Tạo tín chỉ carbon nhưng vẫn đảm bảo năng suất lúa
Trồng lúa giảm phát thải chính là một trong những chủ trương lớn của ngành Nông nghiệp, bởi muốn giảm phát thải, bản chất là tiết giảm chi phí sản xuất đầu vào để tăng thu nhập cho nông dân như giảm phân bón, thuốc sâu, giảm lượng nước tưới, tận dung rơm rạ…Tín chỉ carbon lúa là loại thu được từ canh tác lúa chất lượng cao kết hợp giảm phát thải. Đặc biệt, nông dân phải thực hiện đúng quy trình về báo cáo đánh giá tín chỉ carbon.
Do đó, việc triển khai thí điểm “tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa” nhằm mục đích kinh doanh, trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Sau khi “bù trừ” tín chỉ carbon trong nước sẽ chuyển nhượng giao dịch mua bán trên trường quốc tế, vừa góp phần nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế từ đồng ruộng lại mở ra thời cơ tìm kiếm nguồn kinh phí tái đầu tư cho hoạt động sản xuất.
Hiện nay, Nghệ An đang thí điểm tín chỉ carbon lúa trên địa bàn 5 huyện là Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương và Diễn Châu thuộc vùng tưới của Thuỷ lợi Bắc và Thuỷ lợi Nam, với khoảng 24.000 hộ dân tham gia. Theo số liệu thống kê, vụ Xuân 2024, tỉnh Nghệ An gieo trồng trên 91.000ha lúa, năng suất đạt ngưỡng cao nhất 69 tạ/ha. Đây cũng chính là mốc thời gian ghi nhận bước khởi đầu của nông nghiệp Nghệ An trên hành trình “tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa”.
Bước đầu số diện tích vụ Xuân 2024 thông qua dự án tỉnh Nghệ An đã triển khai được 5.000ha lúa, con số này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế hiện hữu. Nhằm đánh thức “mỏ vàng” đang ngủ yên, các bên liên quan đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các chủ thể đăng kí tham gia. Sang đến vụ Hè Thu tình hình chuyển biến tích cực, thể hiện qua diện tích 11.600ha, tăng thêm nhiều diện tích so với điểm khởi đầu.
Qua trao đổi, bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nhấn mạnh: “Tỉnh Nghệ An sở hữu nhiều tiềm năng, lắm lợi thế để tạo tín chỉ carbon trên nhiều phương diện, không riêng gì khía cạnh lâm nghiệp mà lĩnh vực trồng trọt cũng rất đáng để kỳ vọng. Riêng tổng diện tích lúa 2 vụ Xuân và Hè Thu – mùa của Nghệ An lên đến 175.000ha, trong đó quỹ đất chủ động tưới tiêu, điều tiết đạt trên 80.000ha, rất thuận lợi. Đặc biệt, chủ trương chung của ngành là tạo tín chỉ nhưng đảm bảo năng suất lúa”.
Một khi đạt được tín chỉ carbon, thương hiệu và giá trị gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ tăng lên. Sản xuất vừa đáp ứng nhu cầu về an ninh lương thực, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu.
Qua nắm bắt thông tin, có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa như: Thâm canh không bền vững; bón phân quá mức; sử dụng nước tưới nhiều; quản lý không đúng cách phế phụ phẩm như rơm rạ và trấu;…
Một trong những đơn vị đang làm tốt công tác vận hành, tưới tiêu đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn của Dự án có thể kể đến Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An. Đây là đơn vị thủy nông được giao quản lý diện tích hàng chục ngàn héc ta và với dự án tạo tín chỉ trong sản xuất lúa mới triển khai nhưng tín hiệu bước đầu tương đối khả quan, hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Bùi Văn Hào, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty chia sẻ: Hoạt động giảm phát thải liên quan chặt chẽ đến kỹ thuật điều tiết nước trên ruộng lúa, cụ thể là kỹ thuật "tưới ngập khô" xen kẽ hay còn gọi là "Nông lộ phơi". Việc điều tiết này không chỉ giúp cây lúa bám rễ tốt mà còn nâng cao chất lượng tín chỉ carbon cho cây lúa.
Dự án lần đầu tiên triển khai tại Nghệ An cũng như Việt Nam để lấy tín chỉ carbon trong trồng lúa, có sự hỗ trợ của JICA nên có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện. Dự án đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lớp tập huấn cụm liên xã để giúp hàng ngàn lượt lao động thủy nông, cán bộ cơ sở và nông dân thụ hưởng nắm rõ quy trình và phương pháp tổ chức. Dự án cũng tiến hành lắp đặt hàng trăm ống đo nước tại các cánh đồng nhằm đảm bảo số lượng mẫu đại diện và cung cấp số liệu đáng tin cậy cho bên giám sát, công nhận tín chỉ carbon.
Mô hình canh tác lúa giảm phát thải được triển khai tại Nghệ An không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn tạo ra thêm tín chỉ carbon. Chương trình này vừa tăng nguồn thu nhập cho nông dân vừa góp phần bảo vệ môi trường sống.