Tạo cơ sở pháp lý để phát triển, nhân rộng mô hình bác sỹ gia đình
Bày tỏ quan tâm đến mô hình bác sỹ gia đình - mô hình có nhiều ưu điểm, được phát triển rộng rãi ở nhiều nước tiên tiến, góp phần sàng lọc, giải quyết phần lớn các bệnh lý thông thường, giảm tải tại các bệnh viện, tiết kiệm chi phí nằm viện cho bệnh nhân và chi phí bảo hiểm y tế, nhiều đại biểu đề nghị cần xác định rõ phạm vi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ và các điều kiện bảo đảm hoạt động; luật hóa tạo cơ sở pháp lý để phát triển, nhân rộng mô hình bác sỹ gia đình trong thời gian tới.
Đưa vấn đề y đức vào dự thảo Luật
Cơ bản đồng tình với dự thảo và Báo cáo thẩm tra Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) nêu: "Vấn đề y đức trong thời gian qua chỉ được điều chỉnh thông qua quy định riêng của Bộ Y tế. Đây là vấn đề quan trọng cần phải được đưa vào vào luật dành một chương riêng. Y học nước nhà tiến bộ, đội ngũ y, bác sỹ có tay nghề chuyên môn cao ngày càng nhiều, tuy nhiên không hẳn tỷ lệ thuận với y đức. Kể cả những bệnh viện tuyến trên, bệnh viện có tiếng trong kỹ thuật y khoa với đội ngũ y, bác sỹ có tay nghề cao, "chưa hẳn đa số có y đức và ứng xử tốt với bệnh nhân".
Đại biểu cho rằng, bên cạnh một bộ phận cán bộ y tế, tận tâm với nghề, thể hiện tinh thần hy sinh, gắn bó, ứng xử hài hòa tận tình chăm sóc người bệnh, xông pha trong tuyến đầu để chống dịch như thời gian vừa qua, còn không ít y, bác sỹ ngày càng rời xa mục đích cao cả và tôn chỉ "lương y như từ mẫu"… "Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định quyền được học tập nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn, cũng cần bổ sung quyền được học tập, trau dồi, rèn luyện về y đức. 12 nội dung, tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế được Bộ Y tế quyết định khá cụ thể nhưng cần được xem xét để đưa vào dự thảo luật lần này, kèm với đó là một số nội dung cơ bản về quy tắc ứng xử", đại biểu đề nghị.
Cho ý kiến về đánh giá năng lực người hành nghề - một trong những điểm mới nhất của dự thảo Luật, đại biểu Lê Văn Cường (Thanh Hóa) nhấn mạnh, đây là kỳ sát hạch không có tính cạnh tranh nhưng cần đảm bảo chất lượng, tránh hình thức, gây quá tải cho Hội đồng Y khoa Quốc gia và các cơ sở y tế. Đại biểu Lê Văn Cường đề nghị, trước năm 2035, lộ trình đánh giá năng lực người hành nghề nên tập trung đánh giá năng lực hành nghề 3 chức danh: Bác sỹ; điều dưỡng; hộ sinh bởi vì 3 chức danh này chiếm khoảng 80% tổng số nhân lực trong cơ sở khám chữa bệnh và đáp ứng hầu hết nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản của người dân.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, cần quy định rõ Hội đồng Y khoa Quốc gia có trách nhiệm xây dựng chương trình ngân hàng câu hỏi liên quan đến cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Các tài liệu này được cập nhật, công bố công khai và truy cập miễn phí; đồng thời, cần bổ sung thêm hình thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục rất quan trọng là tự học. "Việc này giúp các cơ sở y tế có giải pháp khuyến khích nhân viên y tế chủ động tự học, tự đào tạo, tích cực học hỏi qua các thực tiễn công việc hằng ngày", đại biểu nhấn mạnh.
Về một số điều khoản liên quan đến nhân lực trạm y tế và các bệnh viện huyện, đại biểu Lê Văn Cường cho biết, hiện nay trên cả nước có gần 2.000 trạm y tế không có bác sỹ. Sau ngày 1/1/2025, dự thảo luật quy định không cấp giấy phép hành nghề cho khối y sỹ dân sự. Việc thu hút bác sỹ được đào tạo chính quy về tuyến xã sẽ vô cùng khó khăn với cả hiện tại và tương lai. 10 năm tới sẽ có những huyện không còn bác sỹ ở trạm y tế, ảnh hưởng đến nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân tại cơ sở. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương hiện nay đang quá tải, gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị y tế và tài chính, chỉ đủ nguồn lực để đào tạo nhân lực và hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa cho một số lượng không nhiều trạm y tế trên cả nước.
