Tam Đường đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm
Chú trọng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm sau tốt nghiệp
Những năm qua, huyện Tam Đường luôn xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc làm cần thiết. Huyện đã chú trọng đào tạo nghề phải gắn với việc làm, đáp ứng nhu cầu của người học. Hàng năm, huyện tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, đề xuất với các sở, ngành liên quan phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của lao động để tổ chức các lớp học.
Từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện đã tạo việc làm cho nhiều lao động, chất lượng lao động ngày càng tăng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chỉ tính riêng trong 2 năm 2020 - 2021, huyện Tam Đường đã tổ chức 59 lớp đào tạo nghề với 1.780 học viên tham gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, trước nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, trong và ngoài tỉnh, huyện đã chủ động điều chỉnh chương trình giảng dạy, mở rộng ngành nghề phi nông nghiệp cho người dân.
Hàng năm, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề về lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp như: Kỹ thuật chăm sóc cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi, may công nghiệp, thêu dệt, nghề mây tre đan, sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, kỹ thuật xây dựng… cung cấp lao động có tay nghề cho nhiều doanh nghiệp.
Nhiều lao động đã có nguồn thu nhập ổn định sau các lớp đào tạo nghề.
Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH huyện còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tam Đường tổ chức đào tạo 22 lớp nghề cho 665 lao động nông thôn kỹ thuật chăn nuôi, trồng, chăm sóc chè, ngô, lúa, cây ăn quả ôn đới và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa.
Hiện nay, tại xã Bản Bo có 832ha chè, trong đó, hơn 534ha chè kinh doanh, sản lượng ước đạt 4.756,7 tấn với trên 2.000 lao động nông thôn tham gia trồng, sản xuất, chế biến chè. UBND xã thường xuyên phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh, huyện đào tạo kỹ thuật thâm canh, mở rộng diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè búp đem lại nguồn thu ổn định cho lao động nông thôn. Người trồng chè trên địa bàn xã phấn khởi vì nhiều năm nay chè được mùa, có đầu ra ổn định.
Điển hình như hộ anh Lò Văn Quang ở bản Hua Sẳng (xã Bản Bo), anh tham gia các lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc hơn 7.000m2 chè Kim Tuyên chất lượng cao. Anh đúc kết kinh nghiệm vun xới, bón phân, diệt trừ sâu, rầy… nâng cao sản lượng chè búp theo hướng hàng hóa. Năm 2021 vừa qua, gia đình anh thu lãi trên 60 triệu đồng từ tiền bán chè búp tươi.
Anh Quang tâm sự: “Trước đây, tôi thiếu kinh nghiệm trồng, chăm sóc nên cây chè cằn, nhiều sâu, rầy gây hại, sản phẩm thấp, thu nhập không đáng là bao. 5 năm gần đây, tôi tham gia tất cả các lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc, thu hái chè. Với kiến thức tiếp thu được tại các lớp đào tạo, tôi thu gom, ủ hoai phân chuồng bón thúc cho cây chè phát triển. Nhờ đó, tôi từng bước thành công với nghề trồng, sản xuất, kinh doanh chè búp, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho gia đình”.
Những năm trước đây đồi chè của gia đình chị Lò Thị Pín ở bản Pa Pe (xã Bình Lư) thường xuyên bị sâu, bệnh hại do chưa có kỹ thuật chăm sóc, tuy nhiên từ năm 2020, được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè ngay tại bản, sau khoá học chị đã trang bị cho mình những kiến thức bổ ích trong sản xuất, từ đó đồi chè nhà chị đã cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chị Pín chia sẻ: “Gia đình tôi trồng cây chè từ lâu, trước kia chưa được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc nên cây chè thường bị sâu bệnh, thối búp hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Năm 2020, tôi được tham gia lớp tập huấn trồng và chăm sóc cây chè tổ chức tại bản, sau thời gian 3 tháng tôi đã nắm được các kỹ thuật chăm sóc chè, biết cách phòng trừ sâu bệnh cho cây, cách thu hái chè và bảo quản chè búp tươi đúng cách. Từ đó hiệu quả kinh tế từ cây chè đem lại tăng lên rất nhiều”.
Các lớp đào tạo nghề được tổ chức đến tận thôn, bản
Các hoạt động dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được chú trọng, chia thành 2 nhóm với 36 ngành, nghề (nhóm nghề nông nghiệp 14, nhóm nghề phi nông nghiệp 22) đã giúp huyện lựa chọn ngành, nghề phù hợp với định hướng phát triển - kinh tế xã hội của địa phương và thị trường lao động. Các lớp đào tạo nghề được tổ chức đến tận thôn, bản, linh hoạt về thời gian, địa điểm... thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề. Người lao động sau khi học nghề đã biết tự tạo việc làm, có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các chuỗi sản phẩm nông nghiệp có giá trị, từng bước mở rộng phát triển Chương trình OCOP.
Nghề mây tre đan truyền thống tại xã Bản Giang, huyện Tam Đường đang dần được phục hồi và phát triển.
Thông qua các hoạt động đào tạo đã thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hàng hóa, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng mô hình tổ hợp tác, các nhóm hộ gia đình sản xuất để giải quyết việc làm ngay tại địa phương. Huyện Tam Đường đã triển khai một số mô hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau học nghề có hiệu quả cao như: Mô hình trồng cây chè, Mắc ca tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt 90%, mức thu nhập hàng tháng khoảng 4 triệu đồng/người; Mô hình chăn nuôi lợn, tỷ lệ có việc làm 93,1%, mức thu nhập hàng tháng khoảng 3 triệu đồng/người; Mô hình nuôi cá nước ngọt tỷ lệ có việc làm 77,7%, mức thu nhập hàng tháng khoảng 4 triệu đồng/người; Mô hình trồng cây ăn quả tỷ lệ có việc làm 85,2%, mức thu nhập hàng tháng khoảng 4 triệu đồng/người.
Cho biết thêm về định hướng trong công tác đạo tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện trong thời gian tới, ông Phạm Quang Đán - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tam Đường nói: “Trong thời gian tới, ngoài chú trọng đào tạo những ngành nghề thuộc thế mạnh của huyện thì Phòng LĐ-TB&XH cũng sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đào tạo và gắn kết với các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên để làm sao người lao động sau khi được đào tạo có thể có được việc làm ngay và có thu nhập ổn định”.
Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Tam Đường đã mang lại hiệu quả nhất định. Từ chỗ phải tìm kiếm các lớp học nghề thì đến nay người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu cá nhân. Đặc biệt, sau học nghề, người dân có cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
- Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3
- Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo mới gắn với lợi ích của nông dân
- Hào hứng chào đón năm học mới tại ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm