỏ đến nhãn Miền Thiết, cả nhãn Ido và nhãn T6. Mỗi khi thử nghiệm trên một giống nhãn mới, anh Mười lại dùng điện thoại để lưu lại hình ảnh, thông tin về hiệu quả áp dụng kỹ thuật. Từ những dữ liệu đó, anh Mười nhận thấy nhãn T6 là giống nhãn cho ra hiệu quả kinh tế cao nhất, có thể điều chỉnh được thời gian ra hoa, mùa vụ thu hoạch trái ngược hoàn toàn với quy luật sinh trưởng của nhãn trước đây mà vẫn đảm bảo được năng suất, chất lượng quả. Giống nhãn T6 lại được ưa chuộng trên thị trường bởi quả có cùi dày, hạt nhỏ, ráo cùi, sáng mã, nhìn bề ngoài bắt mắt. 

nhãn sông mã 5
Anh Lường Văn Mười làm chủ kỹ thuật xử lý vườn nhãn ra hoa trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Bên cạnh nhãn T6, vườn của anh Mười cũng đang nhân rộng giống nhãn Ánh Vàng 205, là giống nhãn được Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam mang lên ghép khảo nghiệm. Cây nhãn Ánh Vàng 205 có lá to, dày, cây khỏe, phát triển tốt trên đất Sông Mã. Quả nhãn Ánh Vàng có màu đặc trưng, cùi nhãn màu hanh vàng, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt, có hương thơm rất riêng. Sản phẩm nhãn tươi sau khi phân phối trên thị trường, đã được nhiều khách hàng phản hồi tích cực. 

Sau 7 năm dồn trí, dồn lực đầu tư vào cây nhãn, đến nay, vườn nhãn của anh Mười có quy mô 5ha; trong đó có 2ha nhãn T6 chín sớm, 2ha nhãn Ánh Vàng giống mới và 1ha đang cải tạo từ nhãn Miền Thiết sang nhãn chín sớm. Hàng năm, anh Mười có thể thu hoạch quả nhãn từ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, không bị trùng với mùa trái khác, lại tránh được cao điểm của mùa nhãn chính vụ. Mỗi ha nhãn cho thu hoạch hơn 10 tấn quả, với giá nhãn trái vụ trung bình hơn 30.000VNĐ/kg, hàng năm, vườn nhãn đem lại cho gia đình anh thu nhập cả tỷ đồng. 

Nhìn lại những năm tháng qua, anh Mười tâm sự: Tôi đổi đời cũng nhờ biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn. Nếu là ngày xưa, đâu có dễ để người nông dân tiếp cận sớm với nhiều giống cây, kỹ thuật hay như bây giờ. Ngày nay thì chỉ cần có 1 chiếc điện thoại, tôi có thể cập nhật những kỹ thuật canh tác mới trên thế giới, theo dõi tin tức về nông nghiệp trên báo, đài, xin tư vấn từ các cán bộ, kỹ sư, các trung tâm giống, các trường đào tạo, giao tiếp với khách hàng... 

 

nhãn sông mã 2

Không muốn dừng lại ở kinh doanh nhỏ lẻ, anh Mười đã mạnh dạn kêu gọi những người cùng đam mê về cây nhãn để xây dựng chuỗi cung ứng, cùng phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn Sông Mã. Năm 2017, hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười được thành lập, tập trung phát triển trồng cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP. Anh Lường Văn Mười được tín nhiệm giữ chức Giám đốc HTX. Đến năm 2024, HTX có 14 thành viên, tổng diện tích cây ăn quả là 45ha; trong đó có 35ha nhãn, 10ha xoài đang được chuyển đổi sang nhãn. 

 

nhãn sông mã 7

 

Từ khi đi vào hoạt động, các thành viên HTX tích cực trao đổi, học hỏi, chỉ cho nhau cách làm hay và tìm hiểu, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong quá trình mày mò, học hỏi, nghiên cứu, các thành viên của HTX Hoa Mười đã làm chủ được công nghệ tưới tự động. Hệ thống vận hành nhờ pin năng lượng mặt trời, dẫn nước từ ao vườn qua hệ thống ống, béc phun để tưới đến từng gốc cây.

Năm 2023, HTX đã vay 500 triệu đồng tiền vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư vào hệ thống tưới tự động. “Công nghệ tưới tự động đang được HTX ứng dụng hiện nay trên các vườn nhãn, đã được tối ưu trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm. Sự cải tiến này không chỉ giúp chúng tôi giảm vốn đầu tư ban đầu mà còn nâng cao tính bền vững và hiệu quả hoạt động. Như 2ha nhãn mà nhà tôi đã lắp hệ thống tưới tự động chỉ hết 70 triệu đầu tư thiết bị lắp đặt; nếu tính cả công lắp đặt thì chi phí hết khoảng 85 triệu đồng. Lắp đặt xong, có thể dùng đến 10 năm”, anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười bảo vậy.  

Đầu tư công nghệ mới, thu nhập của các thành viên trong HTX cũng được nâng cao đáng kể. Anh Lò Văn Châm, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười phấn khởi: Có công nghệ tưới tự động, chúng tôi có thể chủ động quản lý việc tưới tiêu. Hệ thống tưới giúp chúng tôi tiết kiệm được lượng nước mà vẫn tưới ẩm được đầy đủ cho mỗi khóm cây, giảm bớt ảnh hưởng của khô hạn. Thay vì phải thuê 10 nhân công để tưới cây, nay chúng tôi chỉ cần 1 người để vận hành hệ thống. Nhất là trên địa hình đồi núi, đất dốc như ở Sông Mã, vào những năm khô hạn như năm nay, nếu tưới tay thì bao nhiêu nước cũng không đủ. 

nhãn sông mã 6
Nhờ tiếp cận công nghệ số, anh Lường Văn Mười cũng như nhiều hộ trồng nhãn khác của huyện Sông Mã, Sơn La đã đưa vào sử dụng hệ thống tưới ẩm tiết kiệm nhất và hiệu quả nhất cho cây trồng.