Đại biểu Lê Văn Cường đề nghị cần quy định chi tiết và các biện pháp thi hành thuận lợi cho điều phối nhân lực, thanh toán bảo hiểm y tế và thực hiện chế độ, chính sách cho nhân viên y tế khi đăng ký làm việc tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh. "Điều này sẽ thuận lợi cho bác sỹ ở trạm y tế có thể đăng ký khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện tới 50% thời gian để nâng cao trình độ.
Ngược lại, bác sỹ bệnh viện huyện có thể đăng ký 50% thời gian khám, chữa bệnh tại trạm y tế để đáp ứng nhu cầu có bác sỹ giỏi của người dân tại trạm y tế", đại biểu nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị cần bổ sung thêm chính sách miễn tiền học phí và hỗ trợ chi phí toàn khóa học đối với hệ bác sỹ đa khoa chính quy, đăng ký công tác khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở; tăng chỉ tiêu đào tạo, tăng số lượng biên chế và thực hiện thêm nhiều chính sách để trong 10 năm tới thu hút bác sỹ bệnh viện tuyến huyện, qua đó, vừa nâng cao năng lực của bệnh viện huyện, vừa giải quyết tình trạng thiếu hụt trầm trọng bác sỹ tại trạm y tế trong tương lai.
Xác định phạm vi, nhiệm vụ phòng khám bác sỹ gia đình
Bày tỏ đồng thuận với dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án bác sỹ gia đình với mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình phòng khám này trong hệ thống y tế Việt Nam. Phòng khám bác sỹ gia đình được coi là mô hình sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sỹ chuyên khoa liên quan, tiết kiệm chi phí nằm viện cho bệnh nhân và chi phí bảo hiểm y tế.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Huế, với mô hình này, bác sỹ gia đình đảm đương ba vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sỹ tâm lý cho bệnh nhân. Ngoài kiến thức chuyên môn, bác sỹ gia đình cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế để không những chỉ chăm sóc, điều trị bệnh mà còn có thể tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức tăng cường sức khỏe, phòng bệnh và hỗ trợ về tâm lý và xã hội. Bác sỹ gia đình là nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tầm soát bệnh tật giúp giảm tải ở bệnh viện.
"Song thực tế cho thấy, mô hình này hiện vẫn đang gặp nhiều vướng mắc như chưa có cơ chế định giá, chưa thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ trong mô hình hoạt động của bác sỹ gia đình, chưa xây dựng được quy chế phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sỹ gia đình với hệ thống phòng khám chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân, phí dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán bảo hiểm y tế, chưa xây dựng được mẫu bệnh án giấy thống nhất bệnh án điện tử của phòng khám bác sỹ gia đình", đại biểu Nguyễn Thị Huế nêu.
Để hoàn thiện mô hình này, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị ngành Y tế cần có đánh giá, tổng kết cụ thể, xác định phạm vi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sỹ gia đình và các điều kiện bảo đảm hoạt động như giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng, cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc; cần quan tâm đến vấn đề hành lang pháp lý và được luật hóa, có thể đưa vào một điều luật cụ thể về nội dung này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, đây là mô hình có nhiều ưu điểm, được phát triển rộng rãi ở nhiều nước tiên tiến, tuy nhiên chưa được quan tâm, chưa có nhiều quy định cụ thể để phát triển tại Việt Nam. Để tháo gỡ những bất cập nêu trên, tạo điều kiện mô hình bác sỹ gia đình phát triển đúng hướng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên, giảm tải gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân nói riêng cũng như xã hội nói chung, đại biểu Lê Thu Hà đề nghị luật hóa tạo cơ sở pháp lý để phát triển, nhân rộng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình.
Đại biểu Lê Thu Hà đề nghị bổ sung đối tượng bác sỹ gia đình và các nguyên lý y học gia đình vào các nội dung sửa lần này liên quan đến điều kiện đảm bảo thực hiện cho hoạt động khám, chữa bệnh bao gồm tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, thay đổi cách tiếp cận về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, sửa đổi điều kiện cấp giấy phép hành nghề, đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề, quy định tài chính trong khám, chữa bệnh, ngân sách nhà nước công tác khám, chữa bệnh...
Theo TTXVN/Vietnam+