Tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 100 điểm cầu tới các doanh nghiệp lớn, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử.
Tiếp nối thành công trong tiêu thụ vải thiều năm 2021, Bắc Giang tiếp tục quảng bá, giới thiệu nông sản chủ lực, đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng và doanh nghiệp trong vào ngoài nước, trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, theo đó địa phương sẽ kết nối tiêu thụ đến các địa phương, doanh nghiệp: hơn 48.000 tấn cam; 36.000 tấn bưởi, 4.000 tấn na và hơn 60.000 tấn thịt lợn và khoảng 17.000 tấn thịt gà và nhiều loại nông sản đặc trưng của địa phương…
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện các sàn giao dịch thương mại điện tử, ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban nghiên cứu và phát triển thương hiệu Việt Nam Post cho rằng: “Với việc khai thác lợi thế về diện tích kho bãi mạng lưới vận chuyển chuyên nghiệp cũng như đội ngũ shipper sẽ giúp bà con nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc sản trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng giúp giảm chi phí tài chính giảm giá thành sản phẩm tiếp cận với nhiều khách hàng và người tiêu dùng trực tiếp thông qua sàn thương mại điện tử và các phương thức bán hàng mới”.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới còn diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương xác định thị trường nội địa là đầu ra quan trọng của các mặt hàng nông sản. Bên cạnh các kênh xúc tiến thương mại truyền thống, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh kênh phân phối hiện đại, với hàng nghìn tấn nông sản các tỉnh, thành phố khu vực Bắc, Trung, Nam đã được triển khai tiêu thụ trên môi trường trực tuyến, qua các Sàn thương mại điện tử trên khắp các tỉnh, thành phố cả nước với nhiều chương trình và hình thức khác nhau có gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ Bắc Giang nói riêng, các địa phương trên cả nước nói chung phát triển sản phẩm, kết nối giao thương, thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản gắn với chuỗi giá trị, xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản của địa phương. Xúc tiến tiêu thụ nông sản được lồng ghép các hoạt động liên quan như các chương trình: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Nông sản thực phẩm an toàn, Xúc tiến thương mại quốc gia, Thương hiệu quốc gia, Khuyến công quốc gia, Phát triển Thương mại điện tử… tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động lưu thông, xuất khẩu nhằm tăng khả năng kết nối, tiêu thụ cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Cam kết về chất lượng các loại nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang khẳng định: “57 Biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ cam bưởi và các nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang ký kết hôm nay mở ra triển vọng hợp tác rộng rãi trong việc đưa cam Bưởi và các nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang đến với các thị trường trong nước và ngoài nước. Chúng tôi cam kết về chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn, dán tem nhãn, truy xuất nguồn gốc đa dạng hóa các kênh phân phối kết hợp bán hàng truyền thống với thương mại điện tử”.
Trong khuôn khổ hội nghị, cùng với các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm, còn có các hoạt động như: trưng bày các sản phẩm cây có múi và sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương và lựa chọn 12 điểm nhà vườn cây có múi đẹp, đủ các điều kiện tổ chức đón khách đến tham quan, mua sắm sản phẩm./.
Theo VOV