Hà Nội: Nỗi lo dịch bệnh của người dân vùng “rốn lũ”
"Sống chung với lũ"
Bà Đỗ Thị Thành, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội vẫn còn nhớ như in, tối 24/7, nghe tin Thủy điện Hòa Bình xả lũ từ thời sự, bà và chồng không dám đi ngủ. Vì sợ lũ đến, nước lên nhanh không kịp trở tay. Gần như năm nào cũng thế, người dân Nam Phương Tiến đều phải trải qua 1 – 2 lần chạy lũ, sống chung với lũ. Năm nay cũng không ngoại lệ.
Đúng như dự đoán của bà Thành, dòng nước dữ từ sông Bùi nhanh chóng tràn qua đê. Khoảng 21h, tiếng hô hoán "chạy lụt" náo động con xóm nhỏ nằm chỉ cách bờ đê vài chục mét. Một cảnh tượng, chỉ nghĩ thôi cũng đã thấy hoang mang, lo sợ rồi.
Nước lũ ngày một lên cao, với tốc độ nhanh, nên bà Thành vội gọi điện gấp cho con cháu báo tin lụt. Cả gia đình 5 người xuyên đêm sơ tán thóc lúa và đồ đạc lên nơi cao nhất trong nhà. Khi tất cả đồ đạc được kê lên cao cũng là lúc nước tràn vào bên trong nhà bà Thành, ngập quá mắt cá chân. Điều này đồng nghĩa với việc phía ngoài đường, nước đã ngập sâu hơn 1m.
"Năm nay, nước lũ lên cao hơn dự đoán của chúng tôi, nên dù đã cố kê cao các bao thóc, nhưng vẫn bị ướt mất mấy bao bên dưới, nhưng mệt quá rồi đành chấp nhận”, bà Thanh kể lại.
Tương tự gia đình nhà bà Thành, gia đình của ông Đỗ Văn Thắng, xóm Đông Trạch, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến cũng buộc phải “sống chung với lũ” gần chục ngày qua. Tất cả những sinh hoạt, công việc đều bị đảo lộn, mà chưa biết đến bao giờ mới có thể trở lại cuộc sống bình thường được.
Anh Thắng cho biết, thôn Nhân Lý là thôn trũng, ngập sâu nhất của xã Nam Phương Tiến, có nơi ngập sâu tới 2m, khiến việc đi lại, sinh hoạt của những hộ dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, khi phải di chuyển bằng thuyền tôn nhỏ.
Theo ông Thắng, trên địa bàn thôn Nhân Lý nói riêng và xã Nam Phương Tiến nói chung có nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có nhiều trang trại nuôi hàng nghìn con gà, vịt. Nước lũ lên nhanh, nhiều động vật không kịp sơ tán lên nơi cao bị chết chìm. Gia đình anh Thắng nuôi hơn 200 con gà, vịt cũng bị chết gần một nửa trong trận lụt này. Số gia cầm kịp đưa lên bè nổi những ngày qua cũng hao hụt dần, vì điều kiện sống khắc nghiệt.
"Nước lũ ập đến rất nhanh chỉ kịp cứu người, gia cầm chết lúc đó không vớt được, cũng không biết thu gom vào đâu. Phải vài ngày sau, tôi mới có thể gom lại vào bao tải. Tuy nhiên, việc xử lý xác động vật vẫn gặp nhiều khó khăn khi xung quanh mênh mông biển nước", anh Thắng kể.
Tăng cường kiểm soát dịch bệnh vùng “rốn lũ”
Bà Nguyễn Thị Mùi – Phó Chủ tịch xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) cho biết, ngay khi địa bàn bị ngập lụt, các cấp chính quyền đã lập tức vào cuộc. Nhiều nguồn lực được huy động để hỗ trợ cho người dân rốn lũ.
Theo đó, về nguồn nước sạch, UBND xã Nam Phương Tiến đã kịp thời trích ngân sách dự phòng, để cung ứng cho các hộ dân vùng úng ngập. Bên cạnh đó, xã cũng huy động doanh nghiệp hỗ trợ các téc nước di động, để người dân có thể ra các điểm lấy nước sạch.
Về vấn đề phòng chống dịch bệnh, theo bà Mùi, xã đã thành lập các trạm y tế lưu động để hỗ trợ bà con nhân dân. Các hộ dân vùng ngập đều được phát các loại thuốc men thiết yếu và cloramin B để khử khuẩn. Ngoài ra, xã còn huy động lực lượng thanh niên tình nguyện, Hội Phụ nữ cùng các tổ chức để đi từng ngõ ngách thu gom xác động vật, rác thải nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm.
Được biết, hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã thành lập 5 tổ chống dịch cơ động hướng dẫn các trung tâm y tế, phối hợp với chính quyền các cấp chuẩn bị cơ số Cloramin B 25%, đủ để nước rút đến đâu thực hiện vệ sinh môi trường đến đó, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng chống lụt bão. CDC Hà Nội đã tổ chức giám sát 17 xã, phường tại 9 quận, huyện, khu vực có nguy cơ trước mùa bão lũ.
Theo các chuyên gia y tế, ngay cả khi nước đã rút hẳn vẫn còn nhiều nguy cơ dịch bệnh rình rập, người dân tuyệt đối không chủ quan. Các chuyên gia khuyến cáo, khi lũ rút phải vét giếng lấy nước mới sinh hoạt, đảm bảo việc phun trùng khử uế các chất thải, xác súc vật chết, đây là việc rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần kịp thời phát hiện bệnh nhân càng sớm càng tốt, để tích cực điều trị khoanh vùng dập dịch, tăng cường hệ thống khám bệnh, đảm bảo việc cung cấp thuốc cho người dân một cách tốt nhất.