Liên kết sáu nhà

Tăng lợi nhuận và tính bền vững trong sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL

07:06 04/10/2023 GMT+7
Cải thiện lợi nhuận cho người nông dân trên cơ sở phát triển diện tích canh tác lúa bền vững là mục tiêu lớn nhất của Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo Vai trò của hợp tác công - tư trong triển khai Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 2/10. 

Chú thích ảnh

Nông dân tỉnh Đồng Tháp thu hoạch rộ vụ lúa Hè Thu 2021. Ảnh tư liệu: Chương Đài/TTXVN

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo tập trung lớn nhất cả nước, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp phần lớn kim ngạch xuất khẩu gạo hàng năm. Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Đề án) được xây dựng trong bối cảnh những năm qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sản xuất lúa còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, hiệu quả sản xuất và thu nhập của người trồng lúa vẫn còn thấp; chất lượng, sức cạnh tranh của gạo xuất khẩu chưa cao. Sản xuất lúa gạo chưa thật sự bền vững với điều kiện biến đổi khí hậu và thay đổi dòng chảy nhanh chóng; mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính còn hạn chế. Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả thiếu tập trung.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là giảm 20% chi phí sản xuất sẽ góp phần giảm khoảng 9.500 tỷ đồng cho các hộ trồng lúa (với sản lượng 13 triệu tấn lúa – năm 2030). Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất sẽ góp phần đảm bảo ổn định giá bán lúa và dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống. Với mức giá bình quân 5,1 triệu đồng/tấn thì việc tăng giá 10% góp tăng doanh thu từ bán lúa 7.000 tỷ đồng/năm (nếu tính tổng thể một triệu ha hay 13 triệu tấn lúa). Như vậy lợi nhuận từ sản xuất lúa sẽ tăng lên do giảm chi phí và do tăng giá bán. Ước tính nếu trên phạm vi một triệu ha lúa vùng chuyên canh, lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng lên khoảng hơn 16.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng, để thực hiện được 1 triệu ha này còn rất nhiều khó khăn, trong đấy là việc thu hút đầu tư và là một trong những vấn đề thách thức. Ngành nông nghiệp kêu gọi tất cả các thành phần tham gia vào triển khai thực hiện đề án, từ hợp tác xã, doanh nghiệp, đến các tổ chức quốc tế, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước… nhằm huy động được toàn bộ nguồn lực của xã hội từ kinh nghiệm, kỹ thuật đến tài chính phục vụ cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế ngành lúa gạo. 

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, An Giang là một trong những tỉnh có diện tích trồng lúa lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao là rất thiết thực, phù hợp để giúp cho bà con nông dân trồng lúa của An Giang đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao hơn như thích ứng với sự thay đổi khí hậu, đặc biệt trong vấn đề canh tác lúa giảm phát thải carbon.

Tuy nhiên, việc triển khai Đề án sẽ không ít thách thức, đầu tiên đó là nhận thức của người nông dân, dù rằng An Giang hiện nay đang tập trung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông dân. An Giang cũng tham gia rất nhiều dự án để thực hiện các quy trình canh tác “1 phải 5 giảm”, “ 3 giảm, 3 tăng”nhưng để thay đổi nhận thức của người nông dân, làm sao họ thấy được trách nhiệm của mình khi trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị vẫn cần nhiều thời gian.

Với quyết tâm mở rộng diện tích canh tác lúa bền vững, cải thiện thu nhập, lợi nhuận cho người trồng lúa, An Giang đã đăng ký tham gia Đề án với diện tích 150.000 ha trên tổng số 200.000 ha canh tác lúa của cả tỉnh. Để đảm bảo hiệu quả của Đề án, An Giang tập trung nâng cao nhận thức cho nông dân và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung khắc phục các hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông bằng cách cải tạo, nâng chất các đường giao thông nội đồng cũng như hệ thống kênh mương, vừa đảm bảo phục vụ cho tưới tiêu, vừa đảm bảo cho vận chuyển hàng hóa nông sản, đặc biệt là lúa gạo được thuận tiện. 

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long là đề án mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, tăng thu nhập cho nông dân, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc triển khai Đề án sẽ giúp vùng lúa chất lượng cao được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã, liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để được cung cấp đầu vào đảm bảo chất lượng với giá thấp hơn đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn. Việc này không không chỉ giúp nông dân hưởng lợi từ giá trị gia tăng của hạt gạo mà còn tạo ra quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nguồn tài nguyên, tái sử dụng phụ phẩm từ trồng lúa theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường.

Theo TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục
Tin khác