Sửa Luật Thanh tra: Tăng cường phân quyền, rành mạch trách nhiệm
Hoạt động thanh tra có vai trò quan trọng bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý nhà nước, giúp các hoạt động ban hành và tổ chức thực hiện quyết định quản lý được gắn bó chặt chẽ hơn, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Dự án Luật Thanh tra sửa đổi được Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vừa qua. Những vấn đề liên quan đến thực hiện kết luận thanh tra và tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra với các cơ quan khác là nội dung được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm.
Luật Thanh tra là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Qua hơn 10 năm thi hành, luật Thanh tra năm 2010 đã bộc lộ những khó khăn, bất cập, do đó, việc sửa đổi luật này nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương, 116 điều (trong đó, bổ sung thêm 61 điều, sửa đổi 41 điều và lược bỏ 24 điều so với luật hiện hành). Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được xây dựng theo hướng sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan thanh tra cho phù hợp với yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực, bảo đảm thu gọn đầu mối các cơ quan thanh tra nhưng vẫn bảo đảm hoạt động quản lý Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực đều được thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả.
Các hoạt động thanh tra sẽ được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, dự án luật sửa đổi đã có những quy định liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra. Những quy định sửa đổi được kỳ vọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra.
Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, việc quy định về trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, thành phố phải thực hiện kết luận của thanh tra, nếu thực hiện tốt không chỉ thể hiện được vai trò, vị trí, trách nhiệm của người đứng đầu trong cam kết khi nhận trách nhiệm đó. Nó còn làm cho hệ sinh thái trong toàn tỉnh, toàn địa phương có niềm tin nhiều hơn, giúp tháo gỡ, phát triển những nhân tố tích cực cũng như là những nhân tố vi phạm phải xử lý một cách triệt để; nó cũng sẽ ngăn chặn những trường hợp tiêu cực tương tự như vậy trở về sau.
Giải quyết được sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán
Dự thảo Luật cũng phân định thẩm quyền và xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán và hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý. Cụ thể, việc phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước và điều tra được quy định riêng ở chương 6 của dự thảo Luật, trong đó có quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra; trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước…Những quy định này được kỳ vọng sẽ tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và kiểm toán.
Quan tâm đến những vấn đề này, ông Phạm Minh Hoàng, một người dân ở TP.HCM, từ những nghiên cứu của bản thân, thấy rằng Luật Thanh tra đã giải quyết được sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán. Theo đó xác định là Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cần có sự phối hợp với nhau để đưa ra một kế hoạch thanh tra và kiểm toán không bị trùng lắp và không bị chồng chéo dẫn đến tình trạng mất thời gian hay khó khăn trong công tác giải trình.
Cần thiết phải có quy định về nguyên tắc xử lý trong hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán, đặt trong sự thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước nhằm khắc phục, tiến tới không còn tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán… là những vấn đề các đại biểu quốc hội quan tâm, đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 3.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cần làm rõ các quy định về tổ chức bộ máy có liên quan tới hoạt động thanh tra, hình thức thanh tra, tránh gây ra sự chồng chéo. Mỗi một cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm toán xem xét vấn đề trên những khía cạnh, góc nhìn khác nhau. Vì thế phải tăng cường công tác phối hợp hiệu quả, vẫn đạt mục đích thanh tra, kiểm toán mà không gây phiền hà cho đối tượng quản lý.
Các đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc không tiếp tục quy định hình thức thanh tra thường xuyên nhằm phân định rõ giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra. Tuy vậy, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, cần có những quy định cụ thể về thanh tra và kiểm tra để tránh chồng chéo.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa chỉ ra rằng, theo tài liệu tham khảo, có đến 90% là kiểm tra, còn 10% là thanh tra, như vậy dự án luật mới bao phủ được một phần nhỏ trong thực tiễn, vẫn còn khoảng trống pháp lí với hoạt động kiểm tra. Do đó cần nghiên cứu làm rõ cơ sở lí luận từ đó bổ sung kiểm tra cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc pháp quyền cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Tại Điều 52 của dự thảo luật đang có quy định Nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, tuy nhiên theo đại biểu Vũ Huy Khánh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương vẫn khó để rành mạch.
Cụ thể, đại biểu Vũ Huy Khánh cho rằng, để đảm bảo một nội dung hoạt động của một tổ chức cá nhân chỉ có thể là đối tượng thanh tra hoặc kiểm toàn thì điều 52 chưa chặt chẽ và chưa giải quyết được hướng này. Điều 52 quy định: 2 cơ quan trao đổi, thỏa thuận với nhau, trường hợp không thỏa thuận được thì cơ quan nào đến trước sẽ tiếp tục tiến hành. Tuy nhiên như vậy sẽ không bảo đảm được nguyên tắc, để bảo đảm phải tiến hành sớm hơn, là từ khi xây dựng kế hoạch của hai cơ quan, phải sớm hơn trước khi vào tổ chức thanh tra, chứ không phải ai đến trước làm trước.
Theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, cần quy định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đại biểu cho rằng, để khắc phục triệt để tình trạng chống chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, luật cần quy định rõ ràng hơn về trọng tâm thẩm quyền của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính là thanh tra hướng vào bên trong các cơ quan quản lý nhà nước, gắn với việc thực hiện chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trọng tâm thẩm quyền của các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực là hoạt động thanh tra chuyên ngành hướng ra bên ngoài với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội nói chung, gắn với việc kiểm tra, xử phạt vi phạm pháp luật theo ngành, lĩnh vực.
Ông Trần Đình Văn, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, không chỉ khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền hoạt động thanh tra giữa các cấp, dự Luật cần có quy định để không còn tình trạng mời thanh tra để tránh kiểm toán, mời kiểm toán để tránh thanh tra.
Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh phân quyền trên cơ sở phân định rành mạch trách nhiệm giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thanh tra và nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan thanh tra, nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, qua đó giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra./.
Theo VOV