Theo anh Châm, sau khi áp dụng hệ thống tưới tự động, các thành viên trong HTX đã tăng 40% thu nhập. Chất lượng nhãn của HTX Hoa Mười cũng được nâng cao, nhãn cho quả sai hơn, to hơn, đẹp mã hơn, vị ngon hơn. “Như vụ nhãn vừa qua, rất nhiều nơi bị mất mùa nhãn do nắng hạn nhưng với những diện tích được tưới ẩm đầy đủ của chúng tôi thì ảnh hưởng không đáng kể. Đặc biệt là cây nhãn không bị chột, bị yếu”, anh Châm nói. 

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX Hoa Mười đã quảng bá nông sản trên nhiều nền tảng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok và trên kênh truyền thông của các báo, đài. Các thành viên trong HTX chủ động chia sẻ hình ảnh, thông tin về nông sản qua các trang mạng xã hội của mình. Từ những bài đăng trên mạng xã hội, cũng như những đường link dẫn tới thị trường, HTX Hoa Mười đã kết nối được với nhiều thị trường lớn, cả trong và ngoài nước. Có đối tác bên Đức đã liên hệ trực tiếp với HTX Hoa Mười để ký kết hợp tác sau khi vô tình tìm thấy bài đăng về HTX. Đến nay, nhãn của HTX Hoa Mười đã được phân phối tại các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ; xuất khẩu sang thị trường EU và hiện đang tiếp tục mở rộng sang thị trường Trung Quốc. Đầu ra cho sản phẩm nhãn của HTX thêm đảm bảo, giá nhãn bán được cao hơn so với mặt bằng chung, các thành viên tập trung sản xuất, bớt nỗi lo “được mùa mất giá”. 
nhãn sông mã 3Trên đất Sông Mã ngày nay, còn nhiều người trồng nhãn khác có tinh thần cầu tiến và đã thành công nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như anh Lường Văn Mười và các thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười. Đây chính là thành quả của huyện Sông Mã sau hơn 10 năm tích cực đổi mới, chuyển đổi cây trồng, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật đến với người nông dân.

Ông Lê Văn Quân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Mã cho biết: “Trong thời gian qua, trên cơ sở thế mạnh của địa phương; cấp ủy, chính quyền huyện, Hội Nông dân huyện Sông Mã đã chú trọng, thúc đẩy chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật đến với các hội viên nông dân trên toàn huyện nói chung, trong đó có các HTX và các hộ gia đình. Đặc biệt, trong trồng cây ăn quả, nhiều công nghệ đã được chuyển giao để hỗ trợ người nông dân nâng cao chất lượng nông sản, năng suất canh tác, từ đó nâng cao thu nhập”. 

Trong quá trình chuyển giao, có những công nghệ đã được nghiên cứu thay đổi để phù hợp với tập quán canh tác của bà con Sông Mã. Ví dụ như công nghệ tưới ẩm, tưới nhỏ giọt của Israel. Trước đây, khi lắp đặt công nghệ này, bà con chôn các ống ngầm dưới đất để dẫn nước tưới gốc cây. Tuy nhiên từ thực tế canh tác, bà con làm cỏ, làm đất có thể va chạm với đường ống chôn dưới đất gây vỡ, hỏng đường ống. Rút kinh nghiệm từ thực tế đó, bà con kéo đường ống lên trên cao và lên trên cây, lắp thêm các béc để tưới văng, nhỏ giọt dần xuống gốc. Thay đổi này vừa thuận lợi cho quá trình chăm sóc, vừa dễ xử lý những vấn đề liên quan đến đường ống dẫn nước, hạn chế làm hỏng ống trong quá trình canh tác. 

nhãn sông mã 7
Trong quá trình sản xuất và chế biến những sản phẩm từ nhãn, người dân Sông Mã đã vận dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu như tưới ẩm, thụ phấn, điều chỉnh thời vụ, sơ chế, sấy long nhãn... Ảnh: Văn Ngọc.

Người trồng nhãn Sông Mã giờ đây đã nắm được nhiều công nghệ, kỹ thuật hay. Mùa nhãn Sông Mã trong vài năm gần đây không chỉ gói gọn trong 2 tháng chính vụ. Từ mùa Xuân, sắc vàng hanh của hoa nhãn đã lấp ló trong những khu vườn. Vụ thu hoạch nhãn có thể kéo dài từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 9, tháng 10 với nhiều giống nhãn như T6, Ánh Vàng, Miền Thiết. Nông dân rải vụ dài hơn, nhãn bán được nhiều hơn, tránh được tình trạng dư thừa làm giảm giá thành nông sản. 

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Quang Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Sông Mã cho biết: Đến nay, huyện Sông Mã có gần 7.660ha nhãn, chiếm khoảng 70,4% diện tích cây ăn quả toàn huyện; trong đó diện tích cho thu hoạch là 6.884ha, sản lượng ước đạt 45.000 nghìn tấn. Trong đó, diện tích nhãn sản xuất trái vụ, rải vụ thực hiện được 910ha...

Đến nay, huyện Sông Mã đã có 50/74 HTX, công ty sản xuất cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP với diện tích hơn 982ha. Trên địa bàn huyện, có 86ha trồng nhãn áp dụng theo hướng công nghệ tưới phun sương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cục Bảo vệ Thực vật đã đánh giá và cấp 48 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 480ha, sản lượng trên 4.500 tấn; trong đó có 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, 23 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand. 

nhãn sông mã 8

 

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác